Vinachem đã lên sẵn phương án bán hơn 2 triệu 
cổ phần VICS dưới mệnh giá

Vinachem đã lên sẵn phương án bán hơn 2 triệu cổ phần VICS dưới mệnh giá

Sắp có cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá

(ĐTCK) Những khó khăn, vướng mắc trong thoái vốn ngoài ngành, theo đại diện Bộ Tài chính, sắp được tháo gỡ, khi cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá được Chính phủ ban hành trong tháng 7 này.

DNNN sốt ruột chờ cơ chế

Trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn, thì đến giữa năm nay, mới thoái được khoảng 25%, trong khi theo chỉ đạo của Chính phủ, chỉ còn hơn 1 năm nữa là các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải hoàn tất thoái toàn bộ khoản vốn đầu tư này. Việc chậm trễ và tắc nghẽn trong triển khai thoái vốn ngoài ngành là điều không mới, nhưng đáng nói là đến nay vẫn chưa có cơ chế để tháo gỡ tình trạng này.

Đến giữa năm nay, trong khi một số doanh nghiệp được Bộ Tài chính ghi nhận đạt kết quả thoái vốn khả quan như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thoái được 120 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái được 376 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Bắc thoái được 120 tỷ đồng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam thoái được 105 tỷ đồng..., thì rất nhiều tập đoàn, tổng công ty đang rơi vào tình trạng bế tắc khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thực ra, với các khoản đầu tư ngoài ngành mà các DNNN, nhất là tập đoàn, tổng công ty đã thoái được đến nay, thì theo đánh giá của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đa phần là bán trong nội bộ, số ít bán ra bên ngoài. Trong đó, số bán được ra bên ngoài đa phần là các khoản bảo toàn được vốn hoặc có lãi.

Hiện trạng trên cho thấy, với các khoản đầu tư ngoài ngành bị lỗ, các DNNN đang bế tắc trong triển khai thoái vốn do chưa có cơ chế cụ thể về thoái vốn lỗ (dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp), mặc dù chủ trương này đã được quy định tại Nghị quyết 15/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong bối cảnh như vậy, các DNNN chỉ còn biết chờ cơ chế. Lãnh đạo một số doanh nghiệp không giấu được sự sốt ruột, bởi việc triển khai thoái vốn rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài từ năm nay sang năm khác, trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa. Có doanh nghiệp đã lên sẵn phương án thoái vốn dưới mệnh giá cũng như công bố thông tin sớm ra thị trường, để ngay khi cơ chế thoái vốn lỗ được Chính phủ ban hành, có thể triển khai phương án thoái vốn sớm. Đơn cử như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây công bố kế hoạch thoái vốn dưới mệnh giá đối với phần vốn của Vinachem tại CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) sau nhiều lần bán trên mệnh giá thất bại. Theo đó, Vinachem sẽ bán toàn bộ hơn 2 triệu cổ phần, với giá chuyển nhượng tối thiểu là 5.800 đồng/CP. Nếu chuyển nhượng thành công theo mức giá này, Vinachem lỗ khoảng 8 tỷ đồng.

Kỳ vọng gỡ khó trong thoái vốn cho DNNN

Đó là chia sẻ của một số lãnh đạo doanh nghiệp, bởi nếu cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá không sớm được ban hành sẽ khiến tình trạng thoái vốn ngoài ngành tiếp tục chậm trễ, bế tắc, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Điều này khiến lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm kép, như công văn mà Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh có hình thức xử lý hành chính đối với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện không có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Theo Bộ Tài chính, đến nay Bộ đã có Tờ trình 79/TTr-BTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết 15/2014. Khi văn bản này được ban hành, sẽ cụ thể hóa phương thức thoái vốn dưới mệnh giá, để các DNNN có cơ sở áp dụng. Ngay sau khi văn bản trên được ban hành, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức triển khai, cũng như hướng dẫn thực hiện, để đảm bảo tháo gỡ bế tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang tồn tại. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, trong đó trọng tâm là hoàn thành kế hoạch đầy thách thức: cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015.

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2014, các DNNN thoái thêm được gần 822 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó gồm 23 tỷ đồng trong lĩnh vực chứng khoán; tài chính, ngân hàng: 73 tỷ đồng, bảo hiểm: 72,5 tỷ đồng...

Tin bài liên quan