Quản trị công ty: Những bất ngờ thú vị

Quản trị công ty: Những bất ngờ thú vị

(ĐTCK) Chia sẻ với ĐTCK sau Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất 2015, bà Nguyễn Nguyệt Anh, chuyên gia quản trị công ty (QTCT) của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam - thành viên Hội đồng bình chọn QTCT cho biết, có một số bất ngờ thú vị trong các BCTN vào vòng chung khảo khi các công ty đã minh bạch hơn trong việc công bố các thông tin về hoạt động của HĐQT.

Bà có thể cho biết đánh giá tổng quan về chất lượng nội dung QTCT trong BCTN vào vòng chung khảo cuộc Bình chọn năm nay?

Có thể nói mùa giải BCTN năm nay đã mang đến một số bất ngờ thú vị cho Hội đồng bình chọn về nội dung QTCT. Thứ nhất, chúng tôi thấy các công ty đã minh bạch hơn hẳn năm ngoái trong việc công bố các thông tin về hoạt động của HĐQT, về các thông tin mang tính nhạy cảm cao như giao dịch với các bên liên quan, chính sách và mức lương thưởng, thù lao cho cá nhân từng thành viên HĐQT, ban kiểm soát và ban điều hành.

Thứ hai, chất lượng thông tin công bố của các BCTN có cải tiến rõ rệt và đồng đều hơn so với năm ngoái thông qua kết quả điểm chấm của các công ty với gần 60% công ty lọt vào vòng chung khảo có số điểm trên trung bình (năm ngoái con số này khoảng 40%).

Thứ ba, mức điểm trung bình đạt được của các công ty nằm trong Top 10 về nội dung QTCT tăng 27% so với năm ngoái. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên có một công ty đạt được mức điểm tối đa (36/100) về nội dung QTCT, đó là CTCP Chứng khoán TP. HCM  (HSC).

Điểm nổi bật ở các công ty thuộc nhóm có điểm cao nhất về nội dung QTCT trong BCTN mà các doanh nghiệp khác có thể học hỏi kinh nghiệm là gì, thưa bà?

Quản trị công ty: Những bất ngờ thú vị ảnh 1

bà Nguyễn Nguyệt Anh
 

Nhìn chung, năm nay, các công ty đã làm tốt hơn để hướng tới sự tuân thủ với quy định hiện hành về công bố thông tin quản trị trong các BCTN. Những công ty có số điểm lọt vào Top 10 ở nội dung chấm này là các công ty đã có cố gắng để vượt trên mức tuân thủ luật pháp thông thường, có đánh giá cơ bản về việc thực hiện công tác quản trị tại công ty, nêu rõ những mặt được và chưa được, trình bày rõ ràng việc công ty đang áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế tốt như thế nào.

HSC dẫn đầu với khá nhiều thông tin về thông lệ quản trị tốt được đề cập trong báo cáo như: có 1/3 số thành viên HĐQT là thành viên độc lập, vai trò của chủ tịch HĐQT (là thành viên độc lập) tách bạch với vai trò CEO, hoạt động hiệu quả của HĐQT, việc thành lập tiểu ban kiểm toán và tiểu ban quản trị rủi ro trực thuộc HĐQT, kế hoạch cổ tức, hoạt động của kiểm toán nội bộ, phối hợp giữa ban kiểm soát và công ty kiểm toán độc lập.

Vinamilk ở vị trí thứ 2 cũng đạt được mức điểm cao hơn năm ngoái khi nội dung công bố liên quan đến HĐQT khá đầy đủ, đặc biệt là về sự tham gia của HĐQT vào hoạt động quản trị của công ty, sự tham gia của thành viên độc lập và hoạt động của các tiểu ban trực thuộc HĐQT.

Theo sát Vinamilk, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng có mức tăng điểm rất tốt khi trình bày khoa học và minh bạch hơn trong tất cả các hạng mục công bố thông tin về quản trị.

Cũng nằm trong Top 10 về số điểm quản trị, FPT, IMP, BMP được đánh giá cao khi có mức điểm tăng đáng kể so với năm ngoái và đạt điểm tuyệt đối về minh bạch thông tin liên quan đến các nghiệp vụ với bên liên quan, giao dịch cổ đông nội bộ và mức lương thưởng của các thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành. Những công ty có tính bứt phá đáng ngạc nhiên để lọt vào Top 10 trong năm nay là CNG, NSC.

Trong khi đó, DHG bị tụt hậu, không có tên trong Top 10 khi nội dung thông tin liên quan đến HĐQT và ban kiểm soát có phần nghèo nàn hơn năm ngoái.

