TTCK Việt Nam chưa đủ lớn để có nhiều CTCK, vì thế hoạt động của khối CTCK nhìn chung còn nhiều khó khăn

TTCK Việt Nam chưa đủ lớn để có nhiều CTCK, vì thế hoạt động của khối CTCK nhìn chung còn nhiều khó khăn

Quý I/2016, hai mảng màu lợi nhuận công ty chứng khoán

(ĐTCK) Các CTCK đang chuẩn bị công bố báo cáo tài chính quý I/2016. Theo khảo sát của ĐTCK, cũng như mọi năm, lợi nhuận của khối CTCK chịu tác động rất lớn bởi yếu tố thị trường và thứ hạng trong các mảng nghiệp vụ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý I/2016 của Công ty ước đạt trên 20 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do diễn biến của TTCK trong quý I/2016 khá ổn định, nguồn thu của VCBS trải đều trên cả 4 nghiệp vụ, trong đó môi giới và tự doanh có phần nổi trội.

Nhận định chung về TTCK trong năm 2016, VCBS dự báo là một năm có nhiều biến động, nhưng thị trường có thể chờ đợi các chu kỳ tăng vào thời điểm ghi nhận kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, cộng hưởng với các yếu tố thông tin tích cực về chính sách. Nếu  xét đến yếu tố  dòng tiền, cả  dòng vốn nội  lẫn vốn  ngoại đổ vào thị trường đều có xu hướng thận trọng trong năm 2016 và bị  phân tán vào các kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản và ngoại tệ. Cũng theo VCBS, hiệu quả hoạt động của khối CTCK cũng sẽ ít nhiều bị tác động bởi diễn biến chung của thị trường. 

Dù chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng theo dại diện CTCK TP. HCM, lợi nhuận quý I/2016 của HSC là một con số khả quan và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015 (quý I/2015, HSC lãi 46,6 tỷ đồng). Cùng với SSI, HSC luôn duy trì được lợi nhuận ở Top đầu của khối CTCK.

Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương - VietinbankSc (CTS) chia sẻ, lợi nhuận trước thuế quý I/2016 của VietinbankSc ước đạt 23 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu của Công ty là hoạt động tự doanh, môi giới và một phần nguồn thu đến từ các dịch vụ tài chính.

Tại CTCK ACBS, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty cho biết, quý I/2016, khoản lợi nhuận trước thuế ước đạt 33 tỷ đồng.

Tại CTCK BSC, ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cho hay, lợi nhuận quý I/2016 của BSC ước đạt 15 - 17 tỷ đồng.

Cũng với góc nhìn khá thận trọng, lãnh đạo BSC cho rằng, trong năm 2016, TTCK sẽ chịu tác động bởi  yếu tố không thuận lợi từ TTCK thế giới, cộng thêm các yếu tố rủi ro về tỷ giá, lãi suất và dòng tiền đầu tư chứng khoán không có dấu hiệu tăng trưởng. Do đó, trong tờ trình tại ĐHCĐ tới đây, BSC chỉ đề ra kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận năm 2016 thấp hơn khá nhiều so với năm 2015.

Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu là 330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 75 tỷ đồng, thị phần môi giới đạt 3,9%, chi trả cổ tức ở mức 5%. Trong năm 2106, BSC sẽ tập trung phát triển mảng dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, M&A. Cũng tại ĐHCĐ sắp tới, BSC sẽ trình cổ đông 2 phương án để tăng vốn điều lệ trong năm 2016 lên 1.000 - 1.500 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2016, với tổng doanh thu hoạt động đạt 38,4 tỷ đồng; lãi trước thuế gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lỗ 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế tính đến cuối quý I/2016 của KLS là 62,3 tỷ đồng. Đối với KLS, điều khiến cổ đông và nhà đầu tư bất ngờ hơn cả là việc HĐQT Công ty đưa ra phương án giải thể và thực hiện chia tiền cho cổ đông.

Chia sẻ với báo ĐTCK về quyết định này, ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch KLS cho biết, TTCK Việt Nam chưa đủ lớn để có nhiều CTCK, vì thế hoạt động của khối CTCK nhìn chung còn nhiều khó khăn. Với KLS, hiệu quả hoạt động 3 năm qua cho thấy, trong hai năm 2013 - 2014, Công ty trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng không trả được cổ tức năm 2015 vì năm 2015 Công ty lỗ. Tuy nhiên, do Công ty vẫn giữ được tiền và hiện nay, tài sản chủ yếu của KLS là tiền mặt và cổ phiếu (khoảng 2.000 tỷ đồng), nên Công ty sẽ chia tiền cho cổ đông khi ĐHCĐ thông qua phương án này.

Với mức lợi nhuận sau thuế năm 2015 là  âm 186,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 156,19 tỷ đồng, cổ phiếu của CTCK Ngân hàng Nông nghiệp - Agriseco (AGR) vừa bị Sở GDCK TP. HCM (HOSE) quyết định đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/4/2016. Theo tìm hiểu của ĐTCK, dự kiến trong quý I/2016, lợi nhuận của AGR tiếp tục là một con số âm và nguyên nhân thua lỗ vẫn chủ yếu đến từ các khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn.   

Tin bài liên quan