Tomorrow’s Gold - Asia’s age of discovery chuyển tải một cách dễ hiểu và sinh động triết lý đầu tư đi ngược đám đông (contrarian) và niềm tin mà Marc Faber đặt vào các thị trường mới nổi (emerging markets), đặc biệt là châu Á, sau hàng thập kỷ đầu tư ở các thị trường này.
Đặt niềm tin vào thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á
Mặc dù thừa nhận vẫn mang “cốt cách” phương Tây (gốc Thụy Sỹ), nhưng Marc Faber từ lâu cho rằng, các nước phương Tây đã đánh giá cao quá mức sức mạnh kinh tế, quân sự và lợi thế địa chính trị của mình so với “thế giới mới” - các nước mới nổi - vốn có tiềm năng dân số và kinh tế đang tăng trưởng nhanh như châu Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.
Đánh giá cao các nước mới nổi, Marc Faber cho rằng, các nước này không những tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước phương Tây và Nhật Bản, mà tốc độ tăng trưởng tích lũy của cải cũng vượt xa. Đó là chưa kể tình trạng tài chính công ở châu Á vững mạnh hơn hẳn.
Với niềm tin như vậy, dễ hiểu khi Marc Faber đã chuyển đến làm việc ở Hong Kong từ năm 1973 và hiện đang sống ở Chiang Mai, Thái Lan. Ông cũng tập trung phần lớn hoạt động đầu tư vào thị trường mới nổi và được xem là chuyên gia đối với các thị trường này. Gần đây, Marc Faber luôn cho rằng, TTCK Việt Nam đang xuất hiện những cơ hội mua vào rất tốt dù khá bi quan về thị trường Trung Quốc.
Marc Faber không chỉ là chuyên gia về thị trường mới nổi, mà còn nổi tiếng với triết lý đầu tư luôn đi ngược lại với đám đông.
Thị trường chứng khoán 7 giai đoạn - Mua khi thị trường sụp đổ
Marc Faber dành phần lớn nội dung của cuốn sách Tomorrow’s Gold - Asia’s age of discovery để thảo luận về tính chu kỳ của nền kinh tế và giá tài sản, căn nguyên hình thành các bong bóng tài sản.
Thời gian hạnh phúc sẽ không kéo dài mãi mãi, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn, Marc Faber cho rằng, chu kỳ của TTCK các nước mới nổi thường trải qua 7 giai đoạn, bao gồm: (0) Sau sụp đổ, (1) Bắt đầu hồi phục, (2) Chu kỳ hồi phục, (3) Bùng nổ, (4) Nghi ngờ sụt giảm, (5) Sụt giảm và (6) Buông xuôi và đạt đáy.
Câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta có thể xác định thị trường đang ở giai đoạn nào để “nhảy vào”?
Marc Faber đưa ra những cách xác định khá đơn giản mà hầu như một nhà đầu tư bình thường nào cũng làm được. Chẳng hạn, TTCK có tỷ lệ Vốn hóa/GDP thấp, như trường hợp Mỹ Latinh năm 1992, thì nhiều khả năng đang ở giai đoạn 0 và 1; giá trị giao dịch trên thị trường cao thì có thể là dấu hiệu của giai đoạn 3 hoặc 4, chứ không phải đang ở giai đoạn 0. Marc Faber cũng lưu ý là giai đoạn 6 của thị trường có thể mất nhiều năm để hoàn tất và không nên cố gắng phân định các giai đoạn như trên một cách máy móc.
Với triết lý đầu tư ngược đám đông, Marc Faber thường “nhảy vào” khi xác định được thị trường đã hoàn toàn buông xuôi đầu hàng, cụ thể là giai đoạn 0 - Sau sụp đổ và bắt đầu một chu kỳ mới. Theo Marc Faber, rủi ro lúc này không còn là vấn đề giá nữa (vì đã giảm quá thấp), mà là ở vấn đề thời gian vì thị trường có thể thậm chí sẽ phải mất nhiều năm mới tăng trở lại (nhưng đã tăng thì mức sinh lời lại rất cao). Ông sẽ thoát khỏi thị trường vào giai đoạn 2 - Chu kỳ hồi phục, dù có thể hơi sớm đối với nhiều người.
