Room: Ðiểm tắc nhất vẫn… còn nguyên

Room: Ðiểm tắc nhất vẫn… còn nguyên

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông 2017 đang đến gần, các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư chờ đợi động thái chính sách về khả năng xử lý nút thắt nới tỷ lệ đầu tư tối đa (room) của khối ngoại lên 100% để rộng đường hút vốn.

Ðiều đáng nói là trong quan điểm xây dựng Luật Chứng khoán mới vừa được Bộ Tài chính công bố, dư luận không thấy rõ hướng xử lý điểm tắc nhất về room.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh hai nút thắt lớn, khiến việc nới room đã được Chính phủ quyết từ năm 2015 (bằng Nghị định 60/2015/NÐ-CP), nhưng cả nghìn DN trên sàn mới chỉ có chưa đầy 10 DN mạnh dạn nới room lên 100% (SSI, VNM, DMC, PAN…).

Trước thực tế này, trong đánh giá của mình, Bộ Tài chính đã thẳng thắn chỉ ra sự khập khiễng giữa Luật Chứng khoán và Luật Ðầu tư, đặc biệt là về cách tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DN và cách quản lý hoạt động đầu tư của DN khi DN có sở hữu nước ngoài vượt qua tỷ lệ 51%.

Bộ Tài chính cho rằng, dự án Luật Chứng khoán mới sẽ xử lý được những vướng mắc này, đảm bảo không chồng chéo với Luật Ðầu tư và dễ dàng trong thực hiện. Tuy nhiên, định hướng xây dựng Luật lại chưa đề cập cách xử lý điểm tắc nhất, mà mới chủ yếu sửa vấn đề về kỹ thuật quanh việc định danh cách tính tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (*).

Cụ thể, điểm tắc nhất, như Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) - đơn vị rất muốn nới room mà chưa nới được, nêu lên là tư cách pháp lý của DN sau khi nới room khiến sở hữu khối ngoại vượt qua 51%.

Khi đó, theo Luật Ðầu tư, DN sẽ được định danh là nhà đầu tư nước ngoài và chịu sự điều chỉnh của các luật về đầu tư, góp vốn cổ phần tại Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định như vậy, theo HSC, là ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Vì thế, HSC buộc phải cân nhắc điểm lợi và bất lợi khi nới room và gần 2 năm qua vẫn chờ đợi những động thái chính sách mới, với hy vọng điểm vướng sẽ được gỡ bỏ.

Với yêu cầu từ cổ đông và khát vọng phát triển từ chính lãnh đạo DN, nhiều DN bước vào mùa đại hội đồng cổ đông năm nay tiếp tục phải trăn trở với câu hỏi: nới room hay không nới room. Nếu nới room, một mặt, DN sẽ phải cắt đi một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, mặt khác, DN phải chấp nhận khoác tư cách nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động về đầu tư, kinh doanh, khi sở hữu vốn ngoại tại DN vượt qua 51%.

Làm thế nào để xử lý được điểm tắc nhất trên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng từng thừa nhận, đây là bài toán rất khó, bởi quy định về tỷ lệ 51% này được định danh trong Luật Ðầu tư.

Dù vậy, dư luận vẫn chờ đợi Bộ Tài chính, ngành chứng khoán sẽ tìm ra lời giải cho bài toán 51% trong cơ hội xây dựng Luật Chứng khoán mới, chờ đợi việc sửa Luật cần chạm trúng vào vấn đề mắc nhất, chứ không chỉ quanh vấn đề kỹ thuật về cách tính tỷ lệ vốn ngoại sao cho hợp với Luật Ðầu tư và các cam kết quốc tế.

Với DN và các nhà đầu tư, dù bài toán gỡ vướng về room có tìm ra cách giải phù hợp để hóa giải vướng mắc hiện nay thì sớm nhất cũng phải đến năm 2019, dự án Luật Chứng khoán mới mới có thể thi hành (dự án này dự kiến trình Quốc hội vào năm 2018). Vì thế, câu chuyện về room nếu sốt ruột là không thực tế, thay vào đó hãy suy nghĩ và  mạnh dạn hiến kế cho ngành chứng khoán gỡ nút thắt để rộng mở cơ hội đón vốn ngoại cho các DN trên sàn.

Liên quan đến quy định về room, dự án Luật Chứng khoán mới dự kiến sửa 2 điểm sau:

- Ðối với quy định sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: Ðối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài không quy định về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được xem xét áp dụng trong trường hợp này là 100%, thay vì 49% như hiện tại sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngành, nghề đó.

- Ðối với định nghĩa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng: nghiên cứu bổ sung định nghĩa theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tính trên tổng số vốn điều lệ của một công ty đại chúng.

Tin bài liên quan