Sabeco lên sàn, cổ phiếu “con” có hạ nhiệt?

Sabeco lên sàn, cổ phiếu “con” có hạ nhiệt?

(ĐTCK) Bắt nguồn từ kỳ vọng Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lên sàn và việc Chính phủ sớm thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp này, cổ phiếu các công ty con, liên kết của Sabeco, đặc biệt là các công ty bia đã tăng phi mã trong những tháng gần đây. Vậy kịch bản nào cho các cổ phiếu này khi Sabeco chính thức lên sàn?

Hiệu ứng cộng hưởng

Nhờ hiệu ứng lên sàn của Sabeco, giá cổ phiếu BSP của Công ty cổ phần (CTCP) Bia Sài Gòn - Phú Thọ tăng từ mức 22.800 đồng ngày 14/9 lên đỉnh 48.500 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên ngày 10/11; SMB của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Trung tăng từ 26.800 đồng (14/9) lên 53.800 đồng/cổ phiếu (10/11); WSB của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây tăng từ 44.100 đồng (14/9) lên 94.000 đồng/cổ phiếu (5/12).

Thời gian gần đây, các cổ phiếu này có những nhịp điều chỉnh, tuy nhiên, thị giá vẫn ở mức cao so với giá giao dịch suốt năm qua.

Bên cạnh hiệu ứng lên sàn của Sabeco, những yếu tố hấp dẫn giới đầu tư đối với nhóm này là việc các doanh nghiệp đang sở hữu các nhà máy bia chủ chốt trong hoạt động của Sabeco, có kết quả kinh doanh khá tốt và mức chi trả cổ tức tương đối cao (15-30%).

Sabeco lên sàn, cổ phiếu “con” có hạ nhiệt? ảnh 1

9 tháng đầu năm, WSB đạt doanh thu thuần 638,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 74,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,9% và 5,8% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 4.401 đồng. Năm 2016, WSB đặt kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 98 triệu lít bia; mục tiêu tổng doanh thu 769,2 tỷ đồng và 61,16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức 25%.

Trong khi đó, doanh thu 10 tháng 2016 của BSP đạt 376,8 tỷ đồng, tăng 18,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 26,8 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Các kết quả này đều đã vượt kế hoạch năm 2016. Mức cổ tức hàng năm BSP trả cho cổ đông là khá cao, lần lượt là 30%, 20% và 25% trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Tuy nhiên, năm 2016, BSP dự kiến chỉ trả cổ tức tỷ lệ 10%.

Với SMB, 9 tháng, SMB đạt doanh thu thuần 672,2 tỷ đồng, lãi trước thuế 90,7 tỷ đồng và lãi sau thuế 72,6 tỷ đồng, tăng 19,45% và 16,3%, EPS 2.433 đồng. 

Dự báo kịch bản

Nhìn lại diễn biến của một số cổ phiếu tăng giá nhờ hiệu ứng lên sàn của công ty mẹ thời gian gần đây, có 2 trường hợp đã xảy ra. Thứ nhất, cổ phiếu lao dốc ngay khi công ty mẹ lên sàn. Chẳng hạn cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - công ty con của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm từ đỉnh 35.800 đồng/cổ phiếu xuống còn 25.800 đồng/cổ phiếu trong vòng 3 phiên giao dịch sau khi ACV chính thức giao dịch tại  UPCoM.

Trường hợp thứ hai có diễn biến ngược lại, cổ phiếu BHP của CTCP Bia Hà Nội - Hải Phòng, công ty con của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) lại chỉ bắt đầu tăng mạnh kể từ khi Habeco chính thức gia nhập UPCoM. BHP tăng từ mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu ngày 28/10 (ngày chào sàn của BHN) lên đỉnh 34.900 đồng/cổ phiếu ngày 9/11 (một ngày sau khi BHN lập đỉnh), trước khi rơi mạnh xuống mức 16.000 đồng/cổ phiếu ngày 18/11. Đồ thị giá của BHP gần như tương đồng với BHN kể từ khi lên sàn.

Trở lại với yếu tố ngành và doanh nghiệp, thời gian qua, một số công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo về sự khởi sắc của ngành bia trong thời gian tới với tâm điểm là sự xuất hiện của Habeco và Sabeco trên thị trường.

Theo báo cáo mới đây về ngành bia của Công ty Chứng khoán BSC, Việt Nam là nước có sản lượng bia sản xuất tăng cao nhất thế giới (năm 2015 đạt 4,67 tỷ lít bia, tăng 20,1%; giai đoạn 2005 - 2015 tăng 238,8%), tuy nhiên, tiêu thụ bia có mức tăng không tương xứng với sản lượng sản xuất.  Do đó Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng về tiêu thụ bia của thế giới, nhờ sản lượng bia tiêu thụ trên đầu người của Việt Nam đang ở mức vừa phải (khoảng 57,09 lít bia so với mức trung bình 92,07 lít của nhóm 25 nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới).

Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, tầng lớp trung lưu và giàu có được dự báo tiếp tục tăng nhanh.

Bên cạnh đó, BSC thực hiện so sánh các doanh nghiệp bia trong nước với nhóm doanh nghiệp bia trên thế giới theo thống kê của Bloomberg và cho rằng, chỉ số giá/thu nhập (PE) trung vị của nhóm so sánh là 25,73 lần, trong khi triển vọng thị trường bia Việt Nam còn tương đối lớn, qua đó cho thấy PE hiện tại của các doanh nghiệp bia Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn (SMB: 17,7; WSB: 8,89 lần).

Tại các diễn đàn chứng khoán, không ít nhà đầu tư, môi giới thể hiện sự tin tưởng vào khả năng tăng giá của các cổ phiếu bia khi Sabeco lên sàn. Trong khi đó, mặc dù thừa nhận triển vọng tích cực của ngành bia, một số ý kiến khác cho rằng, các cổ phiếu này hiện đã được định giá ở mức khá cao.               

Tin bài liên quan