Nhà quản lý cần làm mới tư duy về danh mục cổ phiếu margin, tăng quyền chủ động cho CTCK và NĐT.

Nhà quản lý cần làm mới tư duy về danh mục cổ phiếu margin, tăng quyền chủ động cho CTCK và NĐT.

Quản lý dòng margin, những nút thắt cần nới lỏng

(ĐTCK) Có hiệu lực từ 15/3/2016, Thông tư 07/2016/TT-BTC đi vào thị trường không “êm” như mong đợi. Sau bài viết “Margin kiểu cấm chơi với ông hàng xóm”, ĐTCK tiếp tục ghi nhận ý kiến của một số lãnh đạo CTCK.

Ngoài một số điểm bất cập trong một số quy định mới đã được đề cập trong loạt bài trước, ở một góc nhìn khác, Thông tư 07 đã không đề cập tới một câu chuyện dư luận kiến nghị đã lâu là nên nới lỏng danh mục loại cổ phiếu được margin, chứ không nên để các Sở GDCK lo “hộ” các CTCK như hiện nay.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt cho rằng, việc hai sở GDCK chọn lọc cổ phiếu theo những tiêu chuẩn do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) định ra để đưa vào danh sách được phép giao dịch ký quỹ là nhằm bảo vệ nhà đầu tư và bảo vệ an toàn tài chính cho cả CTCK. Tuy nhiên, một số vấn đề phát sinh trong hoạt động thực tiễn đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung.

Ví dụ, nhiều cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ, nhưng tính thanh khoản lại quá thấp. Vì vậy, tuy được phép cho vay margin, nhưng nhiều CTCK không dám cấp hạn mức cho nhà đầu tư vay. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu có thanh khoản rất tốt, các chỉ tiêu tài chính lành mạnh, nhưng chỉ vì chưa đủ thời gian niêm yết là 6 tháng nên không được giao dịch ký quỹ, làm mất cơ hội của cả nhà đầu tư và CTCK.

Một số cổ phiếu đủ tiêu chuẩn giao dịch ký quỹ, nhưng sau một thời gian hoạt động, DN gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, không duy trì được tình hình tài chính lành mạnh, vi phạm các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin...

Những DN này thực chất có rủi ro tiềm tàng lớn, nhưng căn cứ theo quy định lại chưa bị loại khỏi danh mục cho vay margin (theo quy định hiện hành, 3 tháng một lần, 2 sở công bố danh mục cổ phiếu được phép cho vay margin). Vì thế, các loại cổ phiếu này vẫn được giao dịch ký quỹ. Độ trễ chính sách dễ gây rủi ro cho nhà đầu tư, do có tên trong danh mục margin của nhà quản lý dễ tạo cảm giác an toàn với nhà đầu tư trên thị trường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho biết, vấn đề quản lý danh mục margin lại do hai sở GDCK quy định xuất phát từ thực tế giai đoạn trước của thị trường, việc cấp margin thiếu kiểm soát tại một số CTCK dẫn đến tình trạng nhiều mã cổ phiếu bị làm giá quá mức, gây ra những tổn thất không nhỏ cho thị trường. Sau đó, UBCK đã quyết định kiểm soát danh mục này để giúp thị trường ổn định trở lại.

Tuy vậy, sau 5 năm, việc sàng lọc, thị trường đã loại dần các CTCK yếu kém về năng lực tài chính cũng như khả năng quản trị rủi ro. Hiện tại, các CTCK hầu hết đều thực hiện quản trị margin bằng hệ thống tự động, điều này giúp các CTCK quản trị rủi ro tốt hơn cũng như phản ứng kịp thời hơn với những diễn biến xấu. Khi quản trị đã được cải thiện hơn, các CTCK mong muốn phục vụ tốt nhu cầu cho khách hàng, nhưng thật khó khăn cho CTCK khi mã nhà đầu tư cần được margin lại không nằm trong danh mục được phép của cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, theo ông Dũng, đến thời điểm nhà quản lý nên cân nhắc tới nới lỏng quản lý danh mục margin theo hướng tăng quyền “tự do hóa” cho thị trường. Trong đó, thay vì quản lý nhà nước ở mức độ 100% về danh mục hiện tại, thì nên giảm lại ở mức độ quản lý 50%, còn 50% còn lại nên để các CTCK tự định ra danh mục của mình dựa trên những cam kết với cơ quan quản lý để tránh làm giá, gây mất cân bằng thị trường.

Một cách làm khác, theo ông Bảo là nâng tiêu chuẩn DN khi niêm yết trên 2 sàn, đồng thời tiến hành phân bảng chất lượng cổ phiếu dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau. Những cổ phiếu tốt nhất thuộc bảng A có thể cho phép giao dịch ký quỹ ngay khi niêm yết, những cổ phiếu bảng B bị hạn chế giao dịch ký quỹ trong một thời gian với tỷ lệ ký quỹ thấp hơn, những bảng còn lại C, D, E ... không được giao dịch margin.

“Làm như vậy sẽ giải quyết được bài toán về tỷ lệ, thời gian được phép giao dịch ký quỹ. Nhưng quan trọng hơn là tạo ra được nhiều loại khẩu vị đầu tư cho các thành phần tham gia trên TTCK. Vừa khuyến khích nhiều thành phần tham gia thị trường theo các tiêu chí về an toàn, khả năng sinh lời khác nhau, vừa thuận tiện trong việc kiểm soát rủi ro, phân loại, xử lý theo tiêu chuẩn của các công ty niêm yết.

Nhiều CTCK khác chia sẻ, đối với những cổ phiếu có thanh khoản lớn, kết quả kinh doanh của DN bị lỗ, nhưng nếu đánh giá DN không phải đối mặt với nguy cơ phá sản, họ vẫn tìm cách cho khách hàng vay vốn để mua. Nhìn chung, các CTCK mong muốn, nhà quản lý cần làm mới tư duy về danh mục cổ phiếu margin, tăng quyền chủ động cho CTCK và nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy các dòng vốn luân chuyển nhanh hơn trên thị trường.

Tin bài liên quan