Ông Nguyễn Văn Dũng

Ông Nguyễn Văn Dũng

Sắp có không gian kết nối các công ty chứng khoán Việt Nam với ASEAN

(ĐTCK) Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, vào tháng 10 tới, sự kiện ASEAN Broker Networking sẽ diễn ra tại Hà Nội, tạo không gian kết nối các công ty chứng khoán ASEAN với Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị CEO các Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 20 năm ngành chứng khoán.

Xin ông cho biết, đến với Việt Nam trong sự kiện tháng 10 sẽ có bao nhiêu tổng giám đốc (CEO) các sở giao dịch chứng khoán trong ASEAN?

Đến thời điểm này, CEO của toàn bộ các Sở GDCK ASEAN đã xác nhận tham dự Hội nghị tại Việt Nam. Đây là lần thứ hai Sở GDCK Hà Nội đăng cai tổ chức sự kiện này. Bên cạnh hội nghị các CEO với trọng tâm bàn về những chủ điểm liên quan đến việc hợp tác, xây dựng thị trường chứng khoán, thị trường vốn trong ASEAN, chúng tôi sẽ tạo không gian kết nối các CTCK trong ASEAN với khối CTCK tại Việt Nam trong sự kiện ASEAN Broker Networking.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ ba, hoạt động Broker Networking được tổ chức. Điểm khác biệt lần này là có nhiều CTCK trong khu vực đăng ký đến Việt Nam, tìm hiểu, tìm cơ hội hợp tác về chuyên môn và đầu tư tại các CTCK Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc làm việc song phương cho những CTCK có nhu cầu mở rộng hợp tác trong khối ASEAN. Đến thời điểm này, có 56 cặp CTCK đăng ký gặp gỡ với nhau tìm cơ hội hợp tác. 

Nếu so sánh trong ASEAN, năng lực và hiệu quả của khối CTCK Việt Nam hiện đứng ở mức nào, thưa ông?

Thực sự rất khó để có một công thức so sánh được chính xác năng lực, hiệu quả của các CTCK với nhau, cũng như khối CTCK Việt Nam với khối CTCK các nước khác. Tuy nhiên, do TTCK Việt Nam mở cửa sau nhiều TTCK lớn tại ASEAN nên thực tế, CTCK nước họ có thời gian, kinh nghiệm tốt hơn ta.

Tại nhiều thị trường, khối CTCK cũng phải trải qua giai đoạn từ tăng trưởng về số lượng đến khủng hoảng, rồi giảm dần số lượng, tăng về chất lượng. Tại TTCK Việt Nam, khởi đầu, chúng ta có trên 100 CTCK, nay tái cơ cấu còn dưới 80 công ty hoạt động và mục tiêu tái cơ cấu vẫn đang tiếp tục thực hiện nhằm giúp các CTCK tăng năng lực tài chính, tăng khả năng quản trị rủi ro, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao hơn của thị trường.

Trong bối cảnh này, tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm của các CTCK trong ASEAN là điểm rất cần thiết cho CTCK Việt. Làm cách nào chúng ta bước đi sau, nhưng học hỏi những bài học hay của người đi trước để giảm khoảng cách và sớm hòa nhập vào dòng chảy chung của TTCK khu vực, là điểm chúng tôi mong đợi ở khối CTCK Việt Nam. 

Học hỏi các CTCK tiên tiến trong ASEAN và tăng khả năng kết nối cơ hội hợp tác, cơ hội đầu tư chắc chắn là điều mong muốn của nhiều công ty chứng khoán nội. Vậy các ông đang giúp khối CTCK nội tiếp cận với khối CTCK ASEAN như thế nào?

Theo quy chuẩn chung của sự kiện Broker Networking, chúng tôi chia sẻ thông tin đến các CTCK thông qua các Sở GDCK trên toàn khu vực. CTCK nào có nhu cầu gặp gỡ, tìm kiếm đối tác thì sẽ lập profile, tạm gọi là Hồ sơ công ty.

Các Sở GDCK căn cứ trên những nhu cầu trong profile đề xuất đó, sẽ kết nối các CTCK trên thị trường mình và gửi thông tin tổng hợp về Sở GDCK Hà Nội, để chúng tôi chuẩn bị hậu cần, tạo không gian cho các CTCK gặp gỡ, trao đổi vào tháng 10 tới.

Trong quá trình tìm hiểu nhu cầu và khớp nối các nhu cầu, điều thú vị là có những CTCK nhận được rất nhiều lời mời gặp gỡ, nhưng cũng có những CTCK không nhận được sự quan tâm của các “đồng nghiệp” trong ASEAN. 

Bên cạnh các cuộc gặp song phương tìm cơ hội, xin ông chia sẻ những chủ điểm chính sẽ được các CTCK ASEAN, trong đó có Việt Nam, tập trung bàn thảo lần này?

Những chủ điểm chính sẽ được bàn thảo tại sự kiện năm nay là câu chuyện niêm yết lẫn nhau trên các thị trường trong cùng khu vực ASEAN. Chẳng hạn, 1 DN Việt Nam muốn niêm yết trên TTCK Singapore hay Thái Lan hoặc ngược lại, thì khối CTCK cần phải làm như thế nào để hỗ trợ họ? Chủ điểm được quan tâm tiếp theo là hoạt động huy động vốn nội khối ASEAN và một vấn đề nữa là cơ hội cho các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên biên giới.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm là HNX sẽ đồng thời tổ chức Hội nghị thành viên năm 2016 trong cùng chuỗi sự kiện tháng 10. Riêng với khối CTCK trong nước, có 3 chủ điểm sẽ được đưa ra bàn thảo năm nay. Thứ nhất là các công việc cần làm để chuẩn bị tham gia TTCK phái sinh tại Việt Nam.

Thứ hai là khả năng thí điểm chọn một số CTCK thực hiện vai trò nhà tạo lập thị trường khi vấn đề này được UBCK chấp thuận. Thứ ba là vấn đề triển khai công tác an toàn, an ninh, bảo mật hệ thống CTCK. Hiện tại, HNX đang xây dựng Sổ tay vận hành an toàn hệ thống, nhằm giúp các CTCK có thêm kinh nghiệm và kiến thức để làm tốt hơn công tác này.

Tin bài liên quan