Nguyên nhân của đà giảm mạnh
Tốc độ tăng trưởng 19% trong quý I/2018 đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới, nhưng chỉ 3 tháng sau, mức giảm 18,2% khiến tình hình đảo ngược. Cụ thể, ngay khi đạt đỉnh 1.211,34 điểm ngày 10/4, thị trường chứng khoán bất ngờ quay đầu lao dốc với những phiên giảm rất mạnh, cá biệt có phiên toàn thị trường giảm gần 5%.
Trước diễn biến này, nhà đầu tư không kịp trở tay và mắc kẹt, hầu hết thua lỗ nặng, ngay cả các quỹ lớn cũng chịu chung số phận với mức giảm của danh mục không hề nhỏ. Vậy yếu tố nào đã tác động tới thị trường chứng khoán, dẫn đến nhịp điều chỉnh mạnh đến thế?
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó giám đốc Đầu tư Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội
Ban đầu, thị trường phản ứng với cảnh báo mà một số nhà đầu tư lớn đang quản lý quỹ đầu tư đưa ra rằng, thị trường đã trở nên đắt đỏ. Theo đó, hệ số P/E của thị trường vào khoảng 22 lần, nhiều cổ phiếu với mức P/E vài chục lần, cá biệt lên đến hơn 100 lần là mức giá quá đắt cho thấy rủi ro đã xuất hiện. Nhưng sau đó, những nhịp giảm mạnh tiếp tục đẩy VN-Index rớt xuống đáy 916 điểm (-24,36%) vào cuối tháng 5. Theo tôi, diễn biến này xuất phát từ 2 yếu tố chính.
Đầu tiên là hoạt động bán ròng quyết liệt của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những quỹ đầu tư dạng ETF và P.Notes. Dường như các quỹ này nhận thấy mức định giá quá cao của thị trường nên quyết định bán ra đúng thời điểm. Nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng và đều nhắm đến những cổ phiếu lớn, cổ phiếu thuộc VN30, gây tác động mạnh tới chỉ số. Tính chung, khối ngoại đã bán ròng khoảng 6.000 tỷ đồng trong thời gian qua, nếu lược bỏ cổ phiếu VHM (Vinhomes) và TCB (Techcombank).
Chưa kể, quỹ ETF nội, vốn có nhiều ảnh hưởng tới thị trường bởi chỉ mua bán những cổ phiếu nhóm VN30, cũng bị rút ròng khoảng 1.000 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ giảm mạnh hơn 54 triệu đơn vị. Ngoài ra, 2 thương vụ lớn là cổ phiếu VHM và TCB là tác nhân khiến nhiều quỹ nước ngoài buộc phải bán danh mục cũ để có tiền tham gia.
Sau đó là hệ lụy của margin khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính này rất lớn trong quý I. Theo báo cáo không chính thức thì tổng margin đã lên hơn 50.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đó. Nhiều công ty chứng khoán cạn kiệt dòng tiền, kể cả dòng tiền từ bên thứ ba là ngân hàng và công ty tài chính. Chính vì vậy, việc thị trường liên tiếp điều chỉnh mạnh đã tạo ra hiệu ứng giải chấp.
Tâm lý lo lắng
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, đặc biệt trong tháng 6, thị trường không còn chịu tác động của 2 yếu tố kể trên. Do đó, việc thị trường vẫn chưa có tín hiệu tích cực xuất phát từ tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước hàng loạt thông tin vào thời điểm này.
Thứ nhất, cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào không chỉ với Trung Quốc mà ngay cả với các đồng minh nhóm G7. Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% với sản phẩm sắt thép, 10% với nhôm, chính sách áp thuế đối với các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với giá trị lên tới 50 tỷ USD khiến các quốc gia bị ảnh hưởng bắt đầu có hành động trả đũa.
Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất và để mở khả năng thực hiện thêm nhiều lần hơn nữa trong năm 2018 đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 3%. Dòng tiền đầu tư toàn cầu ngay lập tức dịch chuyển mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi về thị trường phát triển. Không ít nhà đầu tư sẵn sàng từ bỏ tài sản rủi ro (risk off), quay về với những tài sản có tính an toàn hơn.
Thứ hai, lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế. Theo các số liệu vừa công bố, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 7,08%, trong khi quý I là 7,38%. Điều này cho thấy sự giảm tốc trong quý II. Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI, trong khi bối cảnh chiến tranh thương mại có thể bùng nổ sẽ tác động xấu tới khu vực này.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh và đang là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh. Có những nghi ngại về khả năng giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% bởi CPI 6 tháng năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mục tiêu lạm phát bị thách thức có thể khiến lãi suất huy động tăng lên, tác động đến nhiều mặt, trong đó có thị trường chứng khoán.
