Phiên sáng cuối tuần 13/11: Giữ vững đà tăng

Phiên sáng cuối tuần 13/11: Giữ vững đà tăng

(ĐTCK) Thị trường phiên sáng nay giằng co mạnh khi một bên là sự hỗ trợ của bộ ba VNM, FPT, BVH, còn bên kia là sức ép từ nhóm cổ phiếu dầu khí do tác động của giá dầu thô giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền vẫn chảy mạnh, thị trường đã giữ vững được sắc xanh.

Nhìn chung, thị trường phiên 12/11 chỉ thực sự tích cực ở nửa cuối phiên chiều. Việc dòng tiền mạnh mẽ một cách bất ngờ trong nửa cuối phiên không chỉ giúp thị trường tăng điểm trở lại mà còn giúp thanh khoản được cải thiện mạnh, qua đó chấm dứt chuỗi 04 phiên liên tiếp giảm điểm đi kèm việc hạn chế của thanh khoản.

Mặc dù ghi nhận sự tích cực của dòng tiền, nhưng việc thị trường hồi phục vẫn dựa chủ yếu vào các mã lớn như VNM, FPT, BVH... khiến đà tăng chưa thực sự vững vàng. Bởi vậy, có nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ vẫn diễn biến giằng co tích lũy trong ngắn hạn.

Bước vào phiên giao dịch sáng 13/11, thị trường đã giao dịch thận trọng trở lại, sắc đỏ ở nhiều mã lớn khiến thị trường giảm điểm ngay khi mở cửa.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,39%) về 604,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 86 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, hoạt động giao dịch cũng đã linh hoạt hơn, tuy nhiên 2 bên mua bán đang so kè nhau khiến thị trường đang có sự giằng co khá mạnh quanh mốc tham chiếu và liên tục đổi màu.

Áp lực ở nhóm cổ phiếu lớn vẫn được duy trì, nhưng các mã trụ như VNM, FPT, BHV... vẫn khá vững vàng. VNM đang tăng 3.000 đồng lên 135.000 đồng/CP. BVH tăng 1.000 đồng lên 59.500 đồng/CP. FPT tăng 500 đồng lên 53.500 đồng/CP.

Trong khi đó, do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thể giới, nhóm dầu khí đang bị bán mạnh. Các mã GAS, PVD, PVT, PVS, PVC, PVB… đồng loạt giảm điểm khá mạnh và là lực cản chính của thị trường. Trong đó, GAS giảm tới 1.400 đồng về 43.300 đồng/CP, PVD giảm 900 đồng về 32.900 đồng/CP, PVS giảm 500 đồng về 20.400 đồng/CP....

Nhóm cổ phiếu thị trường đang giao dịch nhúc nhắc. Dòng tiền đang tập ttrung mạnh tại FLC giúp thanh khoản mã này tăng tốt.

Đáng chú ý, CII cũng đã tăng nhẹ sau vài phiên giảm mạnh, dù vậy thanh khoản lại đì đẹt. Cổ phiếu này suy giảm sau khi thông tin hàng loạt dự án BOT của CII bị thanh tra được công bố. Chiều qua, lãnh đạo CII đã lên tiếng về việc thanh tra này và cho biết đó chỉ là hoạt động thanh tra thường kỳ. Ngoài ra, việc cổ phiếu CII nằm trong số 06 cổ phiếu Việt Nam được thêm mới vào rổ rổ tính chỉ số của MSCI Frontier Markets cũng góp phần giúp cổ phiếu này tăng trở lại.

VN-Index vẫn liên tục “nhấp nháy” khi diễn biến giằng được duy trì cho đến hết phiên. Dưới sức ép ngày càng tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí, nhưng nhóm cổ phiếu lớn vẫn hoàn thành “nhiệm vụ” giữ sắc xanh cho VN-Index, trong khi HNX-Index lại không có được may mắn này. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ khi hoạt động giao dịch được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, với 92 mã tăng và 99 mã giảm, VN-Index tăng 0,55 điểm (+0,22%) lên 606,13 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 3,76 điểm (+0,61%) lên 6168,15 điểm với 13 mã giảm và 13 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,48 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.137 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,9 triệu đơn vị, giá trị 94,61 tỷ đồng.

Còn với 71 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) về 81,05 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,23 điểm (-0,16%) về 148,88 điểm với 16 mã giảm và 10 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,9 triệu đơn vị, giá trị 261,21 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,1 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường giằng co mạnh, nhưng nhìn chung độ rộng là khá cân bằng. Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục là bệ đỡ chính của thị trường. Ngoài “bộ ba hoàn hảo” VNM, FPT, BVH, một số mã lớn khác cũng có được sắc xanh như VIC, STB, MBB, SSI, HCM, KDC, GMD... Trong đó, VNM vẫn tăng 3.000 đồng lên 135.000 đồng/CP, FPT và BVH cùng tăng 500 đồng. MBB tăng 300 đồng lên 14.900 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.

Ngược lại, GAS giảm mạnh 1.500 đồng xuống 43.300 đồng/CP, PVD giảm 800 đồng xuống 33.000 đồng/CP... và các mã lớn khác như VCB, BID, CTG, MSN, HPG, HSG, HAG, REE… cũng giảm điểm, nhưng mức giảm nhẹ.

Hoạt động giao dịch vẫn tập trung tại một số mã vừa và nhỏ. nổi bật nhất là “anh em” nhà FLC-FIT và KLF trên HNX. FLC khớp được hơn 13,5 triệu đơn vị và tăng 400 đồng lên 8.100 đồng/CP. FIT khớp hơn 5 triệu đơn vị, tăng 200 đồng lên 10.300 đồng/CP.

Ngoài ra, mã đáng chú ý khác là CII và LDG đều tăng trở lại sau khi công bố thông tin phản hồi. Cả CII và LDG cùng tăng 400 đồng và đều khớp trên 1,5 triệu đơn vị.

Trên HNX, chỉ số sàn này chưa về được tham chiếu khi thiếu sự hỗ trợ của các mã lớn khác, trong khi vẫn chịu sức ép lớn từ nhóm dầu khí.

Chỉ PLC là tăng, còn lại đều giảm điểm. PLC tăng mạnh 1.400 đồng lên 37.200 đồng/CP, trong khi PVB giảm 900 đồng về 33.800 đồng/CP, PVS và PVC cùng giảm 500 đồng.

Cũng giống như nhóm được SCIC thoái vốn, NPT cũng tăng mạnh 2.900 đồng lên 61.900 đồng/CP.

KLF dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 2,7 triệu đơn vị và tăng 100 đồng lên 4.500 đồng/CP. Ngoài ra, có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SCR, TIG và HKB. Trong đó HKB giảm sàn 2.000 đồng, về mức 18.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan