Phó chủ tịch UBCK: Cần có sự bao dung với thị trường chứng khoán

Phó chủ tịch UBCK: Cần có sự bao dung với thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Không chỉ là kênh huy động và phân bổ vốn, TTCK còn cần được nhìn nhận như giải pháp thực thi tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy sự minh bạch và tạo nền tảng thiết lập hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột.

Điều cần nhất trên chặng đường dài phía trước là sự đột phá về tư duy để định dạng, xác định đúng vai trò của TTCK trong nền kinh tế. Cùng với đó, cần có cả sự bao dung TTCK trong giai đoạn đầu để có thái độ nuôi dưỡng, trân trọng nhà đầu tư, bởi có được sự phát triển của TTCK trong thời gian qua là nhờ vào nhà đầu tư.

Đó là chia sẻ của Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), TSKH. Nguyễn Thành Long tại hội thảo bàn về vai trò của TTCK đối với nền kinh tế do HOSE vừa tổ chức. ĐTCK xin chia sẻ góc nhìn của ông Long với bạn đọc.

Vai trò TTCK chưa được nhìn nhận đầy đủ

So với thông lệ quốc tế, vai trò của TTCK Việt Nam là nhiều hơn và có những điểm khác biệt.

Thứ nhất, điều mà chúng ta cùng thống nhất là TTCK phải đóng góp vai trò huy động vốn trong nền kinh tế. Từ khi TTCK Việt Nam hoạt động đến nay, tổng huy động vốn ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng.

Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, 2010-2015, lượng vốn huy động qua TTCK gấp trên 4 lần trong 5 năm trước đó, 2005-2010 và gấp rất nhiều lần so với 5 năm đầu tiên, 2000-2005. Lượng vốn huy động qua TTCK có những thời điểm đáp ứng tới gần 30% vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô vốn hóa TTCK có biến động, có giai đoạn đạt trên 43% GDP, nay 31-32%. Số lương tài khoản NĐT tăng liên tục, hiện đạt trên 1,6 triệu tài khoản.

Rất nhiều DN niêm yết thông qua TTCK đã tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn, có những DN qua TTCK đã tăng vốn 18-20 lần, những DN lớn nhất đã tăng vốn bình quân 60%/năm kể từ khi niêm yết. TTCK đã trở thành kênh huy động vốn cho các DN và nền kinh tế. Không chỉ khơi thông vốn trong nước, mà quan trọng hơn, TTCK còn khơi thông vốn nước ngoài.

Về dòng vốn nước ngoài, theo thống kê, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài năm 2009 là 6,34 tỷ USD; năm 2014 là 13,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

Những con số trên cho thấy, lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào TTCK Việt Nam có xu hướng tăng bền vững, kể cả khi thị trường thế giới có sự biến động hay những giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu cần phải khắc phục.

Vai trò thứ hai của TTCK là đảm nhận chức năng phân bổ vốn hiệu quả. Dòng vốn qua TTCK là dòng vốn thông minh, bởi nó ưu tiên chảy vào những DN nào có tiềm năng phát triển hoặc có kết quả phát triển tốt. Chính dòng vốn đầu tư theo tín hiệu thị trường như vậy đã dẫn đến việc các DN phải cạnh tranh nhau không phải vì sản phẩm, dịch vụ, mà cạnh tranh nhau để huy động vốn từ thị trường cho đầu tư phát triển. Từ đây sẽ thúc đẩy những phát kiến, sáng tạo của các DN và của cả nền kinh tế.

Phó chủ tịch UBCK: Cần có sự bao dung với thị trường chứng khoán ảnh 1

Chức năng thứ ba là TTCK đã thiết lập chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin. Khi chưa có TTCK, hầu như chưa có nhận diện rõ nét về vai trò, chức năng, trách nhiệm của Chủ tịch/thành viên HĐQT/Ban kiểm soát. Khi TTCK ra đời, các chủ thể nhận rõ hơn mối quan hệ này, giúp DN minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình cao hơn. Thực tế, các DN niêm yết có sức cạnh tranh cao hơn DN chưa niêm yết, đây chính là yếu tố thúc đẩy tính cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Chức năng thứ tư, TTCK Việt Nam chưa có cơ hội để bộc lộ, đó là chức năng tạo nền tảng thiết lập hệ thống an sinh xã hội đa trụ cột. Hiện mới có một trụ cột là bảo hiểm xã hội, chúng ta còn thiếu tối thiểu 2 trụ cột theo thông lệ quốc tế, đó là quỹ hưu trí bổ sung và quỹ hưu trí tự nguyện, đều dựa trên nền tảng là sản phẩm đầu tư trên TTCK.

Các chức năng trên cũng chính là các chức năng căn bản của TTCK theo thông lệ quốc tế. Với riêng Việt Nam, TTCK còn có những chức năng khác.

Cụ thể, TTCK hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc DNNN. TTCK là nơi giúp DNNN chuyển thành công ty cổ phần, huy động vốn, chuyển từ vốn Nhà nước sang vốn của cổ đông. Bên cạnh đó, TTCK là nơi lan tỏa quy định, cơ chế về minh bạch, công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, về cơ chế giải trình cho DNNN.

Tiếp đến, TTCK là hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thực tế 15 năm qua cho thấy, thông qua TTCK, các ngân hàng đã huy động lượng lớn vốn thực hiện các giải pháp phát triển.

