Cửa huy động vốn nợ của CTCK sẽ bị giới hạn ở vay vốn tín dụng và phát hành chứng khoán nợ

Cửa huy động vốn nợ của CTCK sẽ bị giới hạn ở vay vốn tín dụng và phát hành chứng khoán nợ

Siết điều kiện vay vốn của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Với dự thảo sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, cơ quan quản lý dường như muốn siết chặt việc huy động vốn của các CTCK.

Siết điều kiện vay vốn của CTCK

Điều 42 dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 210 quy định, CTCK không được vay quá 3 lần vốn chủ sở hữu, không bao gồm các khoản tiền gửi giao dịch khách hàng, quỹ khen thưởng phúc lợi, dự phòng trợ cấp mất việc làm, dự phòng bồi thường thiệt hại cho NĐT.

So với quy định tại Thông tư 210, trần tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không thay đổi, nhưng dự thảo siết chặt các đối tượng CTCK được vay.

Cụ thể, CTCK được vay từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về ngân hàng; trường hợp vay vốn từ cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu thì phải được sự chấp thuận của ĐHCĐ và HĐQT, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu; hoặc vốn vay theo giao dịch mua bán trái phiếu chính phủ (TPCP) trên hệ thống giao dịch TPCP tại Sở GDCK và theo quy định của pháp luật về giao dịch TPCP.

Ngoài các trường hợp này, CTCK có thể huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán, hoặc vay các khoản nợ thứ cấp để bổ sung vốn khả dụng thực hiện quy định của pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính.

Như vậy, quy định mới nếu được thông qua, cửa huy động vốn nợ của CTCK sẽ bị giới hạn ở vay vốn tín dụng và phát hành chứng khoán nợ.

Giao dịch với cổ đông/thành viên góp vốn không những bị giới hạn ở chiều ra (CTCK cho vay), mà còn bị giới hạn ở chiều đi vay, vì sẽ phải có sự chấp thuận của ĐHCĐ, HĐQT hoặc Hội đồng thành viên.

Vay nợ bên thứ 3 như “huy động vốn từ các tổ chức khác, cá nhân khác dưới mọi hình thức kể cả các hợp đồng hợp tác ba bên, hợp đồng giao vốn hoặc các hợp đồng kinh tế có bản chất vay, cho vay” có thể sẽ là hành vi trái pháp luật đối với các CTCK.

Đặc biệt, kênh huy động vốn vay thông qua hợp đồng đặt cọc vốn được nhiều CTCK sử dụng, có thể bị siết vì CTCK sẽ chỉ được phép dùng vào mục đích thanh toán giao dịch, mà không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác. 

CTCK kêu… trái luật

Trong đóng góp ý kiến cho dự thảo, một CTCK cho rằng, quy định cấm CTCK vay, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác có thể… vi phạm quyền tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận của DN theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự.

Góp ý này của CTCK có thể chưa chuẩn xác, vì nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận theo quy định tại Bộ luật Dân sự phải dựa trên điều kiện là không vi phạm điều cấm của pháp luật, nhưng dự thảo quy định nêu trên đang khiến nhiều CTCK băn khoăn, bởi siết chặt đáng kể hoạt động kinh doanh của công ty.

Trên báo cáo tài chính các CTCK, rất dễ để NĐT thấy khoản mục đặt cọc hợp đồng mua trái phiếu/mua chứng khoán của khách hàng tại công ty. Tuy nhiên, các khoản tiền này có thời hạn kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm, có bản chất là các khoản vay, được sử dụng để hỗ trợ vốn cho khách hàng. Một hình thức huy động thứ hai là hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân khác với mức lãi cố định (CTCK trả lãi cố định).

Việc “lách” này, trong một số trường hợp là do CTCK lách giới hạn 3 lần tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Trong một số trường hợp, đây là cách để CTCK và ngân hàng mẹ lách quy định về việc ngân hàng mẹ không được cấp tín dụng cho CTCK trực thuộc. Với nhiều trường hợp khác, việc huy động vốn từ tổ chức, cá nhân khác chỉ đơn thuần là một cách để CTCK tăng quyền lợi cho khách hàng, trong trường hợp khách hàng có vốn nhàn rỗi trên tài khoản tiền gửi, còn CTCK có nhu cầu huy động vốn để cấp tín dụng cho khách hàng.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 210 siết điều kiện vay vốn CTCK nhằm đảm bảo minh bạch tình hình tài chính và tránh rủi ro cho CTCK, nhưng có cung thì ắt có cầu. Với việc giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu của ngân hàng không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, tình trạng lách có thể xảy ra, cả từ phía CTCK lẫn ngân hàng.

Một số CTCK đã nhanh chân thực hiện huy động vốn trái phiếu để tài trợ vốn cho các hoạt động của mình, nhưng đây là hoạt động không dễ, vì để phát hành trái phiếu, CTCK phải đáp ứng quy định về kết quả kinh doanh và cả uy tín.

Nên chăng, cơ quan quản lý cho phép CTCK sử dụng các hình thức huy động vốn khác nhau, nhưng yêu cầu giám sát chặt dòng tiền sử dụng, với việc tính tỷ lệ vay nợ sẽ được điều chỉnh với cả các khoản tiền đến từ hợp đồng đặt cọc giao dịch, nếu sử dụng ngoài mục đích thanh toán giao dịch theo hợp đồng.

ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về quan điểm của nhà quản lý và các bên liên quan trong những số báo tới.

Tin bài liên quan