HNX sẽ tăng cường các biện pháp giám sát đối với doanh nghiệp trên UPCoM

HNX sẽ tăng cường các biện pháp giám sát đối với doanh nghiệp trên UPCoM

Phó tổng giám đốc HNX: Không nên biến UPCoM thành sàn niêm yết thứ ba

(ĐTCK) Xung quanh việc tăng cường giám sát các doanh nghiệp trên sàn UPCoM, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, HNX sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, nhưng trên cơ sở không đi ngược “sứ mệnh” đặt ra ban đầu của thị trường này. 

Sau sự kiện một số cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch do có dấu hiệu bất thường, công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp trên UPCoM của Sở đã và sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đối với vấn đề phát triển thị trường chứng khoán, tăng thanh khoản cổ phiếu và tăng cường giám sát doanh nghiệp luôn có tác động ngược chiều nhau. Bản chất của công tác quản lý là phải cân bằng được cả hai hoạt động này.

Khi có dấu hiệu bất thường, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, vận hành thị trường là phải xem xét thắt chặt công tác kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, nếu không cẩn thận có thể làm “tắc” dòng chảy thị trường. Tôi cho rằng, việc cân đối các mảng việc này là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh TTCK Việt Nam còn non trẻ và quyền năng của cơ quan quản lý còn hạn chế như hiện nay.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải đặt ra tiêu chuẩn đưa cổ phiếu lên UPCoM để nhà đầu tư có điểm tựa niềm tin khi mua cổ phiếu trên sàn này. Nếu làm như vậy sẽ dẫn tới việc thay đổi mục tiêu ban đầu của UPCoM là sàn tổ chức thị trường giao dịch tập trung cho mọi doanh nghiệp đại chúng (không có điều kiện), mặt khác có thể biến UPCoM thành thị trường niêm yết thứ ba. Điều này là không cần thiết và đi ngược với “sứ mệnh” cốt lõi của sàn UPCoM.

Phó tổng giám đốc HNX: Không nên biến UPCoM thành sàn niêm yết thứ ba ảnh 1

 Ông Nguyễn Vũ Quang Trung

Xin ông chia sẻ lý do cốt yếu xây dựng sàn UPCoM và từ khi thành lập, quá trình vận hành của UPCoM đã trải qua những giai đoạn nào?

UPCoM ra đời năm 2009 từ nhu cầu cấp thiết phải có một sàn giao dịch cho những cổ phiếu chưa niêm yết, khi mà diễn biến thực tế trước khi UPCoM ra đời cho thấy, giao dịch cổ phiếu tự do bên ngoài, tại các “sàn” OTC tự phát có quá nhiều rủi ro, gây ra những hậu quả đáng tiếc và khó lường cho các bên tham gia.

Trong mô hình đầu tiên, HNX thiết kế UPCoM là sàn giao dịch của cổ phiếu công ty đại chúng, cung cấp thông tin về giá và khối lượng giao dịch thực sự của cổ phiếu chưa niêm yết cho nhà đầu tư. Quy chế đầu tiên của sàn này đưa ra là doanh nghiệp lên UPCoM  phải có một công ty chứng khoán thành viên cam kết hỗ trợ. Thành viên cam kết hỗ trợ chịu trách nhiệm về việc đảm bảo điều kiện đăng ký giao dịch ( ĐKGD) của tổ chức ĐKGD, thực hiện các thủ tục ĐKGD và hỗ trợ tổ chức ĐKGD công bố thông tin theo quy định… và cả làm thanh khoản (market maker).

Tuy vậy, giai đoạn từ 2009 đến 2012, hầu hết các công ty chứng khoán chưa quan tâm đến thị trường UPCoM nên họ không mấy mặn mà đối với vai trò thành viên cam kết hỗ trợ, dẫn tới việc doanh nghiệp đại chúng gặp khó khăn khi muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã xem xét sửa đổi quy định theo hướng không yêu cầu tổ chức đăng ký giao dịch phải có công ty chứng khoán bảo trợ nữa. Với cơ chế mới, trong 1 năm sau đó, UPCoM đã thu hút được khoảng 100 công ty lên sàn, thể hiện chính sách đã đi vào thị trường và đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, từ khi các quy định thúc doanh nghiệp sau cổ phần hóa lên UPCoM, bắt đầu từ Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã khiến lượng doanh nghiệp tăng nhanh trên UPCoM. Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp trên sàn này một mặt báo hiệu sự phát triển sang giai đoạn mới, mặt khác cũng làm gia tăng các hiện tượng bất thường, nguy cơ rủi ro mới bắt đầu xuất hiện.

HNX đã và sẽ làm cách nào để ngăn chặn hiện tượng “cổ phiếu rởm lên sàn”, thưa ông?

Thực tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng yêu cầu HNX tăng cường giám sát doanh nghiệp khi cổ phiếu đã giao dịch trên sàn. HNX đã và sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp giám sát khác với doanh nghiệp trên UPCoM như kiểm tra mã số thuế, báo cáo tài chính…, xác minh chi tiết hơn về hoạt động doanh nghiệp.

TTCK hoạt động trên nguyên tắc minh bạch, vì thế chúng tôi sẽ cố gắng minh bạch tối đa. Trên sàn niêm yết, doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định pháp luật. Trên sàn UPCoM, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin như doanh nghiệp đại chúng, chúng tôi đã thực hiện phân thành 2 bảng: Bảng cổ phiếu Premium và Bảng cổ phiếu cảnh báo. Chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về việc phân bảng trên UPCoM như thế đã đủ chưa, có cần tiếp tục phân bảng chi tiết hơn không, để giúp nhà đầu tư tăng khả năng hiểu rõ doanh  nghiệp, chủ động ra quyết định đầu tư trên cơ sở ý thức rõ cơ hội và rủi ro.

Tin bài liên quan