Quyết định thoái vốn nhà nước theo lô có thể...“về hưu sớm“

Quyết định thoái vốn nhà nước theo lô có thể...“về hưu sớm“

(ĐTCK) Khiếu nại, nhiều ý kiến phản ánh về việc đấu giá khép kín, trong khi cách làm này trái với quy định mới về quản lý, đầu tư vốn nhà nước khiến cho Quyết định 41/2015/QĐ - TTg về bán cổ phần theo lô có thể sớm… về hưu.

Sáng tạo ngoài dự kiến

Sau rất nhiều cuộc họp và ý kiến đóng góp, kể cả việc mổ xẻ một số trường hợp bán cổ phần lô lớn đã được thực hiện thành công tại Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 41/2015 về việc bán cổ phần theo lô.

Một trong nhiều mục tiêu mà quyết định này hướng tới là thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm huyết tham gia cải tổ, tái cấu trúc doanh nghiệp (các doanh nghiệp do SCIC quản lý vốn không bị điều chỉnh bởi văn bản này).

Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như kỳ vọng. Có 2 điểm khiến thị trường và giới đầu tư nghi ngờ tính minh bạch và công tâm của phương thức bán cổ phần này.

Thứ nhất là quy định, người đại diện vốn nhà nước xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô báo cáo chủ sở hữu để xây dựng phương án bán cổ phần theo lô trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai là phần vốn Nhà nước thoái có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường. 

Trong thực tế, thị trường phản ánh có những phiên đấu giá đặt ra quy định rất khắt khe, mang dấu hiệu hạn chế nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Chẳng hạn, phiên đấu giá 1,74 triệu cổ phần, chiếm 43,58% vốn điều lệ của CTCP Công nghệ và Truyền hình mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tạm dừng mới đây, đưa ra điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá “nếu là tổ chức kinh tế, phải có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị ngành phát thanh truyền hình, điện ảnh, văn hóa, thể thao, ưu tiên có trụ sở đăng ký kinh doanh tại TP. HCM để công ty mở rộng và phát triển thị trường khu vực phía Nam. Nếu là cá nhân, đã tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tối thiểu là 5 năm và có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị ngành phát thanh truyền hình, điện ảnh”.

Đồng thời, phải là nhà đầu tư đã từng tham gia hợp tác kinh doanh, hỗ trợ công ty để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty; có cam kết bằng văn bản thực hiện hỗ trợ Công ty, duy trì hoạt động ngành nghề kinh doanh chính của Công ty; có kế hoạch và phương án để nâng cao năng lực tài chính quản trị của doanh nghiệp… Câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu nhà đầu tư đáp ứng nhiều điều kiện đặt ra như trên? 

Trong công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hôm 25/8/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ ghi chung chung lý do tạm dừng phiên đấu giá: “để có thời gian xem xét và đánh giá hồ sơ năng lực các nhà đầu tư đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, tối đa hóa lợi ích nhà nước”.

Bình luận về việc trao quyền đặt ra các tiêu chí về nhà đầu tư tham gia mua cổ phần theo lô cho người đại diện vốn tại doanh nghiệp và các cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giám đốc tư vấn một CTCK nói rằng, không khác gì bật đèn xanh cho việc tổ chức đấu giá cổ phần khép kín.

Giới đầu tư cũng bình luận rằng, hiện không có cơ sở khoa học nào ngoài ý chí chủ quan của những người có liên quan đến việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc chia số cổ phần mà Nhà nước dự kiến thoái vốn theo từng lô. Nếu nhà đầu tư thực sự quan tâm đến việc tham gia và cải thiện hoạt động của doanh nghiệp, họ sẽ biết cách liên kết, kêu gọi vốn để mua được cả lô cổ phần.

Còn quy định như tại Quyết định 41/2015, theo chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long, chỉ tạo ra “quyền lực” và “lợi ích” cho những người có quyền định đoạt việc chia lô và tiêu chí nhà đầu tư được tham gia đấu giá cổ phần. Bán vốn nhà nước theo hình thức này, tiếng là đấu giá công khai, nhưng không khác gì ban phát và có sự thỏa thuận từ trước. 

Quy định “đá” nhau

Bên cạnh những ý kiến nhận xét về “lỗ hổng” trong Quyết định 41/2015 nói trên, các bên thực hiện việc bán cổ phần theo lô cũng đang quan ngại về việc, họ có thể vi phạm quy định pháp luật về thoái vốn nhà nước.

Cụ thể, Nghị định 91/2015/NĐ - CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/12/2015 nêu rõ phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM phải đấu giá công khai, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô.

Việc bán thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với nhà đầu tư được thực hiện trong trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công (chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản).            

Tin bài liên quan