Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, Bộ Tài chính có tiếp tục để “nằm im”?

Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, Bộ Tài chính có tiếp tục để “nằm im”?

(ĐTCK) Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập và sử dụng quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, công ty quản lý quỹ, để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Thế nhưng đến nay, văn bản này chưa được ban hành.

Điểm mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) lấy kiến các thành viên thị trường, là quy định: tổ chức kinh doanh chứng khoán có trách nhiệm trích lập quỹ bảo vệ NĐT. Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế trích lập và sử dụng quỹ bảo vệ NĐT tại tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Với quy định còn mang tính chất “khung, ống” trên, câu hỏi mà thị trường đặt ra là, đến bao giờ mới có quỹ bảo vệ NĐT, mặc dù vấn đề này đã được UBCK đặt ra trong chương trình hành động từ đầu năm 2014, khi đặt ra mục tiêu: nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ NĐT trong trường hợp giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhằm góp phần kích cầu, khơi thông dòng vốn đầu tư trong nước tham gia TTCK.

Một lý do nữa khiến NĐT nêu câu hỏi về tiến độ ra đời của quỹ bảo vệ NĐT là cũng trong năm 2014, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập và sử dụng quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, công ty quản lý quỹ, để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Thế nhưng đến nay, văn bản này chưa được ban hành. Ở thời điểm đó, góp ý cho dự thảo, các thành viên thị trường quan ngại, sự ra đời của quỹ bảo vệ NĐT khó khả thi, do tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi CTCK vừa là chủ thể lập và quản lý quỹ, vừa ban hành quy chế sử dụng quỹ, chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho NĐT. Quỹ này chỉ được sử dụng để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên tại CTCK, chứ không áp dụng cho trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán phá sản… Không rõ có phải do tính thiếu khả thi, mà đến nay cơ chế cho sự ra đời của quỹ bảo vệ NĐT dường như đi vào quên lãng?

Việc chậm trễ ban hành quỹ bảo vệ NĐT khiến giới đầu tư lo ngại, nhất là trong bối cảnh tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đang được thúc đẩy. Từ hơn 100 CTCK được cấp phép hoạt động, đến nay, thị trường còn hơn 80 công ty đang hoạt động. Trong số các CTCK đang trong diện tái cấu trúc, hoặc đang bị UBCK kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, NĐT không thể đoán định được công ty nào đối mặt với tình trạng phá sản. CTCK lâm vào tình cảnh này, ai bồi thường thiệt hại cho NĐT, khi cơ chế pháp lý cho sự ra đời của quỹ chưa hình thành?

Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán cho rằng, một TTCK phát triển chuyên nghiệp, thu hút tốt NĐT tham gia thị trường thông qua cơ chế bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, không thể thiếu vắng quỹ bảo vệ NĐT theo thông lệ quốc tế. Bởi vậy, giới đầu tư kỳ vọng, sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012, theo kế hoạch sẽ được ban hành trong quý II/2015, Bộ Tài chính sẽ sớm hướng dẫn cơ chế cho sự ra đời của quỹ bảo vệ NĐT, thay vì để quỹ “nằm im” trong các kế hoạch hành động của ngành.

Tin bài liên quan