Trong cuốn sách này, Marc Faber cũng đưa ra checklist để nhận diện các giai đoạn cụ thể của TTCK mới nổi. Dưới đây là checklist dành cho Giai đoạn 0 - Sau sụp đổ và Giai đoạn 6 - Buông xuôi và đạt đáy.
Giai đoạn 0 - Sau sụp đổ |
Giai đoạn 6 - Buông xuôi và đạt đáy |
|
Thực tế |
- Kinh tế trì trệ kéo dài hoặc co hẹp - Thu nhập đầu người không tăng hoặc giảm trong một số năm - Tỷ lệ thất nghiệp cao - Đầu tư vốn ít, vị thế cạnh tranh của nền kinh tế suy giảm - Chính trị, xã hội bất ổn (đình công, lạm phát cao, phá giá tiền tệ…) - Lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm - Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài tụt dốc - Vốn nước ngoài rút khỏi thị trường |
- Nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch giảm (thường là 90%) từ mức đỉnh trong giai đoạn 3 - Bùng nổ; - Đầu tư vốn giảm mạnh do bi quan; - Lãi suất giảm mạnh và đạt mức thấp nhất trong chu kỳ; - Nhà đầu tư nước ngoài không còn quan tâm và tiếp tục bán ra; - Tiền tệ yếu hoặc bị phá giá; |
Biểu hiện |
- Du lịch giảm sút, công suất phòng khách sạn dưới 30%, không có khách sạn xây mới; - Khối lượng giao dịch chứng khoán giảm mạnh, thường vào khoảng 90% so với đỉnh gần nhất; - Chứng khoán sau khi đạt đỉnh nay giao dịch đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong nhiều năm, tạo đáy vững chắc; - Định giá chứng khoán trở nên thấp một cách vô lý so với các thị trường khác vì dòng vốn rút về nơi sinh lợi cao hơn; - Các quỹ đầu tư nước ngoài xa lánh; - Báo chí đưa tin tiêu cực dày đặc; - Điều kiện cho vay bị thắt chặt, tăng trưởng tín dụng giảm sút vì bị mắc kẹt với nợ xấu trong đợt bùng nổ trước đó; - Công ty chứng khoán đóng cửa, có ít báo cáo phân tích mới, các quỹ đầu tư không huy động được vốn; - Tại các hội thảo, nhà đầu tư chán chường và cho rằng thị trường chỉ có đi xuống; |
- Báo chí đưa tin tức rất tiêu cực, kể cả báo chí quốc tế; - Quỹ đầu tư nước ngoài bi quan và đóng cửa văn phòng; - Tài sản của các quỹ đầu tư giảm 90% do rút vốn và thua lỗ; - Các chuyến bay, khách sạn, hộp đêm vắng khách; - Tài xế taxi, người bán hàng hay nhân viên phục vụ nhà hàng liên tục nói về các khoản thua lỗ do đầu tư chứng khoán của họ và người thân. |
Ví dụ |
- Mỹ Latinh và đặc biệt là Argentina những năm 1980; - Trung Đông trước đợt tăng giá dầu những năm 1970; - Châu Á (trừ Nhật Bản) giai đoạn 1980 - 1985; - Khủng hoảng tiền tệ châu Á (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia) sau năm 1997; - Châu Phi những năm gần đây (2002). |
- Hoa Kỳ năm 1932 và cuối 1974; - Hong Kong năm 1974 và 2002; - Châu Á sau năm 1997; - Mỹ Latinh và đặc biệt là Argentina năm 2002. |
TS. Marc Faber là diễn giả chính tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF 2014) do Báo Đầu tư, CTCK HVS và Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital (Hong Kong) phối hợp tổ chức ngày 19/06/2014 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TP.HCM). |