Bên cạnh những mặt làm được của các công ty trong nhóm được điểm cao, vẫn có khoảng gần 50 công ty lọt vào vòng chung khảo tiếp tục không chú trọng việc công bố thông tin và có mức điểm dưới trung bình. Hội đồng bình chọn cũng đồng thời ghi nhận nhóm các công ty trong ngành ngân hàng không có cải thiện rõ rệt trong mùa giải năm nay khi còn khá nhiều hạn chế trong việc minh bạch về mức lương thưởng, thù lao của thành viên HĐQT, ban kiểm soát và ban điều hành.

Nhìn từ cuộc bình chọn năm nay, các doanh nghiệp cần lưu ý gì để làm tốt hơn nội dung QTCT cả về cách thức trình bày và chất lượng thông tin?

Nội dung trình bày và chất lượng công bố thông tin trên BCTN phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế quản trị hiệu quả được áp dụng tại các công ty. Để làm tốt hơn, tất nhiên các công ty yếu kém về quản trị cần phải thực hiện một cuộc cải cách tại doanh nghiệp mình.

Một công ty sẽ không thể có nội dung công bố tốt nếu như không có một HĐQT thực sự hoạt động hiệu quả. Và một công ty cũng không thể được coi là có nội dung QTCT trên BCTN dẫn đầu thị trường nếu công ty đó không có quan tâm và cam kết thực hiện các thông lệ quản trị tốt, thông lệ quốc tế một cách bền vững và lâu dài.

Cơ hội thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn khi họ biết mở cánh cửa của mình để bước ra bên ngoài, để hội nhập và lấp dần những khoảng cách trong tầm nhìn với các doanh nghiệp của các quốc gia lân cận.

Theo bà, QTCT ở Việt Nam còn tồn tại những điểm yếu nào?

Trong những năm gần đây, thực tiễn QTCT tại Việt Nam đã có những chuyển biến đáng được ghi nhận. Thứ nhất, nhận thức chung về các thông lệ QTCT tốt đã được cải thiện một cách rõ nét, nhiều thành phần tham gia như cơ quan báo chí truyền thông, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đào tạo, trường đại học, đặc biệt là các công ty cổ phần, đại chúng và niêm yết đang tham gia trên thị trường.

Hai là, hành lang pháp lý về QTCT đã có được một nền tảng khá tốt khi đã kịp thời thay đổi, vận dụng các nguyên tắc và thông lệ quản trị tốt của quốc tế nhằm tăng cường bảo vệ đối với nhà đầu tư và quyền của cổ đông. Ví dụ cụ thể nhất là những thay đổi trong các quy định về QTCT và công bố thông tin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua Bộ Tài chính ban hành trong năm 2012 hay những quy định mới trong Luật Doanh nghiệp 2014.

Tuy nhiên, trong ba năm gần đây, mức độ công khai minh bạch của các doanh nghiệp Việt Nam luôn đứng ở vị trí cuối, có khoảng cách tương đối lớn so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand (theo kết quả đánh giá của Báo cáo Thẻ điểm QTCT ASEAN do Diễn đàn Thị trường vốn châu Á (ACMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng).

Quản trị công ty: Những bất ngờ thú vị ảnh 2 

Kết quả này cho thấy Việt Nam cần phải tăng cường nhiều hơn để nâng cao quản trị hiệu quả, áp dụng các thông lệ quản trị tốt để đứng vững trước những thử thách về hội nhập khu vực, duy trì năng lực cạnh tranh, tăng niềm tin của cổ đông và thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả này cũng chỉ ra lĩnh vực quản trị yếu kém nhất là về trách nhiệm của HĐQT tại các công ty.

HĐQT cũng như các thành viên cần có hiểu biết tốt về các thông lệ quản trị quốc tế tốt, có các cam kết lâu dài trong việc áp dụng khung quản trị tiên tiến cho công ty, thông qua đó tăng cường hoạt động của mình một cách hiệu quả nhất.

Để làm được điều này, ngoài những nỗ lực từ phía cổ đông, các cơ quan quản lý thị trường, các tổ chức đào tạo và cơ quan truyền thông, Việt Nam cần xây dựng ngay một Học viện QTCT dành cho các thành viên HĐQT.

Đây là một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, là nơi cung cấp các chương trình đào tạo và dịch vụ liên quan đến quản trị cho các thành viên HĐQT. Đó cũng là một nơi để các thành viên HĐQT giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Học viện này đã được thành lập ở rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Trong khu vực ASEAN, hầu hết các quốc gia đã thành lập, như Thailand (1999); Philippines (1999); Malaysia (1982); Singapore (1998).

Tin bài liên quan