“Soi” sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc trước thềm đại hội đồng cổ đông 2017

“Soi” sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc trước thềm đại hội đồng cổ đông 2017

(ĐTCK) Năm 2016 tiếp tục được coi là một năm thành công của thị trường địa ốc. Trước mùa ĐHCĐ, Đầu tư Bất động sản xin điểm lại kết quả hoạt động của một số doanh nghiệp địa ốc niêm yết đáng chú ý nhất.

1. Tập đoàn Vingroup (VIC)

Cái tên đầu tiên cần phải nhắc tới tiếp tục là Tập đoàn Vingroup. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 23.886 tỷ đồng, tăng 66,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lãi trước thuế đạt 1.578 tỷ đồng, tăng trưởng 53%.

Lũy kế cả năm 2016, Vingroup đạt 58.597 tỷ đồng doanh thu, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận 6.134 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 115% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 3.505 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng của công ty mẹ ghi nhận gần 1.553,6 tỷ đồng, tăng 27%.

Đạt được kết quả này, theo ghi nhận từ báo cáo tài chính của Vingroup qua các quý, đến từ việc tăng trưởng doanh thu ở tất cả các thương hiệu gồm Vinhomes, Vincom Retail, Vinpearl, Vinpearl Land, Vinschool, Vinmec, VinMart, Vinmart+ và VinPro.

Trong đó, năm 2016, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 38.132 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2015; doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ có liên quan đạt 3.197 tỷ đồng, tăng 20%; doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đạt 4.746 tỷ đồng, tăng 66% doanh thu từ bệnh viện và các dịch vụ có liên quan đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 41%.

Trong khi đó, Vimart và Vinmart+ và VinPro ghi nhận mức doanh thu từ bán hàng tại siêu thị và cửa hàng tiện ích đạt 9.136 tỷ đồng, tăng 112% còn doanh thu cung cấp dịch vụ giáo dục và các dịch vụ có liên quan đạt 730 tỷ đồng, tăng 42%.

Về hàng tồn kho, theo ghi nhận từ báo cáo tài chính do Vingroup công bố, tính đến cuối năm 2016, tổng lượng tồn kho tập đoàn này là hơn 32.045 tỷ đồng, dẫn đầu toàn thị trường. Tuy nhiên, chủ yếu là bất động sản đang xây dựng hơn 28.600 tỷ đồng, còn bất động sản sẵn sàng để bán thì chỉ còn 709 tỷ đồng, giảm 70% so với đầu năm.

Bước sang năm 2017, dù chưa chính thức đưa ra kế hoạch cụ thể, nhưng với việc ra mắt hai mô hình Vincom+ và VinCity, Vingroup hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều tiếng vang trên thị trường với chiến lược mở rộng phân khúc đầu tư (nhà giá bình dân chỉ từ 700 triệu Vincity), cũng như mở rộng mô hình hoạt động (trung tâm mua sắm bố trí theo mô hình “một điểm đến - nhiều lựa chọn”) tới tận các huyện, thị trên toàn quốc.

“Soi” sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc trước thềm đại hội đồng cổ đông 2017 ảnh 1 
2. Tập đoàn Novaland (NVL)

Cái tên tiếp theo phải kể đến là Novaland, một ông lớn vừa chính thức niêm yết trên HOSE cuối năm 2016. Nằm trong top các doanh nghiệp địa ốc có tiếng tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nhưng phải đến khi chính thức niêm yết, kết quả kinh doanh của Novaland mới được hé lộ.

Theo đó, năm 2016 vừa qua, Novaland đạt hơn 7.359 tỷ đồng doanh thu thuần, đứng thứ 2 toàn thị trường sau Vingroup, tăng 10,3% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 2.193 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, nhằm thu hút thêm vốn đầu tư mở rộng kinh doanh dự án, NVL tiếp tục đưa ra kế hoạch kinh doanh táo bạo với doanh thu thuần năm 2017 dự kiến ở mức 17.528 tỷ đồng và lãi ròng 3.144 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 160% và 91% so với kế hoạch 2016. Theo đó, cơ sở để Tập đoàn đưa ra hai con số trên là việc được ghi nhận doanh thu lớn đến từ 7 dự án đã được bàn giao từ năm 2014 và 2015.

Bên cạnh đó, trong năm 2016 Công ty đã triển khai 21 dự án và năm 2017 dự kiến tiếp tục bàn giao các căn hộ thuộc dự án The Tresor (quận 4), Lucky Palace (quận 6), GardenGate, Golden Masion, Kingston Residence, Orchard Garden (quận Phú Nhuận) và The Botanica (quận Tân Bình).

3. Tập đoàn FLC (FLC)

Một ông lớn bất động sản tiếp theo cũng ghi nhận kết quả tăng trưởng khá ổn định trong năm 2016 vừa qua là Tập đoàn FLC. Theo báo cáo tài chính công bố, tính đến cuối năm 2016, FLC đạt tổng doanh thu 6.347,7 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015 và tương đương 91% kế hoạch năm. Lãi trước thuế ghi nhận 1.293 tỷ đồng, tăng trưởng 9% và vượt 8% chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, dù doanh thu bán hàng hóa năm 2016 của FLC chỉ đạt hơn 2.026 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2015, nhưng nhờ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh 219%, đạt hơn 3.620 tỷ đồng, cùng với doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 119% đạt hơn 640 tỷ đồng, nên vẫn giúp doanh thu năm 2016 tăng mạnh.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC cho biết, năm 2017, Tập đoàn phấn đấu đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu từ mảng bất động sản. Năm nay, FLC sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới, trong đó có thể kể đến hometel kết hợp shophouse (nhà phố thương mại) theo hình thức kết hợp bất động sản phục vụ bán hàng với cho thuê phòng nghỉ ở FLC Lux City Sầm Sơn “thành phố không ngủ”...         

(Còn tiếp)

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan