Đợt chào bán 49% cổ phần của Intimex Việt Nam từ SCIC đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm

Đợt chào bán 49% cổ phần của Intimex Việt Nam từ SCIC đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm

Sôi động những cuộc chuyển chủ

(ĐTCK) Trái với sự trầm lắng của thị trường thứ cấp, hoạt động thâu tóm dự án, tài sản, thậm chí điều phối lại thị phần, thị trường… bằng con đường mua chi phối cổ phần của một doanh nghiệp đang diễn ra rất sôi động. Giá cổ phiếu trên thị trường duy trì ở mức thấp, càng tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư săn được hàng ngon một cách dễ dàng.

Nóng chợ “doanh nghiệp”

Ngày 10/9, phiên đấu giá 611.000 cổ phần CTCP Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng THIKECO do Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ  thu hút sự quan tâm của TTCK. Số cổ phần trên tương đương 43,028% vốn điều lệ của THIKECO và điểm hấp dẫn là cổ phần được chào bán trọn lô. Dù phải chào mua công khai trước khi đăng ký đấu giá, vẫn có tới 44 nhà đầu tư tham gia và kết quả 1 nhà đầu tư trúng giá với giá đấu 131.000 đồng/cổ phiếu, gấp 8,9 lần giá khởi điểm, cao gấp 13,1 lần giá trị mệnh giá cổ phần THIKECO.

THIKECO có vốn điều lệ 14,2 tỷ đồng, lợi nhuận chưa đầy 1 tỷ đồng mỗi năm, song có quyền sử dụng một số lô đất, trong đó có lô đất 7.000 m2 tại phố Lương Thế Vinh, Trung Văn (Hà Nội). Đây được nhận xét là điểm thu hút nhà đầu tư của phiên đấu giá này.

Theo một nguồn tin từ doanh nghiệp, có cổ đông lớn khác tại THIKECO sở hữu khoảng 10% vốn đang tìm mối chuyển nhượng lại lô cổ phần này. Nhiều khả năng nhà đầu tư trúng giá trên sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc có quyền quyết định số phận các lô đất trên. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán phố Wall, đơn vị tổ chức bán số cổ phần trên, các lô đất trên đều là đất thuê trả tiền sử dụng hàng năm, nên việc chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ không đơn giản.

Phiên giao dịch ngày 21/9 có diễn biến đáng chú ý quanh cổ phiếu MHC khi hàng chục lệnh giao dịch thỏa thuận tại mức giá trần 18.000 đồng/cổ phiếu được tung ra. Chốt phiên, tổng cộng đã có 12,53 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 225,6 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu trên tương đương với hơn 46% cổ phần của Công ty và thị trường dự đoán về khả năng một cuộc “đổi chủ”. MHC hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ logistics và hiện là cổ đông lớn nhất của Cảng Hải An (HAH), một cảng lớn tại Hải Phòng, với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 28%.

Một thương vụ khác cũng được giới đầu tư quan tâm là đợt chào bán 49% cổ phần của Intimex Việt Nam từ SCIC với mức giá khởi điểm đấu giá lên đến 11.200 đồng/cổ phiếu. CTCP Thung lũng Vua, cổ đông lớn của doanh nghiệp, sẽ mua lại 34,3% cổ phần của Intimex Việt Nam, tương ứng với 70% cổ phần chào bán từ SCIC. Theo quy định của SCIC, 30% cổ phần còn lại sẽ được chào bán thông qua đấu giá rộng rãi, giá trúng thầu bình quân sẽ là giá bán cho CTCP Thung lũng Vua.

Hiện Thung lũng Vua sở hữu 12% cổ phần của Intimex Việt Nam. Với cục diện như hiện tại, ít có khả năng nhà đầu tư lớn tham gia mua 30% cổ phần mà SCIC bán ra ngoài. Đặt giả định Thung lũng Vua mua được xấp xỉ 49% cổ phần Intimex từ SCIC, cộng thêm tỷ lệ cổ phần sở hữu hiện tại, doanh nghiệp đã trở thành chủ lớn nhất của Intimex Việt Nam.

Cổ phần hóa từ năm 2009, tính đến cuối năm 2014, Intimex vẫn có khoản lỗ lũy kế lên đến 87 tỷ đồng, song quỹ đất của Công ty lại là niềm ao ước với không ít nhà đầu tư khi tổng diện tích sử dụng lên tới 2,57 triệu m2, trong đó hơn 6.000 m2 đất đã nộp tiền sử dụng đất 1 lần, còn lại được thuê trả tiền hàng năm.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, thị trường ghi nhận rất nhiều thương vụ đổi chủ thông qua con đường chuyển nhượng cổ phần khối lượng lớn, được thực hiện bởi các đại gia như Vingroup, Novaland, BRG, T&T, Mường Thanh và Geleximco…

Sẽ sôi động hơn

Mua bán dự án hoặc tài sản doanh nghiệp, theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Tư vấn bất động sản Soho, hiện không đơn giản và cũng không dễ thực hiện.

