Bà Nguyễn Thái Thuận

Bà Nguyễn Thái Thuận

Quỹ mở sẽ nở rộ nhờ kênh ngân hàng

(ĐTCK) Dẫn số liệu có tới 50 - 60% dòng vốn vào quỹ mở được huy động qua ngân hàng tại nhiều nước, bà Nguyễn Thái Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Vinawealth khẳng định, tiềm năng của kênh phát hành chứng chỉ quỹ qua các nhà băng, công ty bảo hiểm tại Việt Nam là rất lớn. Thực tế triển khai kênh phát hành này của Vinawealth bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai mô hình phát hành chứng chỉ quỹ mở thông qua kênh ngân hàng, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình này khi Vinawealth triển khai tại Việt Nam?

Việc hợp tác giữa các công ty tài chính đang là xu thế phổ biến trên thế giới, mà Việt Nam không là ngoại lệ. Điều này xuất phát từ việc các công ty quản lý quỹ dù mạnh đến mấy cũng không đủ nguồn nhân lực để giới thiệu sản phẩm đến đại chúng. Trong khi đó, các tổ chức tài chính lại có quy mô nhân lực và địa bàn hoạt động rất rộng và họ cũng rất cần sản phẩm tài chính để hướng tới đa dạng hóa sự lựa chọn cho các khách hàng.

Khi ngân hàng, công ty quản lý quỹ hợp tác giới thiệu sản phẩm chứng chỉ quỹ, phía ngân hàng sẽ thu được khoản phí hoa hồng. Khoản này tuy thấp hơn so với hoạt động cho vay, nhưng ngân hàng không phải trích lập dự phòng nợ xấu, mà được ghi nhận ngay vào lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc giới thiệu sản phẩm của các quỹ đầu tư sẽ giúp ngân hàng gia tăng cơ hội giữ chân khách hàng, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức thấp.

Về phía nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ qua ngân hàng, khi có nhu cầu rút vốn thì chỉ mất phí ở mức thấp so với việc rút trước hạn của sổ tiết kiệm. Bên cạnh đó, người Việt Nam thường có tâm lý tin tưởng vào độ an toàn khi gửi vốn qua các ngân hàng, do vậy, việc tiếp cận với khách hàng qua kênh ngân hàng là một hướng đi rất đúng đắn, mang lại lợi ích cho cả ba bên.

Được biết, Vinawealth đã nhen nhóm ý tưởng này từ rất lâu, vì sao phải đợi tới hơn 1 năm trước, Công ty mới chính thức triển khai mô hình này?

Ý tưởng liên kết với ngân hàng để phát hành chứng chỉ quỹ mở đã được Vinawealth nhen nhóm ngay từ khi mới ra đời và Công ty đã có tiếp xúc, làm việc với một số ngân hàng trong 2 năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thị trường tài chính thế giới, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam thời gian qua có những khó khăn nhất định và đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nên nhiều ngân hàng chưa quan tâm đến việc này.

Lúc đó, 2 quỹ của VinaWealth quản lý thời gian hoạt động chưa nhiều, nên sau khi ra mắt thị trường hơn 1 năm, Công ty mới có cơ sở nền tảng vững chắc và quy mô của 2 quỹ cũng lớn hơn so với trước, VinaWealth dễ dàng hơn trong việc thương thảo, liên kết với các đối tác ngân hàng Việt Nam để phát triển sản phẩm quỹ mở.

Hiện tại, sau gần 1 năm triển khai, bước đầu mô hình này đang mang lại kết quả hết sức khả quan và đón nhận đánh giá cao từ phía ngân hàng, cũng như nhà đầu tư. Theo dự đoán, trong thời gian tới, sản phẩm này sẽ phát triển nở rộ và các quỹ mở tăng trưởng, tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn.

Ngoài Vinawealth, một vài công ty quản lý quỹ cũng đã nhắm đến phân khúc khách hàng qua kênh ngân hàng, nhưng mỗi công ty có một chiến lược riêng, nên sẽ có những hướng đi khác nhau. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sắp tới, ngân hàng sẽ là kênh phát triển sản phẩm tài chính chính thống và rộng rãi như tại các nước đã phát triển, trong đó có sản phẩm đầu tư. Hiện ở nhiều nước trong khu vực, thị phần huy động vốn cho quỹ mở qua kênh ngân hàng chiếm 50 - 60%.

Nhưng việc triển khai mô hình này tại Việt Nam lại chưa thực sự hiệu quả, thưa bà?

Sự khác biệt lớn nhất của việc triển khai mô hình này tại Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ nằm ở độ lớn và lịch sử phát triển. Thị trường Việt Nam còn quá nhỏ và sơ khai, trong khi các nước trong khu vực đã phát triển mô hình này hơn 20 năm rồi.

Ở một số quốc gia trong khu vực như Ấn Độ hay Indonesia, mô hình ngân hàng chứng chỉ quỹ chiếm 60 - 80% thị phần quỹ mở và thị trường quỹ mở chiếm từ 2 - 6% GDP. Chưa kể vốn trong quỹ mở tại Việt Nam còn quá bé so với tổng GDP. Từ đó, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là cần dành nhiều thời gian để đối tác hiểu rõ về sản phẩm và đối tượng khách hàng mục tiêu cũng cần nhiều thời gian để làm quen với nó.

Bà đã có nhiều lần chia sẻ về mục tiêu liên kết thêm nhiều ngân hàng để phát triển quỹ mở, thu hút được nhiều người tham gia để đưa sản phẩm quỹ mở đến cho khách hàng cá nhân, giúp họ có thể đa dạng hóa mục tiêu tài chính của mình. Mục tiêu này sẽ được Vinawealth triển khai như thế nào, thưa bà?

Mục tiêu kỳ vọng của VinaWealth là có thêm vài đối tác chính là ngân hàng và đây là những ngân hàng có mục tiêu mở rộng sản phẩm của họ, đặc biệt là sản phẩm có thu phí và có đội ngũ bán lẻ mạnh mẽ, năng động. Hiện VinaWealth đã kết hợp với một số ngân hàng trong cung cấp các sản phẩm quỹ mở và dịch vụ đến khách hàng thông qua mạng lưới hoạt động tại các thành phố lớn, sau đó mở rộng đến các địa phương khác.

Kế hoạch sắp tới của chúng tôi là tiếp tục phát triển thật tốt mối quan hệ đối với đối tác hiện tại, nhằm tạo tín hiệu tốt trên thị trường về sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty quản lý quỹ, cũng như dành thời gian để phổ biến rộng rãi hơn cho nhà đầu tư trong nước về hình thức đầu tư còn khá mới mẻ này.

Tin bài liên quan