Phiên sáng 9/9: VNM tiếp tục bị ép

Phiên sáng 9/9: VNM tiếp tục bị ép

(ĐTCK) Thị trường tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của VCB, VIC và nhóm dầu khí. Tuy nhiên, mốc 670 điểm vẫn chưa thể chinh phục khi VNM tiếp tục bị khối ngoại ép trước đợt đợt mua vào của ETFs.

Thị trường đã tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua 8/9 khi các cổ phiếu bluechips có sự đồng thuận cao, nhất là tại các mã lớn như VNM, GAS, MSN, VIC…, trong đó đáng kể là việc cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM đã tăng trở lại, mặc dù vẫn chịu áp lực chốt lời mạnh từ khối ngoại.

Tuy nhiên, niêm vui của VNM không kéo dài lâu, khi trong phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu VNM đã giảm trở lại do lượng cung khá lớn. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn tăng khá mạnh ngay khi mở cửa trong phiên giao dịch sáng nay 9/9 khi sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechips  tiếp tục được duy trì, thanh khoản cũng tăng vọt nhờ giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu FPT.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,17 điểm (+0,48%) lên 669,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,84 triệu đơn vị, giá trị 226,12 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lênh liên tục, sắc xanh của VN-Index được mở rộng và chỉ số nhanh chóng chinh phục được mốc 670 điểm.

Như đã nêu trên, đà tăng của VN-Index tiếp tục đến từ nhóm cổ phiếu bluechips, trong đó trọng tậm là các cổ phiếu ngân hàng và dầu khí  đều tăng điểm.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, các mã GAS, PVD, PET, PXS… đang đều đang tăng điểm khá tốt, trong đó GAS tăng 2.000 đồng, PVD tăng 400 đồng… Nhóm cổ phiếu tăng điểm có lẽ xuất phát từ việc giá dầu thế giới đã tăng vọt trong phiên hôm qua, sau khi thông tin về nguồn cung dầu lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1999 được phát đi.

Tương tự là một số mã cổ phiếu ngân hàng, trong đó nổi bật là VCB khi đang tăng mạnh 5,87% lên 38.800 đồng/CP. Thanh khoản cũng rất tốt khi đang khớp hơn 1,4 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% và nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100:35 của VCB.

Ngoài ra, các mã VIC, FPT, SSI, HCM… cũng tăng điểm. Đáng chú ý, FPT có giao dịch thỏa thuận 3,96 triệu cổ phiếu, giá trị gần 192 tỷ đồng, hiện đang tăng 1,1% lên 46.100 đồng/CP.

Ngược lại, các mã VNM, BID, KDC, HSG, HSG… đang giảm điểm, khiến VN-Index chưa thể bứt lên. Trong đó, chỉ sau 1 phiên tăng, VNM đã giảm trở lại 1.000 đồng khi lượng cung khá lớn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch khá trầm lắng. Đáng chú ý vẫn là ROS khi cổ phiếu này đang hướng đến phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp khi giữ sắc tím, khớp lệnh 1,29 triệu đơn vị và còn dư mua 1,36 triệu cổ phiếu ở mức giá trần 17.400 đồng/CP.

Trên sàn HNX, mặc dù nhóm cổ phiếu đang giao dịch khá tích cực với đầu tàu là PVS, song do một số mã chủ chốt khác như ACB, AAA, DBC, LAS… đều đang giảm điểm khá, nên chỉ số HNX-Index chưa thể về mốc tham chiếu.

PVS đang tăng 200 đồng lên 21.100 đồng/CP và khớp 1,67 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

ACB giảm mạnh 500 đồng về 17.300 đồng/CP.

Sau khi “bốc” lên ở những thời điểm đầu phiên, thị trường đã trầm lắng hẳn trong thời gian còn lại. Tâm lý thận trọng cao độ khiến dòng tiền vào thị trường hết sức hạn chế. Theo đó, không chỉ thanh khoản suy giảm mạnh, VN-Index cũng rút khỏi mốc 670 điểm dù vẫn tăng điểm, sự biến chuyển có chăng chỉ là HNX-Index đã may mắn có được sắc xanh khi đà giảm ở một số mã trụ được thu hẹp.

