Quản dòng tiền vào thị trường chứng khoán: Cần rộng đường hơn

Quản dòng tiền vào thị trường chứng khoán: Cần rộng đường hơn

(ĐTCK)  Quy định liên quan đến việc quản dòng tiền vào thị trường chứng khoán tại Thông tư 07/2016/TT-BTC đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ thị trường.
 

Gần 1 tháng sau khi Thông tư 07/2016/TT-BTC (Thông tư 07) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 210/2012/TT-BTC (Thông tư 210) của Bộ Tài chính được ban hành, dù ủng hộ mục tiêu làm lành mạnh, minh bạch hóa hoạt động của khối CTCK, nhưng nhiều thành viên thị trường vẫn cho rằng, còn một số điểm nhà quản lý cần điều chỉnh để thúc dòng vốn chảy nhanh hơn.

Chủ trương đúng…

Ngay lần đầu tiên công bố bản dự thảo sửa đổi Thông tư 210 cho đến lúc chính thức ban hành Thông tư 07, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cho thấy quyết tâm rất rõ trong nỗ lực chấn chỉnh hoạt động lộn xộn và bất cập của khối CTCK trong việc vay, cho vay, sử dụng vốn…, cũng như lạm dụng tiền gửi của NĐT để sử dụng làm tài sản đảm bảo, cho vay đầu tư, huy động vốn trực tiếp từ NĐT bằng các hợp đồng hợp tác đầu tư hay các sản phẩm liên kết đầu tư, các giao dịch liên quan đến giao dịch uỷ thác, liên quan đến ngân hàng cho NĐT của CTCK vay tiền để mua cổ phần.

Điểm nhấn đáng chú ý khi Thông tư 07 được ban hành, theo như chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK Bùi Hoàng Hải là sẽ sớm mang đến một kết quả rõ ràng hơn trong tái cấu trúc, giảm số lượng các CTCK thông qua đẩy nhanh tiến trình sáp nhập, hợp nhất, loại bỏ các CTCK yếu kém, hay việc khắc phục những “lỗ hổng”, “xé rào” liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, đặc biệt là vay nợ, cho vay.

Đây được coi là việc làm cần thiết để lành mạnh hóa hơn hoạt động của khối CTCK. Qua đó góp phần thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, lành mạnh trong dài hạn trong bối cảnh quy mô thị trường còn nhỏ, việc giữ an toàn hệ thống luôn là mục tiêu số một của nhà quản lý. 

...nhưng thị trường cần rộng đường hơn

So sánh bản dự thảo sửa đổi Thông tư 210 công bố đầu tiên với Thông tư 07, có thể thấy nhà quản lý đã thận trọng, lắng nghe và tiếp thu rất nhiều ý kiến phản hồi của các thành viên thị trường để điều chỉnh, gỡ bỏ nhiều điều cấm đoán bất hợp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung Thông tư 07 vẫn còn những bật cập cần đặt ra để xem xét, tháo gỡ.

Vấn đề bất cập thứ nhất là quy định CTCK không được cho vay tiền, chứng khoán dưới mọi hình thức trừ trường hợp cho vay giao dịch ký quỹ theo quy định; cho vay sửa lỗi giao dịch/hoán đổi chứng chỉ quỹ/hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Luật sư Trần Nam Sơn, Giám đốc pháp chế CTCK An Bình (ABS) cho rằng, quy định này chứa đựng nhiều khía cạnh có thể được giải thích khác nhau.

Việc quy định không cho phép CTCK dùng tiền, tài sản của chính mình để bảo lãnh cho bên thứ ba là bất hợp lý trong nhiều trường hợp.

Thứ nhất, hiểu thế nào là vay? Thông tư 07 đã đưa ra định nghĩa: “Cho vay là hình thức theo đó CTCK giao hoặc cam kết giao cho bên nhận hoặc bên sử dụng một khoản tiền, tài sản, chứng khoán trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và có thể có lãi hoặc không”.

Theo quy định này thì đây là quan hệ mà CTCK là bên giao tiền/tài sản cho bên khác (bên nhận, bên sử dụng). Nếu vậy thì ngược lại một bên khác giao tiền/tài sản cho CTCK để cùng đầu tư chung theo thoả thuận giữa hai bên cần phải được loại trừ khỏi khái niệm này.

