Quỹ ngoại tăng giải ngân vào cuối năm 2017

Quỹ ngoại tăng giải ngân vào cuối năm 2017

(ĐTCK) Với tâm lý nghỉ lễ và các quỹ chốt giá trị tài sản ròng (NAV), nhiều dự đoán từng cho rằng, giao dịch của khối ngoại sẽ khá trầm lắng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra hoàn toàn trái ngược, khối ngoại đang tích cực mua ròng, lực mua tập trung ở những cổ phiếu vốn hóa lớn, thuộc những doanh nghiệp đầu ngành.

Những mã được săn mua cuối năm

Nửa đầu tháng 12, khối ngoại bán ròng mạnh, trong đó có giao dịch mang tính chu kỳ của hoạt động tái cơ cấu danh mục từ quỹ ETFs.

Sang tuần thứ 3, giao dịch của khối ngoại trở thành điểm nhấn với khối lượng mua ròng 38,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng hơn 1.110 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trên sàn HOSE với giá trị mua ròng hơn 1.067 tỷ đồng, đứng đầu danh sách mua ròng gần 524 tỷ đồng HPG và các mã khác như VRE, VNM, VCI… Riêng với SAB, mã này đang trong chiều hướng bị bán ròng sau phiên bán đấu giá mang về cho Nhà nước gần 5 tỷ USD của Bộ Công thương mới đây.

Trên sàn HNX, giá trị mua ròng của khối ngoại trong tuần thứ 3 của tháng 12 tăng 51% so với tuần trước đó. Hoạt động mạnh mẽ của dòng tiền ngoại như làn gió tươi mát cho thị trường trong bối cảnh vùng trũng thông tin và giao dịch hơi “buồn ngủ” những ngày cuối năm.

Sang tuần cuối cùng của năm 2017, phiên đầu tuần, khối ngoại bán ròng, tập trung xả hàng NVL với hơn 124 tỷ đồng qua phương thức thỏa thuận. Các cổ phiếu như HPG, PLX, SSI, VCB, VIC tiếp tục được mua ròng.

Sang phiên 26/12, khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại trên HOSE, lượng mua ròng đạt 176,76 tỷ đồng; trong đó, MSN, VIC, VRE, VNM, HPG… là các mã nằm trong danh sách hút vốn ngoại.

Kết quả giao dịch ở trên đến từ các quỹ ngoại đang thực hiện việc “gom mạnh” chủ yếu các cổ phiếu đầu ngành, đều đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về thị giá và đương nhiên đi kèm đó là kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch sau 9 tháng.

Trong khoảng thời gian từ 9 - 22/12, CII và NBB là hai mã cổ phiếu được mua ròng mạnh. PYN Elite Fund (Non-Ucits) mua vào hơn 620.000 cổ phiếu CII, nâng tỷ lệ sở hữu lên 10,17% (25 triệu cổ phiếu) sau giao dịch.

Tương tự, KB Vietnam Focus Balanced Fund gom 600.000 cổ phiếu CII. Nhóm quỹ Dragon Capital đã gom thêm 1,66 triệu cổ phiếu NBB và 1 triệu cổ phiếu CII. Sau khi mua thành công, Dragon Capital tiếp tục đăng ký mua thêm 600.000 cổ phiếu CII trong vòng 1 tháng, từ 14/12/2017 đến 12/1/2018. Tháng 11, Dragon Capital cũng mua gần 1,5 triệu cổ phiếu CII, đồng thời gom hàng loạt các cổ phiếu “hot” trên thị trường như MWG, VCI, VHC, FPT, VGC, MBB…

Ngoài ra, nhóm quỹ do Dragon Capital đang quản lý cũng liên tục nhận chuyển nhượng khoảng hơn nửa triệu cổ phiếu CTD từ ACBS từ đầu tháng 12, tổng giá trị chuyển nhượng vào khoảng 114,6 tỷ đồng. Trong năm 2017, nhóm quỹ này cũng tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước thực hiện IPO hoặc thoái vốn như VGC, IDICO, DIG…

Tăng giải ngân, quỹ ngoại ”ủ” hàng cho năm kinh doanh mới

Tính đến 20/12/2017, Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) - Quỹ đầu tư lớn nhất thuộc quản lý của Dragon Capital ghi nhận tổng giá trị tài sản ròng (NAV) là 1,514 tỷ USD, tăng 55,8% so với thời điểm cuối năm 2016. Giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ đạt 6,82 USD, tăng 53,6%.

