6 tháng đầu năm, hiệu quả đầu tư của các quỹ nội khởi sắc cùng đà tăng của chỉ số chứng khoán

6 tháng đầu năm, hiệu quả đầu tư của các quỹ nội khởi sắc cùng đà tăng của chỉ số chứng khoán

Quỹ mở khởi sắc cùng thị trường

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khả quan, VN-Index tăng 9,19%, VN30- Index tăng 4,4%, HNX-Index tăng 6%. Điều này góp phần không nhỏ giúp nâng cao hiệu quả đầu tư của các quỹ mở nội địa và mang đến những dấu hiệu khởi sắc cho ngành quản lý quỹ nói chung.

Nhiều quỹ tăng trưởng trên 12% trong 6 tháng

Hiện tại, các công ty quản lý quỹ trong nước đang quản lý 18 quỹ mở, trong đó có 5 quỹ đầu tư trái phiếu, 4 quỹ cân bằng và 9 quỹ đầu tư cổ phiếu. Tổng quy mô của các quỹ mở đạt hơn 2.400 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động đầu tư của các quỹ cổ phiếu, quỹ cân bằng ghi nhận kết quả khá tích cực. Ngoại trừ Quỹ VFMVFA có tăng trưởng giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) âm, các quỹ như VCBF - BCF và VCBF -TBF của Vietcombank, Quỹ VF1 và VF4 của VFM, Quỹ SSI - SCA của SSIAM đều có tăng trưởng NAV/CCQ trên 12%, cao hơn với mức tăng của các chỉ số chứng khoán.

Các quỹ lựa chọn chiến lược đầu tư mô phỏng theo chỉ số như BVFED, hay hai quỹ ETF VFMVN30 và SSIAMHNX30 cũng ghi nhận kết quả hoạt động khả quan. Cụ thể, NAV/CCQ của BVFED tăng 5,9%, của VFMVN30 tăng 4,5%, đều cao hơn mức tăng 4,4% của chỉ số VN30.

Đối với các quỹ mở trái phiếu, xu hướng lãi suất thấp kéo dài từ năm 2015 cho đến nay và ít biến động, mặt bằng lãi suất VND đang ở mức gần như thấp nhất trong 3 năm trở lại đây đã ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả đầu tư của các quỹ. Trong 6 tháng đầu năm, quỹ tăng trưởng cao nhất là VFF với mức tăng 4,84% và thấp nhất là MBBF với mức tăng 1,65%. Riêng Quỹ BVBF của Baoviet Fund chính thức đi vào hoạt động được hơn 1 tháng, nhưng đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ khá cao là 3,02%.

Huy động vốn mới tích cực hơn

Với hiệu quả đầu tư được đánh giá là tốt so với mức trung bình thị trường, hoạt động huy động vốn mới của các quỹ mở có nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước đó, dù phần lớn nguồn vốn được huy động từ các tổ chức là đối tác của các công ty quản lý quỹ. Có thể kể đến Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), hay các quỹ của Vietcombank. Các quỹ đều có mức tăng trưởng số lượng chứng chỉ quỹ phát hành trong 6 tháng đầu năm 2015 hơn 20%.

Ngoài hiệu quả đầu tư của các quỹ, kết quả này còn đến từ sự hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam và nhà đầu tư kỳ vọng nhiều sản phẩm tài chính mới sẽ sớm được phép triển khai. Thực tiễn các thị trường tài chính thế giới cho thấy, đa phần những nhà đầu tư dẫn dắt thị trường là các nhà đầu tư tổ chức. Do vậy, sự hoàn thiện của thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ đem đến dư địa phát triển cho các quỹ mở nội địa.

Quỹ mở khởi sắc cùng thị trường ảnh 2

Một số chuyên gia trong ngành quản lý quỹ cho biết, việc huy động vốn của các quỹ mở có khởi sắc, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian gần đây, với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng và họ đang có xu hướng tìm tới các sản phẩm đầu tư tài chính, thay vì tập trung vào gửi tiết kiệm ngân hàng.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng hàng ngày từ 10 - 100 USD/người. Hiện tại, Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu, nhưng số người biết đến các sản phẩm đầu tư qua quỹ còn rất nhỏ.

Thực tế, hệ thống kênh phân phối chứng chỉ quỹ chưa phát triển rộng rãi, chủ yếu thông qua các công ty chứng khoán, mà khách hàng của các công ty chứng khoán đa phần là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưa thích rủi ro và muốn tự mình đầu tư hơn là gửi gắm khoản tiền đầu tư vào các công ty quản lý quỹ. Kinh nghiệm phát triển ngành quản lý quỹ ở một số nước châu Á cho thấy, kênh phân phối được phát triển mạnh nhờ liên kết với các ngân hàng thương mại lớn.

Chẳng hạn, tại Thái Lan, hơn 80% tổng giá trị các quỹ đầu tư được phân phối qua hệ thống ngân hàng. Tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng thương mại đang là những tổ chức tham gia lớn nhất trên thị trường tài chính, với hệ thống kênh phân phối rộng lớn. Vì vậy, việc phối hợp với hệ thống ngân hàng để có thể sử dụng được hệ thống kênh phân phối rộng lớn này sẽ là một lợi thế không nhỏ cho các quỹ đầu tư.

Quỹ mở khởi sắc cùng thị trường ảnh 3

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng hiện tại vẫn khá cao và đầu tư bằng tiền gửi ở ngân hàng là hình thức đầu tư an toàn. Vì vậy, các quỹ mở muốn chào bán sản phẩm quỹ trái phiếu gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, khi mức lợi suất thực tế cao hơn không nhiều, thậm chí chỉ bằng lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các chính sách thuế khuyến khích và hỗ trợ nhà đầu tư khi tham gia thị trường quỹ mở. Cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều phải chịu thuế trên phần lợi tức mà họ nhận được.

Ưu đãi thuế, thúc dòng tiền tìm đến quỹ đầu tư

Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của Chính phủ, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm thông qua các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Mặt khác, áp lực hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP là một động lực cho cơ quan quản lý nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Đáng chú ý, những thuận lợi khách quan đến từ giá dầu thô ở mức thấp trong năm 2016 giúp ổn định lạm phát ở mức thấp và tạo ra dư địa nhất định cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ, góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Đình Duy, Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt cho biết, dòng tiền mua vào của khối ngoại hiện khá ổn định và tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi kỳ vọng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đem lại một cú hích cho nền kinh tế Việt Nam. Kỳ vọng lớn nhất từ TPP là Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của TPP, qua đó tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán và đưa thị trường tiến gần hơn những tiêu chuẩn hoạt động chung của các thị trường phát triển. Nhờ đó, thị trường sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục tìm đến Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Dự báo, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm tiếp tục có những diễn biến khả quan”, ông Duy nói và đề xuất, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu triển khai ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư khi đầu tư vào các quỹ được thành lập theo pháp luật Việt Nam, qua đó góp phần thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các định chế tài chính chuyên nghiệp.

Theo ông Duy, ưu đãi thuế là động lực chính để các cá nhân nghĩ đến việc tiết kiệm cho kế hoạch dài hạn, vì họ cảm thấy đồng tiền đầu tư của mình thực sự sinh lợi. Việc ưu đãi thuế để hỗ trợ cho ngành quản lý quỹ cũng sẽ góp phần làm minh bạch hóa thị trường, giúp cho nhà đầu tư tìm đến những địa chỉ tin cậy, thay vì sử dụng một số dịch vụ ủy thác cá nhân hoạt động “ngầm”.

Tin bài liên quan