Quản lý vốn nhà nước: cần động lực và sức ép mới

Quản lý vốn nhà nước: cần động lực và sức ép mới

(ĐTCK) Tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hình thành cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN phù hợp với tình hình mới. 

Tiếp sau chủ trương này, trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý Bộ Tài chính nên quan tâm xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước.

Việc quản lý vốn nhà nước tại DN đang ở trạng thái “năm cha, ba mẹ”. Với các DN 100% vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn này tại DN đang nằm rải rác ở các bộ, UBND cấp tỉnh. Còn với các DN nhà nước đã cổ phần hóa, việc quản lý vốn nhà nước hoặc được giao cho các bộ, UBND cấp tỉnh, hoặc giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước…

Bất cập trong quản lý vốn nhà nước tại DN không chỉ nằm ở sự phân tán, mà quan ngại hơn, nằm ở tình trạng kém minh bạch, thiếu chuyên nghiệp do cơ quan quản lý “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo đó, các bộ, UBND cấp tỉnh vừa tham gia hoạch định chính sách, thiết lập luật chơi cho thị trường, vừa có chức năng thanh, kiểm tra DN…, đồng thời cũng là người nắm quyền điều hành, chi phối tại các DNNN, hoặc DNNN đã cổ phần hóa nhưng cổ đông nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối.

Chính tình trạng cơ quan nhà nước đảm đương luôn cả hai vai là quản lý nhà nước đối với DN và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã gây nên tình trạng thiếu minh bạch, chưa chuyên nghiệp, thậm chí tạo kẽ hở trong quản lý vốn nhà nước tại DN, trong đó, tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan là một điển hình.

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến cuối năm 2015, các DN đã thu về 4.956 tỷ đồng qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng… Dẫu vậy, số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực này vẫn còn chiếm khoảng 60% số vốn phải thoái.

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan chuyên quản vốn nhà nước tại DN cần phải thay đổi. Có ý kiến nêu quan điểm, tổ chức này nên là cơ quan hành chính nhà nước, nhưng quan điểm khác cho rằng nên theo mô hình DN như kinh nghiệm nhiều nước, để thực sự tách bạch vai trò quản lý và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam, tổ chức chuyên quản lý và đầu tư vốn nhà nước nên được thành lập theo mô hình DN, không nên là cơ quan hành chính nhà nước. Làm như vậy mới tăng tính chuyên nghiệp, minh bạch, bởi tổ chức này có tư duy quản trị công ty và cung cách điều hành theo luật chơi thị trường.

Những yếu tố này sẽ khó tồn tại trong mô hình của một cơ quan hành chính nhà nước, quản lý tập trung vốn nhà nước, vì tư duy của cơ quan này dễ “lệch” với tư duy, cung cách điều hành mang hơi thở thị trường của DN, dẫn đến nguy cơ can thiệp phi thị trường trong các hoạt động quản lý vốn.

Nhiều ý kiến kỳ vọng sau thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng DN sáng tạo và phát triển vừa được Thủ tướng đưa ra tại cuộc gặp mặt cộng đồng DN năm 2016, Chính phủ sẽ sớm nhìn sâu vào câu chuyện của quản lý vốn Nhà nước, để xử lý dứt điểm tình trạng “năm cha, ba mẹ” hiện nay, tạo động lực và sức ép mới cho khối DN có vốn Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên.

Tin bài liên quan