Đồ họa: NgocTuanz

Đồ họa: NgocTuanz

Rắc rối phân định tội lừa đảo và sử dụng trái phép tài sản chứng khoán

(ĐTCK) Nhiều vụ án liên quan đến chứng khoán sau khi được đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng đã thay đổi tội danh so với truy tố ban đầu.

Trong pháp luật dân sự, chế định sở hữu gồm 3 quyền cơ bản là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Xác định các quyền này có ý nghĩa quan trọng để đánh giá và làm rõ tội danh trong vụ án hình sự, đặc biệt đối với các tội danh có nhiều dấu hiệu tương đồng như Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140), Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) và Sử dụng trái phép tài sản (Điều 142).

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án sau khi được đưa ra xét xử, cơ quan tố tụng đã thay đổi tội danh so với truy tố ban đầu. Chẳng hạn, vụ án rút số tiền 7,2 tỷ đồng vì dùng chung tài khoản chứng khoán từng được đưa ra xét xử năm 2015, nhưng do các lời khai mâu thuẫn, nên cơ quan tố tụng quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đến phiên xử giữa tháng 9/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã chuyển tội danh đối với bị cáo Trần Ngọc Quý (sinh năm 1970, trú tại Quận 1, TP. HCM) từ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang tội Sử dụng trái phép tài sản của người khác với hình phạt 5 năm tù.

Vụ án này là minh chứng khá rõ nét về việc xác định quyền sử dụng của chủ sở hữu hợp pháp. Trước đó, giữa bị cáo Quý và chị Nguyễn Huyền M. có mối quan hệ thân thiết và cùng nhau kinh doanh chứng khoán.

Năm 2012, chị M. mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank và đăng ký số điện thoại của Quý để giao dịch. Chị M. ký giấy ủy quyền cho Quý thực hiện mọi giao dịch với Ngân hàng, trong thời hạn 5 năm (từ ngày 20/2/2012 đến 20/2/2017).

Đầu tháng 7/2013, chị M. bán căn nhà tại phố Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Hà Nội với giá 12,6 tỷ đồng. Tiền đặt cọc là 7,2 tỷ đồng. Để tiện cho việc thanh toán, chị M. đã báo khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cũ. 

Thấy điện thoại có tin nhắn thông báo, Quý tự ý làm thủ tục chuyển số tiền trên sang tài khoản của mình và rút tiền tiêu xài cá nhân. Phát hiện mất tiền trong tài khoản, chị M. liên tục gọi điện truy hỏi, nhưng Quý cắt đứt liên lạc. Do đó, nạn nhân đã trình báo vụ việc lên cơ quan công an.

Gần đây nhất là vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS), cơ quan tố tụng đã thay đổi tội danh đối với 5 bị can từ tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội Sử dụng trái phép tài sản.

Cáo trạng ban đầu quy kết, năm 2010, các bị cáo lập khống hồ sơ của 24 khách hàng mở tài khoản tại TAS. Đây là các hợp đồng có hình thức vay vốn các tổ chức tín dụng đầu tư chứng khoán. Sau đó, các bị cáo ký hợp đồng hợp tác dưới hình thức ủy thác đầu tư vay tiền, hợp tác thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh, ứng trước tiền bán chứng khoán với 3 tổ chức tín dụng, chiếm đoạt số tiền 205 tỷ đồng.

Lý do của sự thay đổi trên là trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định, các bị cáo đã sử dụng số tiền hơn 205 tỷ đồng chi trả cho những khoản nợ vay ngân hàng và phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và cộng sự) cho biết, về mặt cấu thành tội phạm, đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khách thể bị tội phạm xâm hại tới quyền sở hữu tài sản và dấu hiệu bắt buộc là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản có ngay từ ban đầu.

Còn đối với tội Sử dụng trái phép tài sản, tội phạm chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hợp pháp, tức là sử dụng tài sản không được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp và gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã từng bị xử lý vi phạm hành chính, bị kết án về hành vi này mà chưa được xóa án tích.

Nghĩa là, người phạm tội có thể tiếp nhận tài sản, biết pháp luật không cho phép mình sử dụng, nhưng vì những lợi ích nhất định đã cố ý đưa tài sản đó vào sử dụng và gây hậu quả nghiêm trọng.       

Điều 142, Bộ luật Hình sự quy định về tội Sử dụng trái phép tài sản:

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Tin bài liên quan