Phiên sáng cuối tuần 15/1: Dòng tiền đứng ngoài, VN-Index tiếp tục rơi

Phiên sáng cuối tuần 15/1: Dòng tiền đứng ngoài, VN-Index tiếp tục rơi

(ĐTCK) Sức cầu quá yếu ớt khi mà nhà đầu tư dường như chỉ đứng ngoài quan sát khiến VN-Index quay đầu giảm điểm sau nhịp tăng đầu phiên, về gần mốc 550 điểm.

Sau phiên giảm mạnh có phần hơi quá đà hôm qua 14/1, lượng cung giá đỏ đã được thay thế bằng mức giá xanh, vì vậy các chỉ số đều khởi đầu trong sắc xanh. Dù vậy, giao dịch vẫn hết sức thận trọng.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 1,32 điểm (+0,24%) lên 554,35 điểm. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 2,64 triệu đơn vị, giá trị 26,58 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư tiếp tục giao dịch thận trọng và các lệnh khớp mang tính thăm dò thị trường là chính, nhất là sau phiên giảm mạnh trước đó. Bởi vậy, đà hồi phục của thị trường gặp khá nhiều khó khăn, VN-Index giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục là trụ đỡ chính của thị trường khi đồng loạt tăng điểm từ sớm, dù không mạnh. Nguyên nhân có lẽ đến từ việc giá dầu thô thế giới ghi nhận mức hồi phục hơn 2% trong phiên hôm qua.

GAS, PVD, PVS, PVC, PLV đang có  được mức tăng nhẹ 1-2 bước giá, trong khi PVT và PGS đang giảm tối thiểu.

Một số mã lớn khác cũng có được mức tăng nhẹ như KDC,FPT, HSG, VNM, REE, NTP, DBC, AAA…

Trong khi đó, cũng có khá nhiều mã lớn khác đang giảm điểm nhẹ, khiến đà tăng của thị trường bị kìm hãm như BVH, MSN, VIC, SSI… Nhóm ngân hàng cũng tạo lực cản VN-Index khi đang lình xình quanh mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, các mã ngân hàng trên sàn HXN đang hỗ trợ tốt cho chỉ số sàn này, trong đó ACB đang tăng 200 đồng lên 19.200 đồng/CP.

Giống như vài phiên gần đây, giao dịch ở các mã lớn trong thời gian đầu phiên diễn ra chậm. Hoạt động chủ yếu vẫn tập trung tại một số mã có tính đầu cơ.

FLC gây chú ý khi đang có được sức cầu tốt, hiện khớp trên 5,4 triệu đơn vị và lình xình quanh mốc tham chiếu 7.000 đồng/CP.

Tại thời điểm 10h15, VN-Index giảm 0,52 điểm (-0,59%) xuống 552,51 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 27,68 triệu đơn vị, giá trị 398,76 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,32 điểm (+0,43%) lên 76,03 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 10,76 triệu đơn vị, giá trị 106,6 tỷ đồng.

Dần về cuối phiên, sức cầu càng trở yếu ớt. Việc dòng tiền gần như đã đứng ngoài thị trường khiến đà giảm VN-Index được nới rộng thêm và lùi gần về ngưỡng 550 điểm, HNX-Index cũng chỉ giữ được sắc xanh do thị trường bước vào giờ nghỉ.

Kết thúc phiên sáng, với 55 mã tăng và 108 mã giảm, VN-Index giảm 2,02 điểm (-0,37%) xuống 551,01 điểm. Chỉ số VN30 giảm 4,55 điểm (-0,8%) xuống 564,62 điểm với 4 mã tăng và 21 mã giảm.

Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 49,3 triệu đơn vị, giá trị gần 779 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tới hơn ¼ với gần 213 tỷ đồng, tương đương hơn 8 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là các thỏa thuận của gần 3,76 triệu cổ phiếu FDC ở mức giá sàn 19.600 đồng, tương ứng giá trị gần 74 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu HQC, giá trị 5 tỷ đồng; 1,2 triệu cổ phiếu PAN, giá trị 37,2 tỷ đồng; 0,63 triệu cổ phiếu MSN, giá trị hơn 46 tỷ đồng; 0,84 triệu cổ phiếu HNX, giá trị hơn 21 tỷ đồng…

Còn với 50 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%) lên 75,73 điểm. Chỉ số  HNX30 tăng 0,14 điểm (+0,11%) lên 132,49 điểm với 7 mã tăng và 14 mã giảm.

Tổng giá trị giao dịch chỉ là 18,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 179 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,15 tỷ đồng.

Sức cầu suy yếu khiến độ rộng thị trường càng tiêu cực về cuối phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu lớn thể hiện rõ nhất khi đồng loạt giảm điểm.

BVH giảm 700 đồng về 48.300 đồng/CP. MSN giảm 500 đồng về 73.500 đồng/CP. VIC giảm 400 đồng về 47.600 đồng/CP. STB giảm 500 đồng về 11.400 đồng/CP, các ngân hàng khác cũng giảm từ 1-2 bước giá. HPG giảm mạnh 800 đồng về 25.700 đồng/CP và khớp 1,1 triệu đơn vị.

Ngay cả nhóm dầu khí cũng chỉ còn lại GAS, PVD và PVS tăng nhẹ, còn lại cũng đều quay đầu giảm điểm.

Chỉ số HNX-Index giữ được sắc xanh là nhờ một số mã lớn như NTP tăng 500 đồng lên 54.000 đồng/CP, DCB tăng 800 đồng lên 27.000 đồng/CP, ACB tăng 100 đồng lên 19.100 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản với 8,79 triệu đơn vị được khớp và đứng giá tham chiếu. HAG tiếp tục giảm nhẹ 1 bước giá xuống 10.200 đồng/CP và khớp 1,85 triệu đơn vị.

Toàn thị trường cũng chỉ có thêm ITA, HQC, VHG, BHS, KSA, SCR là đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đa phần là giảm điểm và đứng giá tham chiếu. SCR khớp được 2,6 triệu đơn vị.

Hiện thị trường vẫn trong trend giảm, việc suy đoán đáy của đợt giảm này tương đối rủi ro do thị trường hiện chịu nhiều tác động khác nhau.
Tin bài liên quan