Sở GDCK, UBCK giám sát giao dịch bất thường thế nào?

Sở GDCK, UBCK giám sát giao dịch bất thường thế nào?

(ĐTCK) Cơ quan quản lý (Sở GDCK, UIBCK) đang giám sát các giao dịch bất thường như thế nào khi cổ phiếu SBS cứ "bình yên" tăng giá?

Nhiều câu hỏi từ nhà đầu tư đã được gửi đến Đầu tư Chứng khoán rằng, cơ quan quản lý (Sở GDCK, UBCK) đang giám sát các giao dịch bất thường như thế nào khi cổ phiếu SBS cứ “bình yên” tăng giá (xem thêm ĐTCK số 98), trở thành biểu hiện lộ liễu nhất của hành vi giao dịch bất thường, như thách thức cả giới chuyên gia và nhà quản lý hiện nay.

Sở GDCK, UBCK giám sát giao dịch bất thường thế nào? ảnh 1

Trước những dấu hiệu giao dịch bất thường, HOSE không thể đưa ra dấu hiệu cảnh báo

Tìm hiểu của ĐTCK tại UBCK được biết, cấp giám sát đầu tiên đối với giao dịch trên TTCK là ở Sở GDCK. Cấp giám sát cao hơn (vừa giám sát độc lập, vừa giám sát trên những dấu hiệu mà Sở GDCK báo cáo) là ở Vụ Giám sát, UBCK. Một hành vi giao dịch nếu có dấu hiệu bất thường, trước hết sẽ được phát hiện ở cấp Sở. Khi cấp Sở báo cáo lên bộ phận giám sát của UBCK, dấu hiệu bất thường sẽ được thẩm định kỹ hơn và nếu có dấu hiệu cho thấy, có khả năng vi phạm pháp luật (thao túng, làm giá...) thì vụ việc sẽ được chuyển sang bộ phận thanh tra để làm rõ. Liên quan đến diễn biến giao dịch cổ phiếu SBS, hiện UBCK chưa nhận được báo cáo về dấu hiệu giao dịch bất thường đối với cổ phiếu SBS từ Sở. Trong khi đó, cổ phiếu này tăng giá gần 50% trong 1 tháng qua, bất chấp việc Công ty đang ở giai đoạn “dưới mặt đất” (như lời tự nhận của Tổng giám đốc SBS Võ Duy Đạo) và mới đây, SBS chính thức bị vướng vào vòng lao lý khi cơ quan cảnh sát điều tra ra lệnh khởi tố hình sự vụ án “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán”.

Tìm hiểu của ĐTCK tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nơi cổ phiếu SBS đang niêm yết, đại diện HOSE cho biết, cơ quan này đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trong thẩm quyền của mình trước diễn biến tại SBS. Theo HOSE, ngày 18/7/2012, Sở đã có thông báo về việc đưa cổ phiếu SBS vào diện bị kiểm soát, chỉ được giao dịch 15 phút định kỳ xác định giá đóng cửa ngày giao dịch. Nguyên nhân do lợi nhuận chưa phân phối âm 1.424,14 tỷ đồng, vượt quá vốn đầu tư chủ sở hữu (tính đến 31/3/2012) và tình hình tài chính chưa được giải trình đầy đủ. Việc công ty này chậm nộp báo cáo tài chính 2011 cũng được Sở báo cáo UBCK và UBCK đã ra quyết định xử phạt với mức phạt 30 triệu đồng.

Về dấu hiệu giao dịch bất thường của cổ phiếu SBS, HOSE cho biết, Sở thực hiện nghĩa vụ giám sát giao dịch chung trên toàn thị trường và sẽ báo cáo cơ quan chức năng khi có những dấu hiệu rõ nét. Bản thân Sở GDCK có trách nhiệm giám sát và báo cáo các giao dịch bất thường, nhưng không có chức năng, thẩm quyền để điều tra, làm rõ những nghi vấn bất thường đó có ẩn chứa hành vi phạm pháp hay không.