Thứ hai, liên quan đến dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Trước đây, CTCK cung cấp dịch vụ này dưới dạng nhận chuyển nhượng quyền nhận tiền bán chứng khoán đã khớp lệnh để né việc cho vay, nay đã gọi đúng tên.

Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng, khi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm cả việc cho khách hàng vay ứng trước tiền bán chứng khoán (điểm c, Khoản 8 Điều 4). Nhưng đó là văn bản điều chỉnh về thuế, còn pháp luật về chứng khoán lại không chính danh ghi nhận gì, mặc dù sự thừa nhận thực tế của cơ quan quản lý đã rõ ràng.

Thông tư 07 quy định nguyên tắc nếu có hình thức cho vay khác được phép, thì theo quy định của pháp luật có liên quan. Pháp luật cần ghi nhận dịch vụ này và khẳng định việc loại trừ khỏi diện cấm.

Bất cập thứ hai liên quan đến quy định tại Điều 43.2 về việc “CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba”.

Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt Nhữ Đình Hòa nhận định, việc CTCK dùng tiền của khách hàng trong tài khoản tổng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba là vi phạm quy định về mục đích sử dụng tiền trong tài khoản tổng được quy định tại Thông tư 210.

Tuy nhiên, việc quy định không cho phép CTCK dùng tiền, tài sản của chính mình để bảo lãnh cho bên thứ ba là bất hợp lý trong những trường hợp như: ngân hàng cho khách hàng vay ứng trước và CTCK có thể bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán cho khách hàng tại ngày thanh toán bù trừ, hay như việc bảo đảm trả nợ cho ngân hàng ngay tại ngày chứng khoán là tài sản cầm cố được xử lý bán thành công (ứng trước để trả nợ cho ngân hàng tại ngày xử lý bán chứng khoán cầm cố).

Việc dùng tiền, tài sản của CTCK để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho khách hàng với bên thứ ba trong các trường hợp như vậy là phù hợp và hoàn toàn có khả năng kiểm soát được rủi ro.

Hiện nay, các CTCK có nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán. Bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán là 2 nghiệp vụ có cách thức thực hiện khác nhau, nhưng tính chất rủi ro (chứng khoán xuống giá) thì tương đương.

Bảo lãnh phát hành ở góc độ nào đó còn có mức độ rủi ro lớn hơn (chứng khoán mà CTCK đứng ra nhận bảo lãnh chỉ nhận được sau khi hoàn tất đợt phát hành) nên việc hạn chế quyền của CTCK thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán dựa trên việc quản lý chứng khoán của khách hàng là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, thực tế là các CTCK là công ty con của các ngân hàng thương mại mà triển khai cho vay thì không bị ảnh hưởng bởi qui định này, gây ra việc mất bình đẳng giữa các CTCK.

Bổ sung quan điểm của ông Hòa, ông Sơn cho biết, chính tại Thông tư 203/2015/TT-BTC về giao dịch chứng khoán lại yêu cầu CTCK phải cam kết và thực hiện trách nhiệm bảo lãnh thanh toán cho NĐT với giao dịch trong ngày, cho thấy vấn đề này có sự “vênh” nhau giữa hai văn bản.

Đối với vấn đề thứ ba về cấm CTCK, nhân viên tại CTCK không được môi giới giao dịch vay, mượn tài sản giữa các khách hàng hoặc giữa khách hàng và bên thứ ba trừ trường hợp vay chứng khoán để sửa lỗi hoặc vay để thực hiện các giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục… quy định tại Điều 45.11(a), ông Sơn đánh giá, quy định này không phù hợp với luật chơi thị trường.

Về cơ bản, khi ngân hàng có vốn và còn hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán, CTCK ngoài việc cung cấp dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ có thể hỗ trợ tìm kiếm, kết nối cung cầu nguồn vốn hợp pháp khác từ bên thứ ba.

Việc này là hoàn toàn tự nhiên và bản thân nó không có gì sai trái, thậm chí là tốt vì giúp khai thông thêm nguồn vốn cho thị trường. Tuy nhiên, quy định mới có thể khiến mối quan hệ tốt đẹp giữa ngân hàng và chứng khoán bị hạn chế. Trong khi đó, bản thân dòng tiền ngân hàng vào TTCK cũng đã bị hạn chế khá nhiều bởi Thông tư 36/2014/NHNN theo tỷ lệ 5%.                                     

Tin bài liên quan