Sân nhà còn rộng cho quỹ đầu tư nội gọi vốn

(ĐTCK) “Tiềm năng huy động vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước, xét về dài hạn là rất lớn đối với các quỹ đầu tư”, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc đầu tư, CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) trao đổi với ĐTCK.
Ông Nguyễn Duy Quang

Ông Nguyễn Duy Quang

Theo ông, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất và sẽ còn nâng tiếp trong năm 2016 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực huy động vốn ngoại của các quỹ đầu tư nội địa trong năm 2016, cũng như thời gian tới?

Việc Fed tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới, rõ ràng sẽ gây khó khăn cho huy động vốn ngoại của các quỹ đầu tư nội địa trong tương lai gần, do giá trị đồng USD và lợi suất kỳ vọng của NĐT tăng và như thế sẽ tạo sự dịch chuyển vốn từ các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam vào các thị trường sử dụng USD.

Ngoài ra, áp lực giảm giá VND trong thời gian tới, cũng gây khó khăn đối với việc thu hút vốn ngoại do tâm lý e ngại lỗ tỷ giá, trong khi khả năng sinh lợi từ thị TTCK Việt Nam hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, với nền tảng vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng cao từ hội nhập và các chính sách hỗ trợ TTCK (nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, chứng khoán phái sinh…) của Việt Nam, trong trung hạn, khi tỷ giá USD/VND điều chỉnh ở mức hợp lý, sẽ kích thích nguồn vốn ngoại quay trở lại.       

Trong bối cảnh gọi vốn ngoại khó như vậy, ông nhìn nhận gì về cơ hội huy động vốn từ NĐT trong nước?

Trong ngắn hạn, việc huy động vốn ngoại sẽ khó khăn, nhưng khả năng huy động vốn từ NĐT trong nước sẽ tốt do nhu cầu đầu tư của các cá nhân và tổ chức có tiền nhàn rỗi vẫn rất lớn, trong khi các kênh đầu tư thay thế chứng khoán chưa thực sự hấp dẫn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi VND sẽ thấp, có lẽ chỉ đủ bù đắp lạm phát và mức giảm của VND trong năm 2016.

Vàng đang trong xu hướng giảm giá dài hạn. Nắm giữ USD không mang lại lợi nhuận cao, do chính sách kiểm soát tỷ giá chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất gửi USD vừa được điều chỉnh xuống 0%/năm.

Đầu tư bất động sản cũng không thực sự hấp dẫn, do đòi hỏi nguồn vốn lớn, tính thanh khoản thấp, thời gian thu hồi vốn dài và khó có khả năng tăng giá mạnh do nguồn cung lớn.  

Nói như vậy thì có cửa cho các quỹ đầu tư huy động vốn từ NĐT nội địa, nhưng cái khó là đối tượng NĐT này chưa mấy quan tâm đến đầu tư qua các quỹ?

Hiện mức độ quan tâm của NĐT đối với hình thức đầu tư qua các quỹ đầu tư đã cải thiện nhất định sau giai đoạn cực thịnh năm 2006 - 2008, đặc biệt là đối với các hình thức quỹ ETF và quỹ mở, do phí quản lý thấp, tính thanh khoản linh động.

Trong tương lai, khi TTCK chuyên nghiệp hơn với nhiều sản phẩm mới đa dạng và phức tạp, đòi hỏi NĐT phải có kiến thức và am hiểu DN hơn, khi đó, tôi tin mức độ tham gia của NĐT cá nhân vào các quỹ đầu tư sẽ gia tăng, tạo thuận lợi cho các quỹ huy động vốn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tỷ lệ tham gia của NĐT tổ chức ở TTCK Việt Nam thường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là NĐT cá nhân. Trong khi đó, ở các TTCK phát triển, tỷ lệ tham gia của NĐT tổ chức luôn vượt trội so với NĐT cá nhân. Chẳng hạn như TTCK Mỹ, lượng vốn do NĐT tổ chức quản lý thường chiếm tới 70% vốn hóa toàn thị trường.

Như vậy, tiềm năng huy động vốn từ các NĐT cá nhân trong nước, xét về dài hạn là rất lớn đối với các quỹ đầu tư. Nhận thấy cơ hội huy động vốn tốt như vậy, nên TVAM đang làm thủ tục cấp giấy phép thành lập quỹ đóng có quy mô vốn 300 tỷ đồng, dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM trong nửa đầu năm 2016. 

Dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành. Theo ông, chính sách mới này được áp dụng sẽ giúp các quỹ đầu tư, đặc biệt là hệ thống quỹ mở có thêm dư địa phát triển ra sao?

Quỹ hưu trí là hình thức đầu tư mới tại Việt Nam, thời gian đầu có thể độ phủ còn thấp nên lượng tham gia chưa nhiều. Tuy nhiên, trong tương lai, hình thức đầu tư này nhiều khả năng sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam theo xu hướng chung của thế giới.

Hiện chưa có ước tính cụ thể về nguồn tiền dành cho quỹ hưu trí trong nước. Tuy nhiên, tại các thị trường phát triển trên thế giới, quỹ hưu trí là quỹ đầu tư có quy mô tài sản quản lý rất lớn.

Theo thống kê từ Pensions & Investments và Towers Watson, trong năm 2014, 300 quỹ hưu trí lớn nhất thế giới quản lý hơn 15.000 tỷ USD. Quy mô tài sản của quỹ hưu trí trên thế giới lớn hơn cả quỹ tương hỗ (mutual fund), quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư chính phủ.

Việc sớm hình thành quỹ hưu trí, sẽ giúp các quỹ mở tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn, đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn cho người lao động...

Tin bài liên quan