Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn chức năng của bộ phận kế toán và bộ phận tài chính doanh nghiệp

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn chức năng của bộ phận kế toán và bộ phận tài chính doanh nghiệp

Quản trị tài chính: Thay đổi để tối ưu lợi nhuận

(ĐTCK) Thống kê cho thấy, có hơn 40% doanh nghiệp niêm yết trên HOSE không nộp báo cáo tài chính đúng hạn. 

Các vi phạm công bố thông tin khác cũng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 8-31%. Ngoại trừ một số doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, còn lại đại đa số doanh nghiệp đều chưa hình thành bộ phận quản trị tài chính và chức danh giám đốc tài chính.

Kết quả nghiên cứu của dự án “Thẻ điểm quản trị công ty” do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Diễn đàn Quản trị công ty toàn cầu và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố cho thấy, 80% doanh nghiệp được khảo sát có mức điểm dưới trung bình về quản trị.

Công ty kiểm toán E&Y cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do doanh nghiệp thiếu sự nhìn nhận đúng đắn về chức năng tài chính doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn chức năng của bộ phận kế toán và bộ phận tài chính doanh nghiệp.

Định hướng tài chính theo các trọng tâm mới

Hiện tại, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa tách bạch chức năng quản trị tài chính và vị trí giám đốc tài chính với vị trí kế toán trưởng. Doanh nghiệp cũng thiếu các công cụ hỗ trợ cần thiết để đảm bảo công tác quản trị tài chính hiệu quả.

Để định hướng tài chính theo các trọng tâm mới, doanh nghiệp cần thực hiện rà soát và cân nhắc các thay đổi cần thiết cho mô hình hoạt động của tài chính. Trước đây, tài chính giữ vai trò là người quan sát và đưa ra những bình luận, giải thích qua các con số về kết quả tình hình hoạt động của Công ty. Cấp lãnh đạo ghi nhận đóng góp quan trọng và thiết thực của tài chính, thường xuyên đưa ra các yêu cầu hỗ trợ trong quá trình điều hành.

Bộ phận tài chính trước đây tập trung vào ghi chép sổ sách, phân bổ nhiều nguồn lực cho việc xử lý nghiệp vụ và khóa sổ cuối tháng, văn hóa của bộ phận thiên về hướng nội. Thì nay, bộ phận tài chính có vai trò quan trọng và chủ động hơn rất nhiều. Đây là đối tác kinh doanh, giữ vai trò là nhà tư vấn và kết nối tất cả các cấu phần hoạt động của doanh nghiệp: đưa ra ý kiến và phản biện chuyên nghiệp và toàn diện để hỗ trợ các quyết định kinh doanh, nhận trách nhiệm giải trình và chủ động kiểm soát các hoạt động tài chính đem lại giá trị cho doanh nghiệp.

Họ là những người trông coi tài sản, tập trung vào việc nâng cao quản trị, phối hợp với các đơn vị để giám sát tuân thủ và đảm bảo hiệu quả của các kiểm soát, đảm bảo tài sản công ty không bị xâm phạm, bên cạnh việc tăng cường tính minh bạch.

Nếu như trước đây bộ phận tài chính chủ yếu chú trọng quy trình tác nghiệp, thì nay tập trung vào định hướng dài hạn. Để xây dựng và hoàn thiện quản trị tài chính, doanh nghiệp  cần tái xác định vai trò và trách nhiệm của chức năng kế toán và tài chính.

Cụ thể, kế toán là dữ liệu quá khứ, chuẩn bị báo cáo dữ liệu quá khứ theo chuẩn mực kế toán; báo cáo, nghiệp vụ, đảm bảo duy trì tài sản. Tài chính là dự báo tương lai, thiết lập mô hình tài chính, ngân sách theo biến động thị trường; phân tích, chiến lược, đầu tư sinh lời tài sản hiện có.

