Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Phó Thủ tướng: Vì nền kinh tế cần vốn lớn để phát triển, TTCK phải bật lên

(ĐTCK) 5 năm tới, nền kinh tế nước ta cần một lượng vốn rất lớn để duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách rất ep hẹp, thì nguồn vốn từ thị trường, cụ thể từ hệ thống ngân hàng thương mại và TTCK trở nên rất quan trọng.

TTCK phải bật lên, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, song song với kênh dẫn vốn ngắn hạn là hệ thống ngân hàng.

Hiện tại, thị trường cổ phiếu có quy mô vốn hóa 36%% GDP là kết quả đáng ghi nhận, nhưng mục tiêu Chính phủ đặt ra là quy mô vốn hóa TTCK phải đạt 70% GDP vào năm 2020. Đây là mục tiêu tham vọng, nhưng các nhà đầu tư rất chờ đợi kết quả này. Để nâng quy mô TTCK, một trong những việc cần làm là tiếp tục đổi mới, sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước.

Trong phần công việc này, chúng ta đã có quy định gắn DN sau cổ phần hóa với việc đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng thực tế triển khai cho thấy có không ít DN không thực hiện. Vậy vướng mắc ở đâu, gỡ vướng thế nào, chế tài là gì, DN không tham gia TTCK thì trách nhiệm thuộc về ai? Đó là những việc chúng ta cần bàn, cần làm để thực hiện mục tiêu chính của TTCK.

Về thị trường trái phiếu, Việt Nam ghi danh mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (31%/năm), nhưng hiện tại, 80% vốn đầu tư trên thị trường này đến từ các ngân hàng thương mại. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để thị trường trái phiếu có nhiều nhà đầu tư mới, phát triển độc lập và vững vàng. Bên cạnh đó, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là việc cần phải quan tâm thực hiện, khi ở nhiều nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất phát triển và sản phẩm này có thể hỗ trợ các DN khởi nghiệp tìm vốn.

Về nhà đầu tư, bên cạnh các nhà đầu tư trong nước thì TTCK mới thu hút được khoảng 15 tỷ USD vốn gián tiếp. Nếu so với vốn ngoại vào Việt Nam qua kênh đầu tư trực tiếp, con số này còn khá khiêm tốn. Vậy thị trường cần cơ chế, chính sách gì để gỡ khó, tăng sức hấp dẫn các dòng vốn chuyên nghiệp, là điểm Chính phủ rất muốn lắng nghe.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội 2016-2020 đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, tái cấu trúc thị trường tài chính, ngân hàng để tạo động lực phát triển mới. Liên quan đến thị trường tài chính, mục tiêu đặt ra là phải phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thúc TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn để thị trường tiền tệ làm đúng chức năng dẫn vốn ngắn hạn, giảm áp lực vốn ngắn hạn tài trợ cho các hoạt động dài hạn như hiện nay.

(Ghi nhận từ cuộc làm việc của Phó Thủ tướng với ngành chứng khoán tháng 4/2016).

Tin bài liên quan