Quyền lực ở tỷ lệ 36% và cuộc chiến khó có hồi kết

Quyền lực ở tỷ lệ 36% và cuộc chiến khó có hồi kết

(ĐTCK) Luật pháp đã trao cho cổ đông sở hữu tối thiểu 36% tổng số cổ phần phổ thông của một công ty quyền phủ quyết và đôi khi, việc cổ đông sử dụng triệt để quyền này đã dẫn đến hoạt động của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông sở hữu 36% cổ phần trở lên với các nhóm cổ đông khác có được giải quyết êm thấm hay không còn tùy thuộc vào thiện chí của các bên.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông sở hữu tối thiểu 26% và 36% cổ phần phổ thông của một công ty.

Như vậy, khi cổ đông nắm giữ 26% cổ phần phủ quyết, công ty sẽ không thể thông qua một số vấn đề quan trọng như tăng vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty…

Còn khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, ĐHCĐ sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.

Điều này đã xảy ra tại ĐHCĐ của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Viscostone), khi cổ đông đại diện 36,39% cổ phần, liên minh giữa quỹ đầu tư nước ngoài Red River Holdings và Beira Ltd (Đức) yêu cầu sửa đổi Điều lệ để có một “chân” trong HĐQT, nhưng bị một vài cổ đông lớn khác phủ quyết, đã dùng quyền phủ quyết toàn bộ nội dung HĐQT trình lên và ĐHCĐ thất bại.

Trường hợp của Vicostone đã thu hút sự chú ý của dư luận. Có ý kiến cho rằng, cổ đông nước ngoài có cách hành xử phản cảm khi phủ quyết mọi nội dung của ĐHCĐ bất kể tính hợp lý, đúng đắn của nội dung đó. Tuy nhiên, ở góc độ luật pháp, một số luật sư cho rằng, pháp luật trao cho họ các quyền và họ được sử dụng các quyền hợp pháp đó một cách triệt để.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi sở hữu tới 36% cổ phần, tức là sở hữu 1/3 công ty, cổ đông đã bỏ ra một khoản vốn không nhỏ. Việc phủ quyết có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty và do đó, cổ đông 36% sẽ bị thiệt hại nên trong tình huống chẳng đặng đừng, cổ đông sở hữu 36% cổ phần mới sử dụng quyền phủ quyết.

Cũng là cổ đông sở hữu 36% cổ phần trong một công ty, song Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) lại có vị thế khác hẳn 2 cổ đông nước ngoài nói trên. Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại V-Itasco xuống còn 36%, Vinacomin đã thành công trong việc nắm quyền lãnh đạo, điều hành ở công ty này thông qua việc sửa đổi điều lệ công ty.

Với điều lệ mới, Vinacomin có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số thành viên HĐQT; Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là một trong số thành viên đại diện phần vốn của Vinacomin. Với các ràng buộc đó, V-Itasco đã đặt ra một bài toán khó cho các đối thủ có ý định thâu tóm công ty này.

Tuy nhiên, nếu tạo ra quá nhiều rào cản, công ty mẹ sẽ phải đối mặt với rủi ro bồi thường thiệt hại khi can thiệp vào hoạt động công ty con, gây ra thiệt hại và người quản lý của công ty mẹ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Đây là nội dung đã được thể hiện trong Điều 147, Luật DN về quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con.

Trên thực tế, chưa có trường hợp nào công ty mẹ bị kiện, đòi bồi thường cho công ty con do xã hội chưa ý thức được quyền hạn này.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu một DN cứ tranh chấp mãi ở tỷ lệ “chết” này và không thể thương lượng, thống nhất các thỏa thuận dẫn đến ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của DN thì Nhà nước có thể can thiệp.

Bởi lẽ, hoạt động của DN không chỉ mang lại lợi ích cho NĐT, mà còn là lợi ích của người lao động, xã hội thông qua nghĩa vụ thuế, tạo việc làm, tạo của cải.

Việc tranh chấp của các cổ đông có thể sẽ gây bất ổn cho DN, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của DN, gây thiệt hại cho người lao động và tổn thất cho xã hội.

Ông Hiếu cho biết, ở một số nước, nếu DN không thể giải quyết các tranh chấp nội bộ trong thời gian nhất định, có thể là từ 6 tháng đến 1 năm, Nhà nước sẽ giải thể DN đó để dành cơ hội kinh doanh cho DN khác. “Trong chương trình sửa đổi, bổ sung Luật DN sắp tới, những vấn đề này sẽ được đưa ra nghiên cứu, xem xét”, ông Hiếu nói.

Dẫu vậy, việc giải quyết xung đột trong nội bộ công ty còn tùy thuộc vào thiện chí của các bên. Nếu các bên không tích cực hướng tới mục tiêu chung, mà tận dụng các quy định của pháp luật để ngáng chân nhau, thì rất khó để Nhà nước hay bên thứ ba có thể giải quyết.

Ông Hiếu cũng nhận xét, các DN Việt Nam vẫn chưa áp dụng tốt các quy định trong Luật DN trong trường hợp giải quyết tranh chấp nội bộ cổ đông.

Điều 78, Luật DN quy định, bên cạnh cổ phần phổ thông, công ty có thể phát hành các loại cổ phần ưu đãi (như cổ phần ưu đãi cổ tức, ưu đãi biểu quyết, ưu đãi hoàn lại).

Các loại cổ phần ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại sẽ không có quyền biểu quyết như cổ phần phổ thông. Nếu e ngại thâu tóm, công ty có thể lựa chọn phát hành các loại cổ phần ưu đãi một cách hợp lý để duy trì quyền biểu quyết trong tay một nhóm cổ đông nhất định.

Ở Việt Nam, hầu như các công ty chỉ mới phát hành cổ phần phổ thông. Nếu muốn duy trì quyền điều hành, các công ty có thể phát hành nhiều loại cổ phần để tránh cuộc chiến mà chắc chắn tất cả các bên trong doanh nghiệp đều phải chịu tổn thất.