Cấu phần của Mô hình Quản trị tài chính

Để có thể xây dựng và phát huy hiệu quả của Mô hình Quản trị tài chính, doanh nghiệp cần chú ý hoàn thiện các cấu phần chính sau:

Ở tầng Nguồn lực, cần chuẩn bị tốt khâu dữ liệu, nhân sự và công nghệ. Với dữ liệu, cần xác định những tiêu chuẩn dữ liệu và hệ thống tài khoản kế toán đồng nhất trong toàn hệ thống, triển khai nguồn dữ liệu duy nhất. Về nhân sự, cần xây dựng đội ngũ nhân sự với những kỹ năng phù hợp trong từng bộ phận, gia tăng chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích phát triển các cộng đồng tài chính trên toàn hệ thống. Về công nghệ, xác định những công cụ và thiết kế hệ thống nhằm hỗ trợ phát huy các hoạt động mang giá trị gia tăng của chức năng tài chính.

Ở tầng Tổ chức, cơ cấu tổ chức tài chính nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh, xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp, cùng với cơ chế phân bổ vai trò và nhiệm vụ chính của các đơn vị trong hệ thống.

Ở tầng Thực thi, có 3 vấn đề cần quan tâm gồm: chính sách và kiểm soát, quy trình, đánh giá hoạt động. Cần thiết lập chính sách tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro trên toàn hệ thống. Các quy trình tài chính phải được chuẩn hóa, phân bổ hợp lý và vận hành hiệu quả. Thiết lập một hệ thống đo lường hiệu quả hoạt động toàn diện. Đảm bảo cải thiện liên tục chất lượng dịch vụ của chức năng tài chính.

Kết hợp mô hình tài chính và mô hình hoạt động của doanh nghiệp

Một mô hình quản trị tài chính hiệu quả phải được gắn kết chặt chẽ với mô hình hoạt động của doanh nghiệp và phải phục vụ các mục tiêu về quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn, quản lý tập trung hay quản lý phân tán, quản lý bằng mục tiêu hay quản lý dựa vào kiểm soát…

Chức năng tài chính phải cung cấp được bức tranh tài chính tương lai đáng tin cậy trên các giả định về phân bổ nguồn lực giữa các đơn vị trong hệ thống, từ đó đánh giá được khả năng hoàn thành dự kiến các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và có các kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Hệ thống thông tin tài chính phải cung cấp được các thông tin chính xác về hiệu quả hoạt động và mức độ giá trị đóng góp của các đơn vị, hỗ trợ tối đa cho việc ra quyết định. Chức năng tài chính phải thiết lập được hệ thống chỉ số đo lường rủi ro và các chốt kiểm soát tài chính hữu hiệu.

Như vậy, doanh nghiệp nên có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của quản trị tài chính để có sự đầu tư thích đáng.

Trọng tâm của chức năng tài chính kế toán đang chuyển dịch từ vai trò của người ghi chép sổ sách kế toán, sang vai trò nhà tư vấn, đồng thời tối thiểu hóa thời gian và công sức xử lý giao dịch.

Các nghiệp vụ tài chính ngày càng đa dạng, không chỉ là theo dõi và kiểm soát các hoạt động tài chính kế toán nhằm đảm bảo giá trị cho cổ đông, mà còn thực hiện quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý ngân quỹ, chiến lược và báo cáo thuế, tham gia vào quy trình hoạch định chiến lược và lập ngân sách, thu thập và đưa ra các ý kiến đánh giá hiệu quả hoạt động.

Ở vai trò chiến lược, bộ phận tài chính hỗ trợ ra quyết định thiết lập ngân sách và dự báo dòng tiền: phân tích khả năng sinh lời (yếu tố lợi nhuận chi phí), phân tích hiệu quả sinh lời tổng thể của sản phẩm, khách hàng và đưa ra các khuyến nghị điều chỉnh chiến lược kế hoạch kinh doanh cho ban lãnh đạo cấp cao quản lý đầu tư và huy động vốn.

Tin bài liên quan