Sóng cổ phiếu “bèo” trên UPCoM

Sóng cổ phiếu “bèo” trên UPCoM

(ĐTCK) Bị buộc hủy niêm yết trên sàn giao dịch chính thức do thua lỗ triền miên, nhưng nhiều cổ phiếu trong số này đang tạo sóng trên thị trường UPCoM.

Sau 4 phiên giao dịch, VNP tăng hơn 100%

Ngày 18/8, hơn 19,4 triệu cổ phiếu VNP của CTCP Nhựa Việt Nam đã chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu 2.000 đồng/CP. Mức giá tham chiếu trên rất thấp với một cổ phiếu lần đầu được giao dịch trên TTCK, nhưng lại được HĐQT VNP đánh giá là hợp lý. Cụ thể, theo Nghị quyết HĐQT của VNP ngày 10/8, giá tham chiếu của cổ phiếu VNP trong ngày giao dịch đầu tiên tại sàn UPCoM được xác định dựa trên phương pháp tính giá cơ bản là phương pháp so sánh giá cổ phiếu với giá trị sổ sách tại 31/12/2014.

VNP là doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh hạt nhựa và các sản phẩm từ nhựa (bao bì, phụ tùng, linh kiện) phục vụ cho ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, viễn thông, dân dụng. Trung bình, mỗi năm, VNP cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 tấn nhựa các loại, chiếm 5% tổng sản lượng cung ứng của toàn thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của VNP nhiều năm trở lại đây rất bết bát. Năm 2014, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 701,8 tỷ đồng, giảm so với con số 920 tỷ đồng năm 2013; lợi nhuận sau thuế âm 31,16 tỷ đồng. Năm 2013, Công ty lỗ 97 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo hợp nhất quý II/2015 của VNP, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 243 tỷ đồng; giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014; lợi nhuận sau thuế đạt 9,1 tỷ đồng. Sở dĩ lợi nhuận quý II cũng như 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ, theo giải trình của VNP, chủ yếu là do Công ty hoàn nhập một khoản dự phòng nợ khó đòi do khách hàng thanh toán. Đến cuối quý II, Công ty có khoản lỗ lũy kế lên tới 131,1 tỷ đồng.

Dù hiệu quả kinh doanh của VNP chưa có triển vọng sáng sủa, nhưng sau 4 phiên giao dịch, giá cổ phiếu của công ty này có mức tăng trưởng rất ngoạn mục, đạt trên 100%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/8, cổ phiếu VNP đạt mức giá 4.100 đồng/CP.  

Sau hủy niêm yết thành “hàng hot” trên UPCoM

Vài năm trở lại đây, trong bối cảnh kinh chung khó khăn, nhiều doanh nghiệp niêm yết thua lỗ phải hủy niêm yết bắt buộc và những cổ phiếu này trở thành hàng hóa bổ sung cho sàn UPCoM và nhóm cổ phiếu bị đánh bật khỏi sàn HOSE và HNX là nhóm chứa nhiều cổ phiếu “giá bèo” nhất. Trong đó, một số cổ phiếu trở thành “hàng hot” trên UPCoM, với giao dịch khá sôi động.

Đơn cử là trường hợp cổ phiếu AVF của CTCP Việt An, cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE từ 10/6/2015 do doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. AVF kết thúc ngày giao dịch cuối cùng (9/6/2015) trên HOSE với giá 1.100 đồng/CP và 8 ngày sau đó, (17/6), AVF đã chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM với giá khởi điểm 1.200 đồng/CP. Trong phiên đầu tiên, khối lượng giao dịch của AVF đạt gần 300.000 đơn vị, có những phiên sau đó như 22/6, cổ phiếu có khối lượng giao dịch tới hơn 1 triệu đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, ngày 21/8, khối lượng khớp lệnh của AVF đạt 465.800 đơn vị.

Một cổ phiếu khác tạo sóng trên UPCoM là PXM của CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung. Hồi giữa tháng 5/2015, PXM bị hủy niêm yết trên sàn HOSE, kết thúc ngày giao dịch cuối cùng với mức giá 900 đồng/CP. Đến 1/7, cổ phiếu này gia nhập sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 1.100 đồng/CP. Sau 4 phiên giao dịch, giá của PXM đã đạt 1.800 đồng/CP, gấp đôi mức giá trước khi huỷ niêm yết. Ở thời điểm hiện tại, PXM đã trở lại mức giá tham chiếu ban đầu là 900 đồng/CP.

Cổ phiếu GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng là cái tên gây chú ý trên thị trường UPCoM gần đây. Theo BCTC năm 2013, Ô tô Giải Phóng đã lỗ 67,9 tỷ đồng sau khi đã lỗ hơn 27 tỷ đồng vào năm 2012. Năm 2014, theo BCTC tổng hợp, GGG lỗ sau thuế hơn 12 tỷ đồng. Bị hủy niêm yết bắt buộc sau 3 năm thua lỗ liên tục, GGG bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ 15/8/2015 với giá tham chiếu 1.100 đồng/CP. Đến phiên 21/8, cổ phiếu GGG đã tăng lên mức 1.900 đồng/CP. Như vậy, cổ phiếu GGG đã tăng giá hơn 70% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch.

Các cổ phiếu “giá bèo” đang là cơ hội kiếm lời nhanh chóng cho nhiều  NĐT. Tuy nhiên,  việc đuổi theo sóng cổ phiếu này rất rủi ro. Với tình trạng kinh doanh bết bát, bị đào thải khỏi thị trường niêm yết chính thức, các DN muốn hồi phục cũng cần một thời gian đủ dài, vì vậy, các cổ phiếu này khó có thể duy trì được đà tăng bền vững. Bằng chứng là chỉ sau một số phiên ban đầu tăng mạnh, hầu hết các cổ phiếu này đều quay đầu giảm giá về mức khởi điểm, thậm chí về dưới mức giá khởi điểm. 

Tin bài liên quan