Cổ phiếu của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) hiện đang được chào mua ở giá 140.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hầu như không có giao dịch bởi trắng bên bán. Cổ phiếu của nhà bán lẻ hàng điện tử lớn thứ hai, chỉ sau Thế giới di động, đã tăng gần 60% trong vòng 2 tháng kể từ ngày tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư hồi đầu tháng 12/2017.
Dự kiến, chậm nhất ngày 30/4/2018, FPT Retail sẽ niêm yết trên sàn, vì vậy, những ngày này cổ phiếu được săn mua ráo riết, kỳ vọng sau khi lên sàn giá của FPT Retail sẽ còn tăng tiếp.
FPT Retail sở hữu chuỗi kinh doanh phụ kiện điện tử FPT Shop và chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm của Apple với tên gọi FStudio. Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, điểm mạnh của FPT Retail nằm ở sản phẩm phân khúc cao cấp, trung bình 100 sản phẩm bán ra có 45 - 50 sản phẩm có giá trung bình 13 triệu đồng.
Với lợi thế mối quan hệ với hãng Apple và xu hướng thích sử dụng các sản phẩm của Apple, FStudio sẽ gia tăng số lượng cửa hàng lên con số 100 đến năm 2020. Đó là chưa kể, có thông tin trên thị trường FPT Retail sẽ tham chuỗi bán lẻ dược phẩm Việt Nam thông qua hoạt động M&A.
Bên cạnh đó, cùng sóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường niêm yết, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên OTC cũng sôi động không kém như PG Bank, TP Bank, OCB…
Đáng chú ý là cổ phiếu TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) được đã tăng lên hơn 70.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn đang khát nguồn cung. Theo phản ánh của một số môi giới, nhiều nhà đầu tư mua được cổ phiếu vùng giá 5x nhưng vẫn chưa muốn chốt lời.
Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, năm 2018, ngoài việc niêm yết, TCB có kế hoạch bán 172 triệu cổ phiếu quỹ. Nếu ứng với mức giá đang giao dịch trên thị trường OTC hiện nay, TCB có thể thu về hơn 12.000 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có gần 20 doanh nghiệp quy mô lớn có kế hoạch lên niêm yết. Ngoài những cái tên đáng chú ý trong thời gian gần đây như BSR, PV Oil, PV Power, Techcombank…, có nhiều doanh nghiệp lớn khác như MobiFone, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)… cũng dự kiến niêm yết trong vòng 1 - 2 năm tới. Và nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng giá mạnh khi được nhà đầu tư “săn mua”.
Ngay sau khi ba “ông lớn” họ dầu khí IPO thành công trong tháng 1 vừa qua, cổ phiếu các doanh nghiệp này đang được nhà đầu tư tìm mua tấp nập. Sức hút của các cổ phiếu không chỉ vì đây là những doanh nghiệp đầu ngành, có triển vọng kinh doanh tích cực, mà đến cả từ tuyên bố sẽ đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm nay.
Trong đó, cổ phiếu BSR đang được giao dịch ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 7.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá bình quân trong phiên IPO, nhưng lượng cung khá hạn chế. Bởi nhà đầu tư đa phần có tâm lý nắm giữ chờ đến khi niêm yết rồi mới bán. Trong khi đó, cổ phiếu PV Oil đang giao dịch ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 4.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá trung bình trúng đấu giá trong phiên IPO ngày 25/1 vừa qua (là 20.196 đồng/cổ phần).
Không chỉ tìm mua những cổ phiếu trên OTC, một số cổ phiếu trên UPCoM có kế hoạch niêm yết cũng thu hút quan tâm của nhà đầu tư. Chẳng hạn, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không (HVN) đã tăng giá ấn tượng sau khi công bố dự kiến lên niêm yết vào năm 2018. Phiên giao dịch đầu tháng 2, cổ phiếu này ở mức 53.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu tháng 11/2017.
Tất nhiên, không phải cổ phiếu của mọi doanh nghiệp có kế hoạch lên sàn niêm yết đều được săn mua. Hàng hóa trên thị trường rất dồi dào và sự quan tâm của giới đầu tư đang hướng tới các doanh nghiệp có các chỉ số cơ bản tốt, có lợi thế cạnh tranh và triển vọng ngành sáng sủa.