Dự kiến, trong tháng 12/2016, Sabeco sẽ lên niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM

Dự kiến, trong tháng 12/2016, Sabeco sẽ lên niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM

Sabeco lên sàn, đo “trọng lực” của ông lớn rượu bia

(ĐTCK) Cổ phần hóa từ năm 2008, nhưng phải đến tận bây giờ, sau gần 8 năm với sự thúc ép từ nhiều phía, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới rục rịch lên niêm yết.

Tháng 12 có thể sẽ niêm yết

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Sabeco cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sabeco đã được chấp thuận của Bộ Công thương về việc niêm yết và lựa chọn đơn vị tư vấn. Theo đó, CTCK Maybank Kim Eng Việt Nam sẽ là đơn vị tư vấn niêm yết cổ phiếu cho Tổng công ty.

“Hiện Sabeco đã có được sự ủng hộ rất lớn từ các bên, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, nên dự kiến sẽ lên niêm yết chính thức sau khoảng 2 tháng kể từ khi nộp hồ sơ. Như vậy, nếu không có gì phát sinh, khoảng tháng 12/2016, Sabeco sẽ hoàn tất niêm yết”, nguồn tin cho biết.

Niêm yết cổ phiếu Sabeco có lẽ là một trong những tin “hot” nhất của thị trường chứng khoán năm 2016. Cổ phần hóa từ lâu, nhiều năm qua, dù chịu sự thúc ép lên niêm yết từ nhiều phía, đặc biệt là các nhà đầu tư tài chính, cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, nhưng câu trả lời của Ban lãnh đạo Tổng công ty luôn là “sẽ nghiên cứu”. Sự chậm trễ này trong nhiều giai đoạn đã gây bức xúc trong dư luận. 

Niêm yết giá nào?

Cái kết có hậu cho sự chờ đợi mòn mỏi của nhà đầu tư không chỉ là vấn đề Sabeco sắp đưa cổ phiếu lên niêm yết, mà là diễn biến giá tích cực trong tháng qua.

Đầu năm 2008, Sabeco chào bán 128,257 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhưng chỉ có hơn 78,362 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, với mức giá xấp xỉ 70.000 đồng/CP do lượng đăng ký đặt mua thấp. Với kết quả này, hiện tại, Bộ Công thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất, nắm 89,59% vốn điều lệ của Sacbeco. Dù mua ở mức giá khởi điểm, nhưng sau đó hầu hết các nhà đầu tư mua tại đợt cổ phần hóa Sabeco lần đầu đứng ngồi không yên khi cổ phiếu này sụt giảm mạnh theo đà suy giảm chung của thị trường chứng khoán giai đoạn trước. Trong một thời gian dài, cổ phiếu Sabeco được giao dịch ở mức 38.000-39.000 đồng/CP, với thanh khoản không lớn trên thị trường OTC.

Trước khi rộ lên thông tin niêm yết, cổ phiếu này có giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/CP, nhưng chỉ trong vòng hơn nửa tháng nay đã tăng lên mức trên 100.000 đồng/CP, mang lại lợi nhuận lớn cho những người kiên trì nắm giữ.

“Tăng giá mạnh, nhưng ở mức giá này, cổ phiếu Sabeco hầu như không có giao dịch. Nhiều môi giới chứng khoán trong những ngày vừa qua trực chờ tại Tổng công ty để tìm mua lại cổ phiếu của cán bộ công nhân viên, nhưng do lượng cổ phiếu bên ngoài ít, nên giao dịch vẫn rất hiếm”, vị này cho biết.

Liên quan đến giá chào sàn, nguồn tin cho hay, đến thời điểm này, mức giá chào sàn dự kiến vẫn chưa được xác định. “Tuy nhiên, giá tham chiếu ngày chào sàn có thể sẽ không dưới mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, mức giá này cũng không hề đắt so với định giá Sabeco và chính sách chia cổ tức mà Tổng công ty đang duy trì”, vị này nói. 

Định giá Sabeco là bao nhiêu thì hợp lý?

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán Sabeco năm 2015 cho thấy, trong năm qua, Tổng công ty đạt 3.410,295 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.864 đồng, tăng mạnh so với con số 2.627,142 tỷ đồng của năm 2014. Với kết quả này, Sabeco đã thực hiện chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30% vốn điều lệ. Mức chia cổ tức này dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì trong các năm tới.

Năm 2016, Sabeco tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ nửa đầu năm đạt 2.319,221 tỷ đồng, tương đương EPS 3.617 đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2015 là 1.488 đồng; hoàn thành hơn 73% kế hoạch lợi nhuận năm. Nếu lợi nhuận cả năm 2016 gấp đôi con số đạt được nửa đầu năm, thì với mức giá đang được giao dịch là trên 100.000 đồng/CP, P/E của cổ phiếu này có thể ở mức trên 14 lần, một mức chưa hẳn hấp dẫn.

Tuy nhiên, với một doanh nghiệp lớn như Sabeco, việc định giá không thể chỉ căn cứ chỉ số P/E. Chiếm 43,5% thị phần bia trong nước trong năm 2015, mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco là đích nhắm tới của các nhà sản xuất bia lớn trên thế giới. Báo cáo thường niên cho thấy, Sabeco hiện có 23 công ty con, 17 công ty liên kết và 5 liên doanh.