Kết thúc phiên sáng 9/9, với 100 mã tăng và 96mã giảm, VN-Index tăng 3,42 điểm (+0,51%) lên 669,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 154,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.369 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với đạt 5,39 triệu đơn vị, giá trị hơn 250 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,17 triệu cổ phiếu FPT, của khối ngoại, giá trị gần 202 tỷ đồng.

Còn với 89 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%) lên 84,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,95 triệu đơn vị, giá trị 303,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,7 triệu đơn vị, giá trị 21,54 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3,12 triệu cổ phiếu S47, giá trị 15,6 tỷ đồng.

Sự thận trọng khiến đà tăng của GAS, VIC, VCB, FPT, PVD… có phần suy giảm, nên không đủ mạnh để giữ VN-Index trụ lại trên mốc 670 điểm.

GAS chỉ còn tăng 1,6% lên 65.500 đồng/CP. PVD giảm mức tăng về 1,5%, đạt 27.100 đồng/CP và khớp 1,34 triệu đơn vị.

Dù được khối ngoại thỏa thuận mạnh, song FPT cũng hạ nhẹ độ cao xuống 0,9%, đạt 46.000 đồng/CP và khớp 1,19 triệu đơn vị.

VCB vẫn tăng 5,5% lên 38.700 đồng/CP và khớp 1,97 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, các mã BID, KDC, HPG… vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong đó, HPG giảm 0,4% xuống 44.700 đồng/CP và khớp 1,38 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, kể từ khi thông tin đàm phán để mua lại cụm công nghiệp mía đường tại Lào của HAG, cổ phiếu SBT tiếp tục giảm mạnh 2,6% xuống 33.700 đồng/CP và khớp 2,1 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên HOSE. Cổ phiếu HAG cũng giảm nhẹ 100 đồng về 5.600 đồng/CP và khớp được 1,14 triệu đơn vị, trong khi HNG tăng nhẹ nhưng thanh khoản không cao.

Trong khi đó, VNM tiếp tục bị khối ngoại ép trước kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF với dự báo 2 quỹ này (FTSE đã thâm VNM vào danh mục) sẽ mua vào lượng lớn cổ phiếu VNM. Trong phiên sáng nay, VNM giảm 0,68%, xuống 146.000 đồng.

Tương tự là HSG, sau thông tin FTSE thêm vào danh mục trong đợt tái cơ cấu lần này, cũng thường bị ép giảm 3 phiên liên tiếp. Sau khi hồi nhẹ trong phiên hôm qua, sáng nay, HSG giảm trở lại 1,14%, xuống 43.500 đồng.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE là DLG với 2,3 triệu đơn vị được khớp, song vẫn giảm nhẹ 1 bước giá về 5.200 đồng/CP.

Các mã vừa và nhỏ khác cũng giao dịch không mạnh và đa phần giảm điểm nhẹ hoặc đứng giá tham chiếu như ITA, HQC, FIT…

Trong khi đó, ROS vững vàng với sắc tím, khớp lệnh 1,29 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,75 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đa phần các mã bluechips trên sàn này vẫn khá yếu, nên rổ HNX30 chưa thể tăng, song HNX-Index vẫn may mắn có được sắc xanh khi mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB đã về được mốc tham chiếu 17.800 đồng/CP, thay vì mức khá mạnh đầu phiên.

Các mã dầu khí đều yếu đà, trong đó PVS chỉ còn tăng tối thiểu lên 21.300 đồng/CP và khớp 2,08 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HNX về thanh khoản.

Ngoài PVS, trên HNX chỉ có thêm DCS là mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị (1,33 triệu) và tăng nhẹ 100 đồng lên 3.300 đồng/CP.

Tin bài liên quan