Sớm gỡ rào cản để nâng hạng thị trường

Sớm gỡ rào cản để nâng hạng thị trường

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tuổi mới với nhiều kỳ vọng về các bước phát triển đột phá, góp phần khơi thông các nguồn vốn, hỗ trợ công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, với 3 nhiệm vụ chính là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân và thúc đẩy nền kinh tế thị trường.

Nhìn một cách sâu xa, 3 vấn đề lớn của nền kinh tế có ảnh hưởng to lớn đến thị trường. Thực hiện tốt 3 trụ cột này, bên cạnh đó là một số vấn đề đặc thù khác, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi.

Nếu điều này xảy ra sẽ là nhân tố quan trọng giúp kích hoạt dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK, hỗ trợ tốt trở lại cho 3 nhiệm vụ kinh tế quan trọng trên.

Ông Vũ Đức Tiến 

Để được nâng hạng, không chỉ chứng khoán mà nhiều vấn đề, nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan khác phải vào cuộc. Trước hết, về quy mô và thanh khoản, MSCI yêu cầu, các thị trường mới nổi phải có ít nhất ba doanh nghiệp có vốn hóa đạt trên 1,2 tỷ USD, vốn hóa đang lưu hành đạt trên 600 triệu USD và thanh khoản đạt tỷ lệ 15% đối với chỉ tiêu về khối lượng giao dịch năm/vốn hóa.

Với tiêu chí này, TTCK Việt Nam đã có một số cổ phiếu đáp ứng như VIC, VNM, Vietjet Air, Petrolimex. Với định hướng cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, gắn với việc đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn, tiêu chí định lượng này, TTCK Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì và đáp ứng tốt.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là tiêu chí tiếp cận thị trường, bao gồm nhiều vấn đề như mức độ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ dễ dàng luân chuyển vốn, môi trường cạnh tranh và tính ổn định của khung thể chế. Để có thể đáp ứng được những tiêu chí mang tính định tính này, nỗ lực của các thành viên thị trường là chưa đủ, mà rộng hơn rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy khá rõ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường, nhiều chính sách mới đã được triển khai như giới hạn sở hữu nước ngoài đã có sự cải thiện nhờ Nghị định 60 về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện công bố thông tin khi nhiều doanh nghiệp đã thực hiện và được khuyến khích thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Việc đăng ký đầu tư và mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện nhờ sự ra đời của việc đăng ký trực tuyến và tiết giảm thời gian cho việc xuất mã giao dịch…

Tuy còn rất nhiều việc cần giải quyết đồng bộ khác như cải thiện mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, các quy định để giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp, gắn với các yếu tố thị trường… Những động thái của các cơ quan quản lý gần đây cho chúng ta nhiều kỳ vọng. Việc nâng hạng thị trường chắc chắn là con đường chứng khoán Việt Nam phải đi tới trong một tương lai không xa.

Với các thành viên thị trường, trong đó có Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, cá nhân tôi cho rằng, chuẩn bị các nền tảng thật vững chắc, chú trọng yếu tố nhân sự, công nghệ và quản trị rủi ro tốt, sẽ là những việc cần được quan tâm.

Một mặt điều này giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh để có thể nắm bắt được các cơ hội tốt trên thị trường, một mặt sẵn sàng đủ năng lực phục vụ  khi thị trường bứt phá mạnh mẽ. Diễn biến chứng khoán thường đi trước nền kinh tế và thời gian sẽ không chờ một ai.

Tin bài liên quan