Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban tổ chức Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên trao giải cho các doanh nghiệp có báo cáo đoạt giải TOP 30

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban tổ chức Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên trao giải cho các doanh nghiệp có báo cáo đoạt giải TOP 30

Sẽ khích lệ các doanh nghiệp làm báo cáo bằng ngôn ngữ quốc tế

(ĐTCK) “Đã đến lúc chúng ta phải đưa tiêu chuẩn công bố thông tin bằng tiếng Anh, lập báo cáo thường niên bằng tiếng Anh vào hệ thống tiêu chí chấm điểm chính thức của Cuộc bình chọn thay vì chỉ ở mức khuyến khích như hiện nay”. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của DN niêm yết là yêu cầu quan trọng, có khả năng tác động lớn đến TTCK, cả về thanh khoản, về định giá cổ phiếu, bởi việc này tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có đủ thông tin và dễ dàng tham gia TTCK Việt Nam. Đặc biệt, yêu cầu này càng cấp bách khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trong đó quy định việc nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với sự ra đời của Nghị định 60, mối quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để sự quan tâm đó biến thành hành động cụ thể, giải ngân vào thị trường thì phải gỡ bỏ các rào cản khác cho nhà đầu tư, trong đó có rào cản về sự khác biệt về ngôn ngữ khi DN công bố thông tin.

Trong Dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, để so sánh quản trị công ty giữa các nước ASEAN thì tiêu chí đánh giá mẫu là chọn 100 DN niêm yết lớn nhất của từng quốc gia để chấm điểm, tuy nhiên, ở Việt Nam có một tỷ lệ lớn DN không có tài liệu cho cổ đông bằng tiếng Anh. Cụ thể, năm đầu tiên tham gia chấm thẻ điểm, Việt Nam chỉ có 39 DN có báo cáo tiếng Anh; năm thứ hai là 40 DN và năm thứ ba (năm 2014) là 50 DN. Do vậy tại Việt Nam, thẻ điểm quản trị công ty chỉ mới đánh giá được 50 DN, chiếm tỷ trọng khoảng 60% vốn hóa thị trường.

Cũng nói về điểm khuyết tiếng Anh của DN Việt Nam, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG chia sẻ, khi các DN Việt Nam không có báo cáo bằng tiếng Anh, hoặc nội dung báo cáo bằng tiếng Anh không đầy đủ, KPMG thường phải bận rộn hơn vì các NĐT nước ngoài phải nhờ chúng tôi đọc và báo cáo lại. “Cái bận này chúng tôi thực sự không muốn”, ông Ái nhấn mạnh.

Như vậy, khi DN Việt Nam không giao tiếp với nhà đầu tư quốc tế bằng ngôn ngữ quốc tế thì khó mà thu hút được họ, nếu có, chi phí để đầu tư vào DN Việt của các NĐT ngoại sẽ lớn hơn.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, việc công bố thông tin, lập các báo cáo bằng tiếng Anh là cách đảm bảo quyền bình đẳng của cổ đông, NĐT nước ngoài với NĐT trong nước. Quyền được đối xử bình đẳng, quyền được tiếp cận thông tin là quyền của cổ đông đã được quy định rất rõ trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

“Lâu nay chúng ta đã nhắc nhiều đến việc bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ trong DN, nhưng các NĐT nước ngoài cũng cần được bảo vệ quyền lợi, mà trước hết bằng việc khuyến khích hoặc bắt buộc DN phải công bố thông tin bằng tiếng Anh”, ông Tuấn nói.

Để góp phần vào nâng cao khả năng cạnh tranh của TTCK Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, Ban tổ chức Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất sẽ bàn thảo việc bổ sung tiêu chí hoặc đưa ra các khuyến nghị để khuyến khích DN quan tâm đến việc làm báo cáo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh trong các mùa giải tới.

Tin bài liên quan