Margin là một trong những nghiệp vụ cốt lõi, giúp công ty chứng khoán phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và gia tăng lợi ích cho các bên

Margin là một trong những nghiệp vụ cốt lõi, giúp công ty chứng khoán phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng và gia tăng lợi ích cho các bên

Quy chế margin không như kỳ vọng, Ủy ban Chứng khoán nói gì?

(ĐTCK) Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ mới có hiệu lực từ ngày 25/1/2017 đã không có những điểm nới như kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Việc giữ nguyên nhiều quy định cũ, mà theo nhiều công ty chứng khoán là không còn phù hợp với thực tiễn, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, để đảm bảo an toàn cho  nhà đầu tư và cả hệ thống.

Không giảm từ 6 tháng xuống 3

Một trong những quy định tại quy chế cho vay margin mới không như kiến nghị của các công ty chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán, đó là giữ nguyên tiêu chí thời gian tối thiểu sau khi lên sàn để một cổ phiếu được cấp margin.

"Việc giảm thời gian sau khi cổ phiếu lên niêm yết từ 6 tháng xuống 3 tháng có thể làm gia tăng rủi ro hệ thống của thị trường".

- Đại diện UBCK.

Trước đó, khi dự thảo Quy chế cho vay ký quỹ được UBCK đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã đề xuất việc sửa quy định niêm yết tối thiểu 6 tháng được cấp margin xuống còn 3 tháng.

Bởi theo nhìn nhận của các công ty chứng khoán, khoảng thời gian 3 - 5 tháng không nói lên gì nhiều, nhất là trên khía cạnh cần có thời gian để doanh nghiệp bộc lộ những điểm tốt, xấu, từ đó giúp nhà đầu tư, công ty chứng khoán giảm thiểu rủi ro trong cung cấp và sử dụng dịch vụ margin.

Có những doanh nghiệp sau cả năm lên sàn mới lộ những chiêu trò về “lái giá”, về công bố thông tin không minh bạch. Điều quan trọng nhất là hoạt động giám sát của UBCK phải đủ sức phát hiện các chiêu trò của doanh nghiệp, của đội lái, chứ không nên quy định thời gian xem xét doanh nghiệp niêm yết tối thiểu 3 tháng hay 6 tháng mới được cấp margin.

Lý do không nới điều kiện về thời gian tối thiểu với cổ phiếu được cho vay margin, theo giải thích của một lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK là: 3 tháng là thời gian quá ngắn để các nhà đầu tư theo dõi, đánh giá về các hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, về việc tuân thủ các quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán và tính thanh khoản của cổ phiếu được giao dịch.

Các quỹ đầu tư thường cũng cần ít nhất 6 tháng theo dõi hoạt động của doanh nghiệp, trước khi đưa ra đánh giá để quyết định có đầu tư vào doanh nghiệp hay không.

“Việc giảm thời gian sau khi cổ phiếu lên niêm yết từ 6 tháng xuống 3 tháng có thể làm gia tăng rủi ro hệ thống của thị trường. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, UBCK chưa thể nới lỏng điều kiện về thời gian sau khi cổ phiếu lên niêm yết được phép giao dịch margin”, đại diện UBCK cho biết.

Chưa thể nới tỷ lệ margin quá 50%

Một quy định trong quy chế margin cũ, dù có nhiều công ty chứng khoán phản ánh là “không còn phù hợp” cũng tiếp tục được giữ lại trong quy chế margin mới là tỷ lệ cho vay margin 50% - 50% (nhà đầu tư có 1 tỷ đồng trong tài khoản, thì được vay margin 1 tỷ đồng từ công ty chứng khoán).

"Chưa thể nới tỷ lệ cho vay ký quỹ ban đầu cao hơn 50%, bởi sẽ gia tăng rủi ro cho an toàn hệ thống của thị trường, cũng như công ty chứng khoán và nhà đầu tư…".

- Đại diện UBCK.

Ý kiến được đưa ra từ nhiều công ty chứng khoán trước đó cho rằng, tỷ lệ cứng này “bó chân” họ trong thu hút khách hàng, cần được nới lỏng. Cái lý cho đề nghị nới lỏng tỷ lệ margin được nhiều công ty chứng khoán đưa ra là hiện nay, các công ty đã thiết lập và vận hành nhiều lớp quản trị rủi ro và hơn ai hết, họ phải bảo vệ an toàn cho đồng vốn cho vay margin, nên việc nhà quản lý đặt ra một tỷ lệ cứng là chưa thật hợp lý.

Hơn nữa, trên thị trường có nhiều loại cổ phiếu: tốt, an toàn; cổ phiếu bình thường, cổ phiếu không được tốt và tiềm ẩn rủi ro nên việc áp dụng chính sách margin như nhau với các loại cổ phiếu là không hợp lý. Theo đó, với các cổ phiếu tốt, nên duy trì tỷ lệ ký quỹ là 70% - 30% (nhà đầu tư có 300 triệu đồng được vay 700 triệu đồng từ công ty chứng khoán), còn cổ phiếu bình thường  là 55% - 45%, cổ phiếu tiềm ẩn rủi ro cao hơn nên là 40% - 60%, thậm chí 30% - 70% hoặc 20% - 80%...

“Qua đánh giá chặt chẽ tính an toàn của nghiệp vụ cho vay ký quỹ, cũng như tham khảo kinh nghiệm các nước, UBCK vẫn giữ nguyên tỷ lệ ký quỹ 50% - 50% trong thời điểm hiện tại…”, lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK giải thích về lý do nhà quản lý giữ nguyên tỷ lệ này.

