Sẽ công khai 260 doanh nghiệp cổ phần hóa

Sẽ công khai 260 doanh nghiệp cổ phần hóa

(ĐTCK) Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng cổ phần hóa (CPH) các DNNN đang diễn ra chậm, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, là sắp tới sẽ công khai danh sách các DN phải CPH xong trong năm nay.

Công khai thông tin để thúc tiến độ

Trả lời câu hỏi của báo giới về nguy cơ không hoàn thành mục tiêu CPH 260 DN trong 9 tháng còn lại của năm nay, tại họp báo thường kỳ quý I/2015 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hàng loạt giải pháp đang và sắp được triển khai, nhằm thúc đẩy tiến trình CPH, đảm bảo từ nay đến cuối năm CPH xong 260 DN như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Một trong những giải pháp quan trọng là sắp tới sẽ công khai cụ thể danh sách 260 DN phải hoàn thành CPH từ nay đến cuối năm, để một mặt giúp NĐT trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong tìm hiểu cơ hội đầu tư, mặt khác tăng cường giám sát từ phía các bộ, UBND các tỉnh, với tư cách là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra tình trạng CPH chậm trễ…”, ông Tiến nói và cho biết thêm, việc công khai danh sách các DN sẽ được tiến hành song song với công bố chi tiết công việc mà ban chỉ đạo CPH tại DN phải thực hiện trong từng tháng, từng quý, để các bộ, ngành, địa phương bám sát vào đó đôn đốc các DN triển khai, đảm bảo hoàn thành đúng lộ trình CPH đề ra.

Về phần trách nhiệm của Bộ Tài chính trong tham gia thúc đẩy tiến trình CPH, đại diện bộ này cho biết, Bộ cũng đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Ngoài đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá cổ phần trọn lô, để tăng sức cầu cho TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, nhằm nới room cho NĐT nước ngoài.

Để thúc đẩy CPH các DN lớn, ông Tiến cho biết, theo cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, Bộ Tài chính trực tiếp cử cán bộ tham gia ban chỉ đạo CPH tại các DN này, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, nhất là trong quá trình xử lý tài chính, xác định giá trị DN… Với các DN quy mô nhỏ, do Bộ Tài chính không có đủ số lượng cán bộ tham gia vào ban chỉ đạo CPH tại DN, nên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ thường xuyên phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh đôn đốc, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, qua đó thúc đẩy các DN sớm hoàn thành kế hoạch CPH. 

Sẽ thay đổi cách chào bán cổ phần

Việc thúc đẩy tiến độ CPH là cần thiết, song câu hỏi đặt ra là, có vì mục tiêu số lượng mà tác động tiêu cực đến mục tiêu chất lượng CPH?

“Tuy tiến độ CPH đặt ra khẩn trương như vậy, nhưng mọi khâu phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; không có chuyện bán tháo, bán rẻ cổ phần, gây thất thoát vốn của Nhà nước…”, ông Tiến khẳng định và cho biết, sắp tới, việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN sẽ có thay đổi so với hiện tại, nhằm tăng mức độ hấp dẫn NĐT trong và ngoài nước tham gia quá trình IPO.

Cụ thể, với các phương án IPO của nhiều DN sẽ hạn chế việc giữ nguyên phần vốn Nhà nước và phát hành thêm như diễn ra khá phổ biến thời gian qua, ảnh hưởng không tích cực đến mức độ hấp dẫn NĐT. Quan ngại này cũng vừa được Văn phòng Tony Blair cảnh báo trong một kết quả nghiên cứu thuộc dự án hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất giải pháp cải cách DNNN.

Theo đó, việc các DNNN đưa ra IPO theo cách giữ nguyên phần vốn Nhà nước và phát hành thêm, thực chất là phương thức để huy động vốn cho các DN, chứ không phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, hay thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào các đợt IPO, trường hợp CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam là một ví dụ. Nếu vẫn duy trì cách làm này, thì sẽ khó hấp dẫn NĐT tham gia các đợt IPO. Chỉ khi các DN chào bán lượng cổ phần ra ngoài đủ lớn cho các NĐT, để họ có thể trở thành ông chủ của DN hậu CPH, thì phương án IPO mới hấp dẫn NĐT.

“Cùng với giảm thiểu IPO theo phương thức giữ nguyên phần vốn Nhà nước và phát hành thêm, căn cứ vào tiêu chí, danh mục phân loại DNNN tại Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới, với những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc cần nắm nhưng không chi phối, sẽ tăng mạnh lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài trong đợt IPO, để thu hút NĐT trong và ngoài tham gia”, ông Tiến cho biết.

Tin bài liên quan