Không chỉ có mạng lưới rộng khắp, thương hiệu được ưa chuộng, lịch sử kinh doanh của Sabeco cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng hiệu quả kinh doanh ấn tượng. Bất chấp những rủi ro đã nhìn thấy là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình và việc hệ thống Sabeco đã khá thận trọng trong hạch toán, theo Ban lãnh đạo Tổng công ty (tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016), Sabeco đã trích lập dự phòng tới 1.500 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các năm trước (trong đó báo cáo tài chính hợp nhất Tổng công ty thể hiện khoản dự phòng hơn 992 tỷ đồng). Sabeco là “cỗ máy in tiền” ngày một mở rộng công suất, cho cả cổ đông nói chung, ngân sách nhà nước nói riêng.

Năm 2016, hệ thống Sabeco dự kiến hạch toán nộp trên 15.000 tỷ đồng thuế các loại, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt của tổ hợp công ty mẹ - con là 6.500 tỷ đồng. Riêng nửa đầu năm nay, phát sinh thuế các loại phải nộp phản ánh trên báo cáo tài chính hợp nhất là hơn 4.915 tỷ đồng, số thuế đã nộp là hơn 4.630 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận cho cổ đông tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, các năm trước đều tăng trưởng tốt.

Ảnh hưởng như thế nào sau niêm yết?

Nếu cổ phiếu Sabeco duy trì mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, với vốn điều lệ hơn 6.412,811 tỷ đồng, vốn hóa Tổng công ty sẽ ở mức trên 64.128 tỷ đồng. Ở mức vốn hóa này, Sabeco sẽ là cạnh tranh vị trí Top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn với VietinBank (có vốn hóa tại ngày 29/9/2016 đạt trên 63.856 tỷ đồng). Tuy nhiên, ảnh hưởng của Sabeco đến chỉ số VN-Index sẽ phụ thuộc vào việc cổ đông nhà nước là Bộ Công thương có lưu ký cổ phiếu hay không.

Nếu thực hiện lưu ký toàn bộ cổ phiếu lưu hành, Sabeco sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index do tương đương khoảng gần 5% vốn hóa trên HOSE hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ niêm yết phần cổ phiếu tự do chuyển nhượng, Sabeco sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến chỉ số chung của HOSE, do phần này chỉ chiếm trên 10% tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành của Tổng công ty. Mặc dù vậy, với chủ trương thoái vốn của Chính phủ, xác suất cao là Sabeco sẽ thực hiện niêm yết toàn bộ cổ phiếu lưu hành để thuận lợi cho công việc này. 

Thoái vốn như thế nào?

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về việc lộ trình thoái vốn như thế nào, nguồn tin tại Sabeco cho biết, dù giá cổ phiếu Sabeco trên thị trường tự do tăng chóng mặt, thông tin nhà đầu tư chiến lược xếp hàng chờ mua cổ phiếu, nhưng trên thực tế, vẫn chưa có đối tác nào gửi thư làm việc trực tiếp để xem xét mua chiến lược cổ phiếu Sabeco.

Bên cạnh đó, với mức vốn hóa khoảng hơn 64.000 tỷ đồng, nếu bán lượng nhỏ, cổ đông chiến lược sẽ không hào hứng, vì quá rủi ro để có thể đạt được mục tiêu sở hữu chi phối. Trong khi đó, nếu bán trọn gói luôn 51% vốn điều lệ thì bán cho ai, khi con số vốn cần lên tới hơn 1 tỷ USD?

“Với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, con số tỷ USD có thể vẫn thu xếp được. Thế nhưng, hiện chính cơ quan quản lý vẫn bị băn khoăn giữa 2 luồng tư tưởng là bán thoái vốn với giá cao nhất hay bán với giá vừa phải nhưng sẽ giữ thương hiệu Sabeco? Khi vấn đề này chưa xác định rõ ràng, câu chuyện thoái vốn Sabeco có thể vẫn chưa đến hồi kết”, nguồn tin nói.

Sabeco hiện có vốn điều lệ 6.412,811 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2016 là 14.064,666 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, Tổng công ty đạt doanh thu thuần hợp nhất 8.542,955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.319,949 tỷ đồng. Tại cùng thời điểm trên, Tổng công ty có 9.392,267 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 1.403,767 tỷ đồng tiền là tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu (trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng).

Ngoài hoạt động kinh doanh chính rất mạnh, Sabeco có một điểm đáng chú ý là sở hữu quyền thuê đất tại số 6 Hai Bà Trưng, TP. HCM. Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty, do đây không phải là đất thuộc sở hữu Sabeco, nếu thực hiện dự án sẽ phải đóng riêng tiền đất khoảng 1.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng theo nhu cầu của Tổng công ty lại rất nhỏ nên nếu triển khai thực hiện thì phải cho thuê lại, sẽ vướng quy định về đầu tư ngoài ngành, nên Tổng công ty đã thực hiện đưa vào liên doanh, với tỷ lệ góp vốn của Tổng công ty là 26%.

Cũng theo Ban lãnh đạo Tổng công ty, với thị phần hiện đã rất lớn, việc duy trì mức tăng trưởng cao là thách thức. Bên cạnh đó, với việc thay đổi thuế suất tiêu thụ đặc biệt, số tiền dự kiến phải nộp tăng trong năm 2016 là 942 tỷ đồng, thay đổi cách tính giá để tính thuế (tính theo giá bán cuối cùng làm cơ sở tính thuế, sẽ phát sinh thêm khoảng 600 tỷ đồng, dẫn đến tổng số tiền thuế tăng thêm năm 2016 khoảng 1.600 tỷ đồng.

Tin bài liên quan