Ông Cần lấy ví dụ việc săn được các khu đất được quy hoạch làm chung cư tại Hà Nội, có vị trí thuận lợi là vô cùng khó khăn. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên như thị trường nóng, giá cả tăng, song một nguyên nhân lớn nhất là rất nhiều dự án đang thực hiện dở dang và vướng thỏa thuận với khách hàng.

Đó có thể là những khách hàng nhỏ lẻ, đã tham gia góp vốn cho chủ đầu tư với số tiền chỉ vài chục hoặc vài trăm triệu đồng/người. Nay nếu chủ đầu tư muốn bán dự án, họ sẽ phải đạt được thỏa thuận với cả những chủ nợ trên, việc làm này không hề dễ dàng. Trong khi đó, mua cổ phần chi phối tại doanh nghiệp, bên mua vẫn có thể triển khai dự án và tránh được những thủ tục rắc rối như trên.

Thị trường thay đổi đã buộc nhiều nhà đầu tư phải thay đổi để thích ứng. Nếu như trước đây, ông chủ của một tập đoàn tư nhân nổi tiếng không quan tâm đến việc mua cổ phần tại các doanh nghiệp hiện đang sở hữu các dự án mục tiêu mà tập đoàn này theo đuổi, thì nay tình hình đã khác. Tập đoàn sẵn sàng xem xét, trao đổi và tham gia các thương vụ, với điều kiện sẽ phải nắm cổ phần chi phối để quyết định được mọi vấn đề của doanh nghiệp (thường từ 51% trở lên).

Một trong những chính sách mới được nhận định sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ đổi chủ diễn ra sôi động hơn, đó là Quyết định 41/2015/QĐ-CP hướng dẫn bán cổ phần theo lô được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/9 và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký. Quy định này sẽ thổi làn gió mới vào các đợt thoái vốn, bán cổ phần sau IPO của DNNN tới đây.

Có nhiều điểm đáng chú ý trong quyết định này, trong đó về phía nhà đầu tư, họ có nhiều thuận lợi hơn trước khi có thể mua được cổ phiếu số lượng lớn, để từ đó có quyền can thiệp, thay đổi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, bên mua được quyền yêu cầu tài liệu, báo cáo liên quan và được quyền khảo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định tham gia mua cổ phần theo lô. Đây là yếu tố rất quan trọng với nhà đầu tư trước khi bỏ vốn lớn vào một doanh nghiệp và đây cũng là điểm mới hoàn toàn so với các đợt thoái vốn của SCIC hay Bộ Giao thông Vận tải trước đó.

Điều này theo đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài lớn, có thể tạo ra sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến các đợt thoái vốn lớn, bởi nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp thay vì chỉ được tiếp cận qua giấy tờ và các bản công bố thông tin một chiều như lâu nay.

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc tới quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ tháng 9 này. Nếu một doanh nghiệp niêm yết mà cổ đông lớn muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, họ sẽ có cơ sở để thực hiện được điều này.

Và rút lửa trên thị trường thứ cấp

Các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận và có bảng thành tích tạo ra lợi nhuận tốt sẽ tạo ra sự tin tưởng và thu hút  các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Đây chính là lý do một số quỹ đầu tư lớn trên TTCK đang tập trung vào việc bán bớt một số khoản đầu tư để củng cố bảng thành tích của mình. Mức sinh lời đạt được từ các khoản đầu tư này làm cho các cổ đông của quỹ yên tâm và tin tưởng tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Với hơn 5 năm kinh nghiệm trên thị trường, khẩu vị của quỹ đầu tư này trước đây chủ yếu là các doanh nghiệp niêm yết với một danh mục trải dài lên tới gần 20 doanh nghiệp. Nay họ đã thay đổi. “Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ việc đầu tư trước đây và qua đó xác định được rõ ràng các tiêu chí đầu tư trong những năm tới. Tiêu chí này sẽ dẫn đến việc, quỹ sẽ đầu tư vào số lượng ít các công ty hơn nhưng mỗi khoản đầu tư sẽ rất lớn với mức độ tham gia vào điều hành quản lý sâu sát hơn”, lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn chia sẻ.

Trong vòng hơn 2 năm qua, quỹ này liên tục bán ra trên thị trường thứ cấp và đang dồi dào nguồn lực để tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới, với một điều kiện là tỷ lệ sở hữu của họ tại doanh nghiệp sẽ rất lớn. Những động thái như trên đang tác động đến lực cầu trên thị trường. Với các nhà đầu tư nội, như đã đề cập ở trên, rất nhiều tập đoàn tư nhân đang tìm kiếm cơ hội sở hữu doanh nghiệp có lợi thế thuộc diện cổ phần hóa, hoặc Nhà nước thoái vốn số lượng lớn… Bởi vậy, thị trường thứ cấp không hẳn là đích ngắm của những lực cầu này.

Chưa kể một diễn biến đáng chú ý khác là để dễ dàng mua bán cổ phần số lượng lớn với giá hợp lý, các nhà đầu tư cá mập đều không muốn TTCK nóng quá kéo giá cổ phiếu tăng vọt. Khi thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt, dễ hiểu vì sao thanh khoản thấp và giá khó đột biến.

Tin bài liên quan