Quy chế margin không như kỳ vọng, Ủy ban Chứng khoán nói gì? ảnh 1

Đầu tiên, việc phân hạng thành các cổ phiếu tốt, ít rủi ro; cổ phiếu bình thường hay cổ phiếu không được tốt, rủi ro cao, ở góc độ nhà quản lý, UBCK không thể làm như vậy, mà đây là việc của thị trường, của công ty chứng khoán. Việc UBCK cho phép áp dụng tỷ lệ margin chẳng hạn với cổ phiếu tốt là 70% - 30%, chẳng khác gì “bật đèn xanh” cho thị trường rằng đây là cổ phiếu tốt, nhà đầu tư hãy tập trung giao dịch margin mã này. Làm như vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan, liêm chính trong quản lý nhà nước.

Trả lời câu hỏi vì sao UBCK nói việc quyết định tỷ lệ cho vay ký quỹ ban đầu là bao nhiêu và mã nào cho vay nên do công ty chứng khoán quyết định, nhưng không trao quyền cho họ quyết tỷ lệ cho vay, mà vẫn khống chế tỷ lệ margin cũng như cổ phiếu cho vay phải trong danh sách được các sở giao dịch chứng khoán công bố, đại diện UBCK khẳng định, nhà quản lý phải đưa ra hành lang an toàn, để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống khi cho vay giao dịch ký quỹ, nghiệp vụ có đặc tính rủi ro cao, nhất là trong bối cảnh dư nợ giao dịch margin từ cuối năm 2015 đến nay có xu hướng tăng.

Mặt khác, tỷ lệ ký quỹ như hiện nay (50%) được đa số các quốc gia áp dụng như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan…

 “Chúng tôi biết các công ty chứng khoán mong muốn đẩy mạnh cho vay margin để gia tăng doanh số và dễ chiều lòng khách hàng. Nhưng đó là nhìn chiều thuận. Một khi thị trường chứng khoán đối mặt với những biến cố, nhà đầu tư bán tháo mà không có van chặn đà suy giảm mạnh của thị trường, thì một công ty chứng khoán đang rất mạnh mà có tỷ lệ cho vay margin cao có thể đối mặt với nguy cơ mất vốn rất nhanh, thậm chí phải đóng cửa hoạt động. Do đó, chưa thể nới tỷ lệ cho vay ký quỹ ban đầu cao hơn 50%, bởi sẽ gia tăng rủi ro cho an toàn hệ thống của thị trường, cũng như công ty chứng khoán và nhà đầu tư…”, đại diện UBCK chia sẻ.

Cho margin cổ phiếu trên UPCoM là quá rủi ro

Trong lần sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng như một số công ty chứng khoán có đề xuất bổ sung nội dung cho vay giao dịch margin đối với các cổ phiếu có chất lượng trên sàn UPCoM.

Chính sách margin này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền vào thị trường giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết, tạo sự sôi động cho sàn UPCoM trong bối cảnh số lượng cổ phiếu lên sàn này tăng rất nhanh từ năm 2016 đến nay, trong đó có nhiều cổ phiếu của các tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV)…

Tuy nhiên, trong quy chế margin mới, UBCK đã không bổ sung quy định về cho vay giao dịch ký quỹ đối với các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, cho vay margin vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi vậy để giảm thiểu rủi ro mang tính đặc thù của nghiệp vụ này, có hai cấp độ rất quan trọng phải đạt được và đều liên quan đến tính minh bạch. Đó là ở cấp độ thị trường, cổ phiếu phải được giao dịch trong môi trường định giá có tính xác thực cao, ít rủi ro bị thao túng giá.

Còn ở cấp độ doanh nghiệp, cổ phiếu thuộc danh mục được vay margin phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về minh bạch thông tin theo quy định pháp lý. Trong khi đó, các doanh nghiệp lên UPCoM không phải đáp ứng nhiều điều kiện khá khắt khe khi lên sàn như doanh nghiệp niêm yết, nên cho phép giao dịch margin là rất rủi ro cả với công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư.

Theo đại diện UBCK, các chỉ số chứng khoán đang cho thấy có sự phục hồi khá bền vững, nên UBCK nhận thấy không nên kích thích sự tăng trưởng của thị trường qua công cụ tiềm ẩn nhiều rủi ro là margin, mà sử dụng các công cụ mang tính thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững như: tăng lượng hàng mới có chất lượng; với những cổ phiếu đang niêm yết thì thúc đẩy các doanh nghiệp công bố thông tin và giải trình đầy đủ, kịp thời; hoàn thiện hơn các quy định về kế toán, kiểm toán để phản ánh xác thực, minh bạch sức khỏe của doanh nghiệp...

“Hơn nữa, tổng mức dư nợ cho vay ký quỹ của toàn hệ thống công ty chứng khoán hiện ở mức hợp lý, nên UBCK giữ nguyên các nội dung quan trọng trên trong quy chế margin mới để đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường, qua đó phòng bị trước những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn nhiều biến động, mà diễn biến Brexit trong năm 2016 là một ví dụ…”, lãnh đạo UBCK nói.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Quyết định 87/2017 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn giao dịch ký quỹ là siết chặt hơn các điều kiện mà các cổ phiếu phải đáp ứng mới được giao dịch ký quỹ.

Theo đó, chứng khoán không được giao dịch margin gồm: chứng khoán của tổ chức phát hành có báo cáo tài chính năm được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán; tổ chức niêm yết chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm đã kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin hoặc hết thời gian gia hạn công bố thông tin theo quy định. Chứng khoán của công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về công ty vi phạm pháp luật thuế cũng không được giao dịch margin.

Tin bài liên quan