Theo HOSE, những gì phải làm để bảo vệ nhà đầu tư trong nghĩa vụ của Sở, đều đã được làm. Với hoạt động giám sát giao dịch, đây là công việc mang tính quản lý, được thực hiện theo chức năng, quy trình cụ thể, nên không thể muốn công bố là công bố. Về câu hỏi trước những dấu hiệu giao dịch bất thường quá lộ liễu, như trường hợp cổ phiếu SBS, liệu HOSE có thể đưa ra dấu hiệu cảnh báo với nhà đầu tư hay không? Ý kiến từ HOSE cho biết, hiện không thể thực hiện được yêu cầu này, vì không riêng SBS, nhiều giao dịch có dấu hiệu bất thường diễn ra hàng ngày trên TTCK, nhưng để đi đến kết luận có hay không hành vi vi phạm pháp luật trong đó, phải căn cứ trên những bằng chứng cụ thể, sau một quá trình điều tra của cơ quan chức năng.

Trước tình trạng giao dịch bất thường diễn ra một cách lộ liễu, trong khi trách nhiệm cảnh báo (về giao dịch bất thường) từ cơ quan quản lý chưa rõ ràng, nhà đầu tư đại chúng nên có cách ứng xử như thế nào? Theo một số ý kiến, nhà đầu tư chỉ có 2 cách: hoặc tránh xa các mặt hàng “có vấn đề”, hoặc tham gia vào “game” này để “một ăn, một thua” với những chủ thể điều khiển “cuộc chơi” cổ phiếu. Quan điểm trên được củng cố bởi thống kê cho thấy, 12 năm hoạt động của TTCK đã chứng kiến hàng nghìn dấu hiệu giao dịch bất thường, dấu hiệu cấu kết, lũng đoạn, làm giá chứng khoán, nhưng mới chỉ có duy nhất 1 người bị chính thức kết tội thao túng giá chứng khoán (nguyên Chủ tịch DVD Lê Văn Dũng).

Nhưng nhìn vào sự phát triển chung của thị trường, liệu có bình thường không nếu mảng giám sát giao dịch (xin nhấn mạnh là giám sát giao dịch, chứ không phải giám sát nghĩa vụ công bố thông tin hay sức khỏe tài chính DN) cứ lặng lẽ được cơ quan quản lý thực hiện và lặng lẽ qua đi, mặc cho các giao dịch bất thường có lộ liễu đến đâu đi nữa? Quy định pháp lý về hoạt động giám sát giao dịch tại TTCK Việt Nam đã ổn chưa? Có cần thiết không các tín hiệu cảnh báo giao dịch bất thường từ cơ quan giám sát để nhắc nhở nhà đầu tư thận trọng, tránh sa vào bẫy thao túng giá? Đó là những câu hỏi ngỏ xin chuyển đến thị trường để cùng xem xét, bàn luận.    

 

“Các sóng tăng, giảm giá của SBS mạnh một cách không bình thường”

Ông Đào Hồng Dương, Chuyên gia phân tích, CTCK Dầu khí (PSI)

Ngày 10/8, SBS nhận được thông báo chính thức từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán” xảy ra tại Công ty. Thực tế, cổ phiếu SBS có những dấu hiệu bị thao túng giá, các sóng tăng, giảm giá của SBS mạnh một cách không bình thường.

Việc giao dịch với một cổ phiếu đang có dấu hiệu hoặc bị nghi ngờ là thao túng giá thì đương nhiên sẽ mang rủi ro rất cao, trong đó bao hàm rủi ro giá giảm đột ngột không rõ nguyên nhân và rủi ro mất thanh khoản.

Nhìn chung, quy định về giải trình biến động giá bất thường hiện nay với 5 phiên tăng giảm kịch biên độ vẫn chưa thực sự bao quát được hầu hết các trường hợp thật sự bất thường. Điểm cốt lõi trong các biến động giá bất thường vẫn phải nằm ở tình hình hoạt động của DN và các thông tin bất thường khác liên quan tới biến động trong hoạt động của DN.

Để minh bạch hóa thị trường, cần có cơ chế minh bạch thông tin một cách đồng bộ, qua đó mới có thể phân loại được những biến động giá cổ phiếu như thế nào là bình thường và trường hợp nào là bất thường. Khi đã giới hạn được số ít trường hợp bất thường, tôi cho rằng, các quy định về giải trình nên được yêu cầu chặt chẽ, cụ thể và thực hiện nghiêm túc hơn nữa, nếu cần thiết có thể để các cơ quan an ninh, giám sát, điều tra vào cuộc.

