Phiên sáng cuối tuần 11/9: Giằng co

Phiên sáng cuối tuần 11/9: Giằng co

(ĐTCK) Cũng vẫn như các phiên trước, sự thận trọng cao khiến thị trường giao dịch vẫn rất chậm. Trong khi nhóm ngân hàng đang chịu áp lực nhẹ, thì nhóm dầu khí đóng vai trò trụ đỡ thị trường, khiến thị trường giằng co mạnh trong phiên giao dịch sáng nay.

Thị trường trong hơn 1 tuần qua đang ở xu hướng điều chỉnh tích lũy trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ. Chưa xuất hiện sự giảm điểm nào gây tiêu cực lên thị trường, nhưng thanh khoản lại là vấn đề lớn khi không ít phiên rơi vào tình trạng gần như cạn kiệt.

Có nhiều nhiều nguyên nhân khiến thanh khoản trở nên èo uột, song có nhiều đánh giá cho rằng, nguyên nhân chính vẫn đến từ tâm lý hết sức thận trọng của nhà đầu tư.

Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Dự cảm TTCK cuối năm 2015 trước biến động của tỷ giá và giá dầu” diễn ra vào ngày 9/9 vừa qua, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ có “cửa sáng” khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định dần. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường sẽ khó “sáng” ngay được khi tình hình tỷ giá và giá dầu vẫn còn là “ẩn số”.

Cùng với đó là việc giới đầu tư còn đang trông chờ quyết định của FED về điều chỉnh lãi xuất trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở thuộc FED (FOMC) dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần tới, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động khối ngoại, nhất là tại các quỹ ETF.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng 11/9, cũng như những phiên trước, sự thận trọng vẫn bao trùm thị trường khiến hoạt động giao dịch chỉ nhúc nhắc, VN-Index chỉ vừa đủ tăng khi mở cửa.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,07 điểm (+0,01%) lên 572,14 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 1,3 triệu đơn vị, giá trị 17,72 tỷ đồng.

Việc giá dầu thế giới tăng trở lại khiến nhóm dầu khí cùng tăng điểm ngay từ đầu phiên, qua đó giúp chỉ số có được sắc xanh nhạt. Tối qua, giá dầu thô đã hồi phục khi nhu cầu xăng của Mỹ gia tăng.

GAS và PVD vẫn là 2 mã tăng tốt nhất trên HOSE với mức tăng lần lượt là 800 đồng và 400 đồng. Còn trên HNX, các mã dầu khí lớn là PVC, PVB, PVS, PVG cùng đều tăng điểm, chỉ PLC là đang giảm nhẹ 1 bước giá.

Tuy nhiên, thị trường cũng đang chịu áp lực nhẹ từ nhóm ngân hàng và chứng khoán sau chuỗi tăng khá tốt vừa qua. Trong nhóm này, chỉ EIB đang tăng nhẹ, đa phần đứng tham chiếu hoặc giảm điểm nhẹ. Các mã SSI, STB, SHB, ACB đang giảm từ 1-2 bước giá.

Trong cùng bối cảnh ảm đạm chung, nhóm cổ phiếu thị trường cũng đang giao dịch chậm, tuy nhiên nhiều mã đều có xanh nhạt. Sau gần 1 giờ giao dịch, trên 2 sàn chỉ có đúng 2 mã đạt thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị là LDG và VIX. Cả 2 mã này cũng đang tăng khá tốt.

Áp lực từ nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường có thời điểm bị đẩy lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Nhưng với sự vững vàng của nhóm dầu khí, trong khi nhóm ngân hàng cũng hồi phục nhẹ trở lại, đặc biệt là sự bứt lên của nhóm bất đống sản, thị trường đã lấy lại được sắc xanh.

Thanh khoản chung của thị trường tuy đã cải thiện rõ rệt so với sáng qua nhưng vẫn ở mức rất thấp, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt chưa đầy 1.000 tỷ đồng.

Kết thúc phiên sáng, với 109 mã tăng và 68 mã giảm, VN-Index tăng 1,38 điểm (+0,24%) lên 573,45 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,18 điểm (+0,03%) lên 588,72 điểm với 13 mã tăng và 7 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 40,7 triệu đơn vị, giá trị 734,68 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 8,35 triệu đơn vị, giá trị gần 177 tỷ đồng. Đáng chú ý có, 3 triệu cổ phiếu PAN thòa thuận ở mức sàn, trị giá 95,4 tỷ đồng; 3,332 triệu cổ phiếu LSS ở mức trần, trị giá 30,66 tỷ đồng và 0,75 triệu cổ phiếu VIC ở mức tham chiếu, trị giá 31,8 tỷ đồng002E

Còn với 74 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,29%) lên 78,01 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,67 điểm (+0,47%) lên 144,96 điểm với 14 mã tăng và 6 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20 triệu đơn vị, giá trị gần 300 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1,4 triệu đơn vị, trị giá 30 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1 triệu cổ phiếu DBC, trị giá 26 tỷ đồng.

Áp lực bán khiến nhiều mã như VIC, MSN, HPG, PPC, DRC, CSM giảm điểm, nhưng không nhiều, trong khi VNM, HAG, HSG, FPT đứng giá tham chiếu. SSI vẫn giữ mức giảm 100 đồng, thanh khoản không cao khi chỉ khớp 0,83 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng có sự hồi phục nhẹ khi chỉ còn STB giảm 200 đồng, còn CTG, BID đã tăng nhẹ, trong khi VCB, MBB và EIB đứng mốc tham chiếu. Nhóm dầu khi vẫn tăng vững khi các mã dầu khí lớn như GAS, PVD, PVT... đều tăng khá tốt. Dù là điểm tựa chính của chỉ số, song thanh khoản ở các mã đều ở mức thấp.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại bất ngờ bứt lên ở nửa cuối phiên. Giao dịch khá mạnh ở nhóm này không chỉ giúp chỉ số duy trì được sắc xanh, mà còn giúp thanh khoản thị trường được cải thiện.

Đa phần các mã trong nhóm đều có mức tăng khá tốt cả thanh khoản lẫn điểm số. KBC, ITA thậm chí còn tăng kịch trần. KBC khớp mạnh nhất HOSE với 3,4 triệu đơn vị. ITA khớp được 2,8 triệu đơn vị. Các mã khác như FLC, DXG, HAI, LDG, VHG cũng tăng đều và cùng có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

KMR sau quyết định phát hành lại BCTC soát xét bán niên 2015 và chuyển từ lãi sang lỗ, cổ phiếu này đã có lúc giảm sàn. Nhờ sức cầu tốt, KMR chỉ còn giảm 200 đồng về mức 4.500 đồng và khớp 1,26 triệu đơn vị.

Sắc tím cũng xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ như SC5, CCI, EMC, BT6, KSA, KSH, KTB, GTT, NVT, SGT... Đáng chú ý, trong số các mã này không ít đang ở diện cảnh báo hoặc kiểm soát đặc biệt.

Trên HNX, với sự trở lại của nhóm ngân hàng (ACB, SHB), chứng khoán  (VND, SHS) cùng đà tăng vững của nhóm dầu khí (PVB, PVC, PVS, PVG, PLC), chỉ số HNX-Index hồi phục nhanh và tăng tốt hơn so với HOSE.

Mã KLF đứng giá tham chiếu và cũng là mã duy nhất trong nhóm HNX30 khớp được hơn 1 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản sàn HNX là VIX với 2,2 triệu đơn vị được khớp và tăng 500 đồng lên 8.900 đồng.

TIG khớp 1,98 triệu đơn vị và giảm 100 đồng xuống 11.300 đồng.

Tin bài liên quan