Thứ ba, tỷ giá USD và VND chịu áp lực. Nhà đầu tư đang chứng kiến mối tương quan chặt chẽ giữa tỷ giá với thị trường chứng khoán tại một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Trung Quốc... Cụ thể, đồng tiền của những quốc gia này chịu áp lực rất lớn và mất giá từ 3-10% khiến thị trường chứng khoán nội địa điều chỉnh mạnh từ 10 - 20%. Tại Việt Nam, tỷ giá cũng có dấu hiệu nóng, có thời điểm tỷ giá đã vượt mốc 23.000 đồng/USD khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Trong tháng 4, cơ quan này đã phải điều chỉnh giá tham chiếu xuống một lần giúp hạ nhiệt.
Thứ tư, nhà đầu tư hoang mang trước “ma trận” thông tin trên các phương tiện truyền thông. Thực tế, không ít tin tức về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự sụp đổ của một số thị trường mới nổi… được đăng tải mà thiếu sự phân tích rõ ràng. Điều này tác động tới tâm lý vốn đang nhiều hoài nghi của nhà đầu tư.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa thị trường cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh. Không ít ý kiến cho rằng, đây là tác nhân rất lớn khiến thị trường giảm mạnh, cũng như biến động với biên độ lớn thời gian qua. Thực tế, có nhiều nhà đầu tư từng nghi ngờ rằng, có những tay chơi lớn đã “đạp” thị trường cơ sở nhằm kiếm lợi trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên đây thực chất chỉ là hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrate) của những nhà đầu tư tận dụng cơ hội chênh lệch giá giữa hai thị trường.
Khi tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái xấu nhất, lực cầu yếu rất dễ tạo ra sự suy giảm của chỉ số. Những nhà đầu tư gạo cội đã tìm ra cơ hội trên thị trường phái sinh theo xu hướng giảm (downtred), liên tiếp bán ra nhóm VN30 để có lợi thế. Chính điều này đã khiến thị trường ngày càng giảm dù định giá đã hấp dẫn.
Cơ hội mở ra
Thị trường đã giảm mạnh đến 20% so với mức đỉnh, nhưng hầu hết các thành viên thị trường không nhìn nhận thời điểm hiện tại như một cơ hội, thay vào đó chỉ mong sự hồi phục để thoát ra. Từ sự tự tin với kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm đến lo sợ đổ vỡ chỉ trong 3 tháng, có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến thị trường nội địa không nằm trong danh sách xét nâng hạng của MCSI trong tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, lịch sử đã không ít lần ghi nhận, cơ hội luôn mở ra khi nhà đầu tư cảm thấy bi quan nhất. Điều này hoàn toàn có thể nếu nhìn theo hướng tích cực hơn.
Về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,08% là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010 đến nay và chắc chắn nằm trong Top những quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mặc dù dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những quý tới, nhưng nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... vẫn nhận định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 6,8% đề ra. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục định hình trong mắt giới đầu tư quốc tế như là địa chỉ đầu tư đáng tin cậy.
Trong khi đó, khối ngoại đã giao dịch cân bằng trở lại trong tháng 6, dù áp lực rút vốn vẫn còn nhưng không quá lớn như trước. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 6, vốn ngoại vào ròng đạt 34 triệu USD. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 6, con số này đạt 2,28 tỷ USD.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư lo sợ sự đổ vỡ nhưng cần hiểu rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh đến 22% so với mức đỉnh. Theo đó, P/E đang ở mức 17,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 22 lần trước đây. Nếu loại bỏ thêm một vài cổ phiếu riêng biệt có P/E cao bất thường như VIC, VHM, MSN..., thì hệ số P/E chỉ khoảng 15,5 lần. Nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh đến một nửa giá trị so với đỉnh và hệ số P/E chỉ còn 4 - 8 lần.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã rơi gần về đáy cũ, đồng thời thanh khoản thị trường giảm sút mạnh. Một mặt, diễn biến này phản ánh bên mua đang lo lắng, không dám mua vào, nhưng mặt khác cũng cho thấy, bên bán không quyết liệt bán ra. Chưa kể, điều này cũng thể hiện áp lực về đòn bẩy tài chính không quá lớn và thị trường giảm điểm mạnh vẫn chủ yếu bởi nhóm vốn hóa lớn. Trong lịch sử, đã rất nhiều lần thị trường tăng mạnh trở lại sau một thời gian thanh khoản giảm sút như vậy.
Sắp tới, mùa báo cáo bán niên quan trọng sẽ diễn ra và đang được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho thị trường. Có một thực tế là nhiều nhà đầu tư dường như chỉ quan tâm tới biến động ngắn hạn mà bỏ qua các thông tin này, trong khi điều kiện tiên quyết với giá cổ phiếu chính là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tựu chung, nhìn về dài hạn và tiềm năng của doanh nghiệp, đây là thời điểm nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu. Những biến động có thể diễn ra nhưng một khi giá đủ hấp dẫn, dòng tiền sẽ quay lại, bởi chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt nhất lúc này.
Dù có cái nhìn bớt tích cực hơn về thị trường so với đầu năm, nhưng nhiều khả năng, dòng tiền sẽ quay lại và thị trường có thể sẽ tiếp cận mốc 1.100 điểm trong quý III/2018. Bên cạnh đó, CLSA dự báo, thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại kể từ cuối tháng 7.