SHN có vốn điều lệ 324,5 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 22,897 tỷ đồng

SHN có vốn điều lệ 324,5 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 22,897 tỷ đồng

SHN "làm giá" với chiêu mập mờ tái cấu trúc?

(ĐTCK) Bỏ qua mọi giới hạn nếu dựa vào bất kỳ công cụ định giá nào, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội tăng một mạch từ mức giá 2.900 đồng/CP ngày 15/4 lên mức 10.300 đồng/CP vào cuối tuần qua (29/5). Trong khi đó, Công ty thường xuyên thua lỗ và có giá trị sổ sách mỗi cổ phần chưa tới 800 đồng.

Tài chính bi bét

Quý I/2015, SHN ghi nhận doanh thu 2,1 tỷ đồng, lãi sau thuế 252 triệu đồng. Đây là một bước tiến dài của SHN khi quý I/2014, Công ty có doanh thu gần 1 tỷ đồng, lỗ 1,437 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận này rất khiêm tốn so với quy mô vốn điều lệ 324,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, do thường xuyên thua lỗ nên vốn chủ sở hữu của SHN tại ngày 31/3/2015 chỉ còn 22,897 tỷ đồng. Trong khi đó, cơ cấu tài sản của Công ty gần như toàn bộ là những khoản phải thu chưa biết ngày lấy được tiền về, mà giá trị lớn nhất là khoản cho vay CTCP Beta BQP 237,7 tỷ đồng, phải thu Công ty TNHH Dubai Capital 53,87 tỷ đồng.

Thanh khoản của Công ty gần như không có, khi cả quý I/2015 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ, 3 tỷ đồng tiền thu khác và 3,3 tỷ đồng từ thu hồi công nợ, nhưng số tiền chi ra xấp xỉ số tiền thu về, dẫn tới số dư tiền đầu và cuối kỳ đều chỉ ở mức trên 600 triệu đồng.

Những con số trên cho thấy mức độ hoạt động cầm chừng, èo uột của doanh nghiệp. Đặc biệt, tình trạng này đã diễn ra từ vài năm qua. Mức độ quan ngại về tương lai của SHN còn lớn hơn khi nhìn vào động thái hoán đổi cổ phần cấn trừ công nợ của các chủ nợ cũng như việc Chủ tịch HĐQT SHN công bố thông tin bán ra toàn bộ số cổ phần sở hữu.

Việc 27 chủ nợ, với tổng giá trị công nợ hơn 63 tỷ đồng, chấp nhận hoán đổi cổ phiếu khi SHN không có nguồn thu trong một thời gian dài, trong bối cảnh giá cổ phiếu tại thời điểm đó thấp hơn nhiều mức giá chuyển đổi (khoảng 30%) cho thấy sự quan ngại về tương lai của công ty này.

Kỳ vọng và sự đánh cược mạo hiểm

Ở góc độ thực trạng hoạt động của SHN, động thái của các chủ nợ và cả việc thoái lui sở hữu của Chủ tịch HĐQT được coi là chỉ báo tiêu cực cho tương lai Công ty. Nhưng ở góc độ ngược lại, động thái của các chủ nợ nêu trên sẽ giúp SHN giảm được áp lực trả nợ lãi vay, giảm áp lực kinh doanh có lãi. Nhưng đây có phải là yếu tố giúp cổ phiếu SHN từ mức giá chưa đến 3.000 đồng/CP liên tục tăng lên trên 10.000 đồng/CP?

Nhiều NĐT tham gia mua cổ phiếu SHN chia sẻ, họ cảm nhận đang có “sóng” cổ phiếu SHN nên tham gia đầu tư, chứ không biết về sự thay đổi thực trạng kinh doanh của Công ty.

Một vài NĐT thạo tin cho biết, SHN đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, sẽ có chuyển biến về hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Nhưng SHN sẽ tái cơ cấu như thế nào để xứng đáng với mức định giá cổ phiếu hiện nay?

ĐTCK đã liên hệ với một thành viên Ban lãnh đạo SHN, nhưng vị này từ chối trả lời vì cho rằng, mọi vấn đề tái cơ cấu vẫn đang nằm trong kế hoạch và chưa có bất kỳ điều gì được xác nhận chính thức.

Với một DN hoạt động èo uột như SHN trong suốt mấy năm qua, câu chuyện tái cấu trúc không phải là vấn đề mới, bởi Công ty rõ ràng đang đứng trước 2 lựa chọn: chấp nhận bị xóa sổ hoặc tái cơ cấu. Vấn đề là tái cơ cấu kiểu gì với thực trạng tài sản như hiện nay? Theo lý thuyết, để chấp nhận mức giá trên 10.000 đồng/CP, NĐT phải mặc định SHN sẽ sớm hoạt động tốt trở lại trong thời gian tới và tiến tới xóa bỏ khoản lỗ khổng lồ lớn gấp hơn 14 lần vốn chủ sở hữu hiện tại. 

Với một doanh nghiệp mà tiền không còn, tài sản có thể sử dụng để đưa vào kinh doanh sinh lợi gần như không có, thì khả năng hồi phục gần như là không tưởng. Nhân tố mới có thể xuất hiện, nhưng SHN có điểm hấp dẫn nào để nhân tố mới chấp nhận gánh lỗ, từ đó kinh doanh có lãi là một ẩn số. Tương lai SHN vẫn còn mù mịt, trong khi giá cổ phiếu lại tăng vùn vụt.

Tin bài liên quan