 

“Cần tăng cường giám sát các tài khoản giao dịch bất thường”

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Kim Eng Việt Nam (KEVS)

Việc các cổ phiếu có tin xấu mà giá vẫn lên mạnh không phải quá xa lạ trên TTCK Việt Nam . Theo kinh nghiệm của tôi, có thể là do nhà đầu cơ đẩy giá để các NĐT khác chạy theo rồi thực hiện thoát hàng. Thứ hai, NĐT tham gia những cổ phiếu này chỉ là những NĐT ngắn hạn nương theo sóng, có lời sẽ bán ngay, nên những thông tin tiêu cực mang tính chất dài hơi sẽ khó có tác động. Bên cạnh đó, tâm lý “liều ăn nhiều”, rủi ro lớn nhưng lợi nhuận lớn của nhiều mã chứng khoán dạng này trong quá khứ khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi đầy rủi ro.

Thứ ba, SBS tiền thân là một DN tốt, thương hiệu lớn, chuyên nghiệp và đã từng là công ty hàng đầu trong ngành tài chính - chứng khoán. Không loại trừ yếu tố có những NĐT lớn muốn thực hiện thâu tóm để tái cấu trúc Công ty. Năm 2011, SBS là mã chứng khoán giảm giá mạnh nhất (từ gần 36.000 đồng/CP có lúc giảm xuống 3.000 đồng/CP), giúp việc thâu tóm có chi phí thấp.

Những yếu tố trên có thể tạo nên các đợt tăng giá của SBS vừa qua. Tuy nhiên, lý do thứ ba, các NĐT nhỏ lẻ khó mà biết được, nên lý do thuộc yếu tố đầu cơ vẫn chiếm khả năng lớn nhất. Hiện tại, chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vẫn quá “nhẹ tay”, đơn cử như những giao dịch không công bố thông tin chỉ bị phạt cao nhất là vài chục triệu đồng, trong khi lợi nhuận mà họ đạt được có thể lớn hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, cần có những biện pháp chế tài mạnh tay hơn, sẽ làm “chùn tay” những hành vi không đúng luật. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát các tài khoản giao dịch bất thường, theo dõi, xác minh những tin đồn, yêu cầu các công ty niêm yết phải chủ động công bố các thông tin liên quan đến tin đồn.

 

“Trong giai đoạn điều tra, nên cấm giao dịch cổ phiếu”

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Khối Môi giới - Giao dịch, CTCK MHBS

Về chuyện tăng giá trần liên tục của mã SBS, cơ quan quản lý nên điều tra tìm hiểu, đặc biệt là tra xét lại các lệnh giao dịch và danh tính của những người đặt lệnh. Một công ty đang trong giai đoạn điều tra thường có nhiều thông tin nội gián.

Theo tôi hiểu, khi giám sát giao dịch bất thường, cơ quan quản lý sẽ tìm hiểu 2 vấn đề: một là những người đặt lệnh có liên quan gì đến những người nội bộ trong công ty hay không (giao dịch nội gián); hai là có dấu hiệu thao túng giá hay không. Tuy nhiên, chưa thấy Sở có ý kiến gì về vấn đề này, ngoài việc

đưa SBS vào diện cảnh báo từ trước đó.

Tôi từng phản đối chuyện gắn mác cảnh báo, vì thực tế nó hầu như không có tác dụng gì. NĐT vẫn lao vào “chơi” và một khi thị giá quá thấp, họ sẽ có xu hướng đánh bạc, bởi 100 đồng chênh lêch cũng có thể là 5%. Tôi cho rằng, trong giai đoạn công ty bị điều tra, cần buộc mọi cá nhân, tổ chức là người có liên quan, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nằm trong danh sách nghi vấn hay cần trao đổi của công an không được giao dịch cổ phiếu đó. Như vậy, sẽ ngăn được nguy cơ giao dịch nội gián. Quan điểm của tôi là “nếu ông đang bị điều tra, đề nghị ông phong tỏa hết tài sản phục vụ cho công tác điều tra”.