Nhiều yếu tố làm nên thành công
Chia sẻ tại buổi đấu giá cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, nếu như đợt thoái vốn tại VNM năm ngoái, nhiều nhà đầu tư lo ngại về giá nguyên vật liệu và thị trường ảnh hưởng đến tiềm năng và triển vọng của Công ty, thì kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay, Ban điều hành VNM đã chứng minh được hiệu quả và tiềm năng của doanh nghiệp với nhà đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, rút kinh nghiệm năm ngoái khi SCIC đưa ra mức giá khởi điểm khá cao so với giá thị trường, làm giảm sự hấp dẫn với nhà đầu tư, thì mức giá đưa ra lần này là phù hợp và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn, qua đó tăng tính cạnh tranh.
Có 19 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua đợt đấu giá cạnh tranh cổ phần VNM, trong đó có 6 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 8 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là hơn 73,8 triệu cổ phần, vượt 53% so với tổng số cổ phần chào bán.
Kết quả, một nhà đầu tư ngoại đã chiến thắng trong cuộc đấu giá khi đặt mức giá 186.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 24% so với mức giá khởi điểm (150.000 đồng/cổ phiếu) và cao hơn giá giao dịch trên sàn tại thời điểm đấu giá (khoảng 173.000 đồng/cổ phiếu).
Một yếu tố quan trọng khác làm nên thành công của đợt bán đấu giá là lựa chọn thời điểm. Cuộc đấu giá VNM lần này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan.
Giá cổ phiếu VNM trên sàn liên tục có diễn biến tăng, trái ngược so với đợt SCIC tổ chức bán 9% vốn VNM cuối năm 2016. Trong đó, khối ngoại góp phần rất lớn vào đà tăng của cổ phiếu VNM, trong khi năm ngoái có dấu hiệu “ép giá” cổ phiếu này.
Về vấn đề này, ông Khánh nhìn nhận, năm ngoái, giá khởi điểm đấu giá VNM khá cao so với giá trên sàn, khiến nhà đầu tư có cảm giác bị mua đắt, nên có khuynh hướng bán ra, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Sau đó, nhà đầu tư sẽ mua lại với mức thấp hơn. Năm nay, mức giá khởi điểm hợp lý hơn so với giá thị trường.
Mặt khác, có thể quan điểm đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài có phần thay đổi, bởi Việt Nam có nền kinh tế được đánh giá là tăng trưởng ổn định và VNM vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Danh tính nhà đầu tư mua 3,3% cổ phần VNM chưa được công bố, nhưng một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng là F&N Dairy Investment PTE Ltd (đang sở hữu 16,04% cổ phần tại VNM). Đại diện công ty này có xuất hiện tại buổi chào bán.
Trước đó, F&N đã công bố đăng ký mua 21,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1/2 lượng cổ phần SCIC chào bán để tăng tỷ lệ sở hữu tại VNM thông qua giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh qua sàn. Tuy nhiên, trong thông báo sau đó, F&N đã bổ sung phương thức tham gia đấu giá cạnh tranh và thỏa thuận trực tiếp thông qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Sắp tới sẽ thoái vốn tại VCG, NTP, BMP, FPT
Lãnh đạo SCIC cho biết, từ nay đến cuối năm, Tổng công ty sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội cho các đợt chào bán cổ phần doanh nghiệp nằm trong danh mục thoái vốn năm nay.
Đợt thoái vốn lớn tiếp theo của SCIC là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG). Ngày 16/11 tới, SCIC sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội tại đầu tư 96,25 triệu cổ phiếu, tương đương 21,79% vốn điều lệ VCG.
Ngoài ra, trong năm nay, SCIC dự kiến tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư và hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp khác như NTP, BMP, FPT.
Nhiều ý kiến đánh giá, đây đều là các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, có vị thế hàng đầu trong ngành. Theo đó, thị trường dự kiến sẽ đón dòng vốn khá lớn, đến từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để các đợt bán vốn tiếp tục hiệu quả, kinh nghiệm từ đợt bán vốn VNM lần này cần được SCIC linh hoạt áp dụng.