Từ năm 2005 đến nay, các ngân hàng đã huy động được 252.000 tỷ đồng, giúp tổng vốn điều lệ của các ngân hàng tăng từ 20.600 tỷ đồng lên 272.600 tỷ đồng, gấp trên 13 lần. Con số này từ đâu ra: từ TTCK. TTCK theo đó chính là kênh hỗ trợ trực tiếp hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc.

Phó chủ tịch UBCK: Cần có sự bao dung với thị trường chứng khoán ảnh 2

Điều đáng mừng là quy mô huy động vốn trên TTCK mặc dù thiếu ổn định theo từng giai đoạn, nhưng có xu hướng tăng dần, trong khi đó, lượng vốn thông qua hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm dần. Có nghĩa là TTCK từng bước thực hiện được chức năng hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc cung ứng này đã đạt chưa? Dòng vốn ngân hàng vẫn chiếm đâu đó gấp đôi dòng vốn qua TTCK cho thấy, TTCK còn chưa xứng tầm và cần được tiếp tục quan tâm, phát triển. Từng bước, Việt Nam đang thiết lập được hệ thống tài chính cân bằng hơn, dựa trên 2 trụ cột là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, quy mô thị trường tiền tệ vẫn cao, dù thực tế trong vòng 15 năm phát triển TTCK, chúng ta đang hướng đến sự cân bằng cần thiết này.

Quan sát sự biến động của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhiều nhà khoa học có chung nhận định, những nền kinh tế mà hoạt động tài trợ vốn chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Nhật Bản, trong một hội thảo tại Việt Nam vừa qua đã chia sẻ, nước Nhật sau quá trình nhìn nhận lại hệ thống tài chính phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng thì họ đã mất 15 năm xử lý nợ xấu, sở hữu chéo. Nhật Bản đã nhìn ra giải pháp tốt nhất để tránh rủi ro sau này là phát triển hệ thống tài chính đa dạng, trong đó thị trường vốn phải có tỷ trọng lớn hơn.

Cần đột phá về tư duy và cả sự bao dung với TTCK

Trong 5 năm tới, 2015-2020, việc phát triển TTCK sẽ vẫn thực hiện giải pháp được đề cập tại Quyết định 252/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các giải pháp vĩ mô, chúng tôi cho rằng, cần gắn chặt sự phát triển của TTCK vào quá trình trình cải cách thể chế, tái cơ cấu để phát triển nền kinh tế.

TTCK không chỉ là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế giúp DN và Chính phủ huy động vốn, mà còn phải nhìn nhận rõ nét hơn, sự phát triển của thị trường là công cụ, giải pháp quan trọng hỗ trợ cải cách và tái cấu trúc DNNN, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Nếu đưa được vị thế, vai trò của TTCK vào các chương trình phát triển lớn của nền kinh tế thì chúng ta sẽ có giải pháp thúc đẩy TTCK hiệu quả hơn.

Thứ hai là phải tranh thủ các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình cải cách thể chế trong nước đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Cải cách mạnh mẽ thể chế, mục tiêu xuyên suốt là khơi thông triệt để dòng vốn trong nước và thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài. TTCK phải được coi là kênh huy động vốn quan trọng, phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường.

Thứ ba là các giải pháp trong nội tại nền kinh tế. Thực hiện tốt các giải pháp về tái cấu trúc, cụ thể là về hàng hóa. Cần phải tiếp tục tăng cung và đa dạng hóa nguồn cung. Việc này thực hiện qua gắn cổ phần hóa với niêm yết và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường theo thông lệ quốc tế. Từng bước ban hành và áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo thông lệ quốc tế.

Phó chủ tịch UBCK: Cần có sự bao dung với thị trường chứng khoán ảnh 3 Tỷ trọng giữa ba loại thị trường: Chứng khoán, trái phiếu và tín dụng

Về sức cầu, cơ sở nhà đầu tư là quan trọng, phải nuôi dưỡng, trân trọng nhà đầu tư. TTCK phát triển trong thời gian vừa qua chủ yếu là nhờ nhà đầu tư. Theo đó, cần tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thu hút sự  tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ, kết hợp khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức. Lấy hệ thống nhà đầu tư tổ chức làm nền tảng để thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững của thị trường. Về định chế tài chính trung gian, tái cấu trúc, nâng cao năng lực, hiện đại hóa TTCK…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo tôi, không phải là giải pháp về nghiệp vụ, mà là một yếu tố mang tính xã hội. TTCK cần phải được nhìn nhận và định dạng đúng vị trí, vai trò trong nền kinh tế, phải có đột phá tư duy, trong đó TTCK phải được chú tâm phát triển để cùng gánh vác vai trò chu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Cùng với đó, cần có thái độ bao dung TTCK trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường. Không nên nhìn TTCK chỉ là nơi đầu cơ theo ý nghĩa tiêu cực, mà đó là nơi nhà đầu tư gửi gắm, đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi vào doanh nghiệp. Giao dịch giữa các nhà đầu tư, đơn giản chỉ là sự thay thế nhau làm chủ các khoản đầu tư đó.

Giao dịch càng nhiều, càng sôi động, thị trường càng thanh khoản. Tính thanh khoản TTCK tốt thì các tổ chức phát hành như DN, Chính phủ mới dễ huy động được vốn với chi phí hợp lý. Vì thế, tính thanh khoản của TTCK là điều cần phải khuyến khích, vì đây là yếu tố đầu tiên giúp các chủ thể khai thác tính hiệu quả của thị trường này.

Tin bài liên quan