Phần lớn tài sản của VEIL đầu tư vào các cổ phiếu bluechips, các mã trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, tương ứng 54,38% tổng giá trị danh mục bao gồm MWG, VNM, ACB, MBB, KDH, FPT, GAS, ACV, HPG, VJC.

Một cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng cũng được sang tay mạnh là VPB (của VPBank). Vào ngày 20/12, Truck Capital Master Fund Ltd đã sang tay 2,5 triệu cổ phiếu VPB cho Arjuna Fund Pte.Ltd. và Ashoka Pte.Ltd, giá trị chuyển nhượng ước tính trên 100 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 12 trở lại đây, hai quỹ này có 3 đợt nhận chuyển nhượng, tổng cộng khoảng 6,7 triệu cổ phiếu VPB. Trước đó, vào cuối quý III/2017, VPB đã được khối sang tay hàng chục triệu cổ phiếu. Hiện room ngoại của VPB được khóa ở mức 22,4% vốn điều lệ.

Nhóm cổ phiếu dược phẩm, IMP cũng được gom mua mạnh hơn 620.000 cổ phiếu bởi Vietnam Ventures Ltd thuộc VinaCapital giá trị giao dịch đạt hơn 44,2 tỷ đồng. Đây là số cổ phiếu mà nhóm quỹ đầu tư thuộc Templeton Frontier Markets Fund bán ra.

Tại SMC, cổ đông lớn là quỹ ngoại Hàn Quốc Korea Investment Management Co., Ltd, thông qua đơn vị thành viên là KITMC Vietnam Growth Fund thực hiện đã liên tục mua vào SMC, chẳng hạn ngày 4/12 mua 500.000 cổ phiếu SMC, 13/12 mua thêm 350.000; 20/12 mua thêm 250.000 cổ phiếu SMC.

Đáng chú ý, Quỹ đầu tư PENM Partners sẽ mua trên thị trường thứ cấp khoảng 2% số cổ phiếu MSN đã phát hành và đang niêm yết. Theo thông báo, PENM III Germany GmbH & Co. KG thuộc Quỹ PENM Partners đăng ký mua 22,56 triệu cổ phiếu MSN từ 26/12/2017 đến 23/1/2018.

Với giá đóng cửa phiên 27/12 của MSN là 75.000 đồng/cổ phiếu, ước tính PENM Partners có khả năng phải bỏ ra cho thương vụ này lên tới 1.692 tỷ đồng. Ngoài ra, PENM cũng sẽ đầu tư 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan Nutri-Science (MNS) từ Masan Group, với mức định giá MNS là 2 tỷ USD.

Đồng thời, PENM sẽ bán lại số lượng cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết tại Masan Resources cho Masan Horizon, với trị giá 22,9 triệu USD, tương đương giá trị đầu tư ban đầu của PENM. Masan Horizon là một công ty con trực thuộc Masan Group.

Gom hàng cuối năm 2017, tâm lý chung của các quỹ là chờ đợi cơ hội  thị trường trong giai đoạn tới sẽ còn khả quan để hiện thực hóa lợi nhuận.

Tính chung cả năm 2017 cho thấy, đây là năm chứng kiến hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, với việc mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng).

Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh thị trường Việt Nam có sự tăng trưởng khả quan về quy mô vốn hóa và giá trị giao dịch. VN-Index cuối năm 2017 ở quanh mốc 970 điểm, tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016, chính thức lấy lại toàn bộ điểm số đã mất kể từ cuối năm 2007.

Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360.000 tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016.                        

Tin bài liên quan