Có “lỗ hổng” trong xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Có “lỗ hổng” trong xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Quan ngại “đi cửa sau” trong cổ phần hóa

(ĐTCK) Tiến độ cổ phần hóa chậm và có dấu hiệu thiếu minh bạch trong cổ phần hóa dẫn đến nguy cơ “bốc hơi” tài sản của Nhà nước là hai mối quan ngại của các đại biểu Quốc hội hiện nay.

Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa năm 2017

Kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 là 127 doanh nghiệp, trong đó năm 2017 là 44 doanh nghiệp. Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp, dự báo cả năm sẽ hoàn thành cổ phần hóa 38 doanh nghiệp.

Trong số 20 doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm, có 4 tổng công ty gồm: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC).

Nhiều doanh nghiệp lớn khác đang triển khai cổ phần hóa như: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí (hai tổng công ty này thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT)… Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa tại không ít đơn vị đang diễn ra rất chậm.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thảo luận tại Ủy ban, nhiều thành viên nhìn nhận, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra. Để khắc phục tình trạng trên, ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, cũng như chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa.

Quan ngại “đi cửa sau” trong cổ phần hóa ảnh 1

Theo đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên), kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là thu về cho ngân sách từ cổ phần hóa 250.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017, số vốn thu về cho ngân sách là 60.000 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng không hoàn thành kế hoạch.

Hiện tại, đã có 96,5% doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng chỉ có khoảng 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa, trên cơ sở đó rút vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần để đầu tư cho những lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế như hạ tầng.

“Hãy coi cổ phần hóa là quá trình tái cơ cấu danh mục tài sản của Nhà nước. Thực tế cho thấy, tài sản Nhà nước đang nằm nhiều ở các doanh nghiệp nhà nước, nên cần thoái vốn để đầu tư cho các lĩnh vực khác. Do đó, cần đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, để nhanh rút vốn nhà nước ra khỏi những doanh nghiệp, lĩnh vực mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần. Nhà nước không đi làm kinh doanh, mà hãy trả lại cho thị trường”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Lo thiếu minh bạch

Nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại, tính minh bạch trong cổ phần hóa đang có vấn đề, nhất là liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Điển hình cho cả hai điểm kém minh bạch này là trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, khi giá trị thương hiệu được định giá 0 đồng. Những người gắn bó lâu năm với hãng này nghi ngờ, cổ đông chiến lược Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không quan tâm đến ngành nghề kinh doanh chính của hãng sau cổ phần hóa, mà chỉ nhắm tới khu “đất vàng”.

“Tôi có dự họp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, được biết Hãng phim truyện Việt Nam có mấy chục năm hoạt động, uy tín và thương hiệu như thế mà được định giá 0 đồng. Như thế có minh bạch không?”, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) băn khoăn.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thực tiễn triển khai cổ phần hóa cho thấy, một số vụ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặt ra vấn đề tiêu chí xác định lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất giữa những giá trị theo yếu tố định lượng về kinh tế với yếu tố định tính về giá trị văn hóa, lịch sử... gây dư luận trái chiều, bức xúc.

Trong quá trình tổng kết thực hiện cơ chế cổ phần hóa để xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc áp dụng cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hiện hành có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng, với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần phê duyệt, nên khó đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước.

Được biết, trong dự thảo mới nhất trình Chính phủ xem xét ban hành, Bộ Tài chính có đề xuất nhiều cơ chế mới, không chỉ giải tỏa các bất cập hiện hành nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, mà còn khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong tìm kiếm cổ đông chiến lược, xác định giá trị doanh nghiệp.

“IPO Tập đoàn Cao su muộn nhất là quý I/2018”

Quan ngại “đi cửa sau” trong cổ phần hóa ảnh 2

 Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối và tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, đây là tập đoàn rất lớn về vốn, đất đai (hàng trăm nghìn ha, kể cả đất nông nghiệp và đô thị), hơn 130.000 lao động..., nên cơ quan quản lý đang xem xét, cân nhắc để bảo đảm việc cổ phần hóa tránh dẫn đến những hệ luỵ phức tạp, nhất là về đất đai.

Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Chính phủ đã tổ chức một số cuộc họp với các bộ, ngành để nghe Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo về các vấn đề này. Chính phủ đã chỉ đạo, ngoài việc làm chặt chẽ thì phải thực hiện kiểm toán tài chính. Do vậy, đúng là hiện nay lộ trình bị kéo dài một vài tháng.

Trong tháng 9/2017, sau khi xem xét và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa. Theo tinh thần chung, ý kiến của các bộ, ngành được tập hợp để báo cáo Thủ tướng thì Tập đoàn sẽ tiến hành các bước còn lại để cổ phần hóa trong thời gian sớm nhất.

Việc IPO có hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Bán lần thứ nhất không hết thì pháp luật quy định phải bán hai lần tiếp theo. Mong muốn của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành là muốn bán sớm một lần, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện IPO từ nay đến quý I/2018, không thể kéo dài hơn, vì pháp luật chỉ cho phép như vậy.

“Cần đảm bảo vai trò độc lập của đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp”

Quan ngại “đi cửa sau” trong cổ phần hóa ảnh 3

Ông Trương Minh Hoàng , Đại biểu Quốc hội Cà Mau 

Hãng phim truyện Việt Nam có mấy chục năm hoạt động mà thương hiệu được định giá 0 đồng. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy chỉ bỏ ra hơn 30 tỷ đồng đã nắm cổ phần chi phối, trong khi hãng phim có nhiều khu đất đắc địa. Như vậy có đau xót? Khi nói về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, chỗ nào lượm được cái gì thì người ta cố lượm. Như thế, cổ phần hóa đã minh bạch chưa?

Để khắc phục các bất cập hiện tại, các cấp quản lý cần sửa đổi cơ chế và tổ chức triển khai quyết liệt theo hướng gia tăng tính công khai, minh bạch trong mọi khâu cổ phần hóa, trong đó đảm bảo vai trò độc lập của đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng.

Tin bài liên quan