Phiên sáng 7/4: Thoát hiểm trong tích tắc

Phiên sáng 7/4: Thoát hiểm trong tích tắc

(ĐTCK) Dòng tiền thận trọng trong khi lực bán khá mạnh khiến cả 2 sàn lùi sâu trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, khi về gần mốc 720 điểm, lực cầu gia tăng, giúp VN-Index hồi trở lại, cộng thêm chút may mắn, chỉ số này đã thoát hiểm trong tích tắc, trong khi HNX-Index vẫn giảm sâu khi chốt phiên.

Sau chuỗi ngày dài thay thế nhau làm trụ đỡ dẫn dắt thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip bắt đầu điều chỉnh mạnh trong phiên 5/4. Các mã trong nhóm VN30 và HNX30 hầu hết đều chuyển đỏ đã kéo thị trường đi xuống, các chỉ số quay đầu giảm điểm sau 2 phiên tăng đầu tuần liên tiếp.

Cũng như những dịp lễ trước đây, thị trường đã quay lại sau ngày nghỉ với giao dịch khá thận trọng, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Trong gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chưa tới 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, áp lực bán vẫn dâng cao và lan rộng bảng điện tử khiến sắc đỏ ngập tràn. Đặc biệt, các cổ phiếu trong nhóm bluechip tiếp tục tạo sức ép lên thị trường khiến đà giảm ngày càng sâu hơn. Trong khi VN-Index đe dọa mốc 720 điểm, thì HNX-Index lui về sát ngưỡng 90 điểm.

Trên sàn HOSE có tới 128 mã giảm, gấp gần 2 lần số mã tăng (chỉ 68 mã), trong đó nhóm VN30 có tới 24 mã giảm và 5 mã tăng.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí đang đóng vai trò là các mã phanh của thị trường, cụ thể, GAS tăng 1,82%, còn PVD tăng 0,76%.

Trong khi đó, “ông lớn” VNM đang điều chỉnh khá sâu, với mức giảm 1,32%, xuống mức 141.500 đồng/CP. Cộng thêm đó là đà suy giảm đáng kể của các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng.

Hầu hết các mã dòng bank đều quay đầu giảm khá mạnh. Trong đó, STB sau phiên điều chỉnh nhẹ vào ngày 5/4, đã tiếp tục rớt giá khi giảm tới 4,1%, tạm đứng tại mức giá 11.800 đồng/CP. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ vẫn khá tích cực giúp khối lượng giao dịch của STB đạt 6,12 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường. Còn các mã khác trong nhóm vẫn giao dịch khá thấp.

Tâm điểm đáng chú ý vẫn là ITA. Cổ phiếu này tiếp tục bị bán tháo trong khi lực cầu hấp thụ không còn duy trì sức mạnh như phiên giao dịch trước khiến thanh khoản sụt giảm cùng lượng dư bán sàn chất đống. Hiện ITA lui về mức giá sàn 3.380 đồng/Cp với khối lượng khớp 3,53 triệu đơn vị và dư bán sàn lên tới 15,5 triệu đơn vị.

Tương tự, các cổ phiếu nhóm P trên sàn HNX cũng đóng vai trò là lực đỡ chính của thị trường, tuy nhiên, không đủ sức để giúp thị trường hồi phục, dù sắc xanh có le lói đầu phiên.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, thanh khoản thị trường bất ngờ tăng vọt với sự đóng góp chính đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu lớn MSN. Cụ thể, MSN đã thỏa thuận 27,67 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị lên tới gần 1.270 tỷ đồng.

Sau gần nửa phiên giao dịch thận trọng, dòng tiền đã trở nên mạnh dạn nhập cuộc giúp các cổ phiếu bluechip thu hẹp đà giảm, tạo điều kiện cho thị trường lấy lại cân bằng và thoát hiểm trong tích tắc.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,01%) lên 723,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 117,74 triệu đơn vị, giá trị 3.032,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 30,96 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.344 tỷ đồng. VN30-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,09%) xuống 690,43 điểm với 11 mã tăng, 17 mã giảm và 2 mã đứng giá.

Trong khi đó, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, cùng gánh nặng lớn từ các cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index tiếp tục lùi gần hơn với mốc 90 điểm. Cụ thể, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,73%) xuống 90,04 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,17 triệu đơn vị, giá trị 293,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,3 triệu đơn vị, giá trị 155,4 tỷ đồng.

HNX30-Index giảm 1,23 điểm (-0,23%) xuống 163,22 điểm khi có tới 15 mã giảm, 6 mã tăng và 8 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là động lực chính của thị trường, trong đó, GAS tăng hơn 2%, PVD tăng 1%, trên sàn HNX, đà tăng có phần thu hẹp hơn như PVS tăng 0,6%, PGS tăng 0,57%, PLC tăng 2,43%..., PVC và PVB lùi về mốc tham chiếu.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác như VIC, MSN, HSG, HPG, FPT… đã khởi sắc trở lại, như MSN tăng 1,09%, HSG tăng 1,78%, HPG tăng 1,75%, VIC tăng 0,48%..., tiếp sức giúp thị trường hồi phục.

Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng trở lại khá hấp dẫn với dòng tiền chảy mạnh, tuy nhiên, áp lực bán thường trực khiến các mã này vẫn đứng dưới mốc tham chiếu, đóng vai trò là lực hãm chính của thị trường. Trong đó, BID giảm 1,46% và khớp hơn 2 triệu đơn vị; STB giảm 2,44% và đã chuyển nhượng thành công tới hơn 10 triệu đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường; VCB chỉ còn giảm nhẹ 0,27%, MBB giảm 1%.

Trên sàn HNX, SHB đã trở lại mốc tham chiếu với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn, đạt 4,82 triệu đơn vị; trong khi ACB duy trì đà giảm khá sâu, ở mức 2% với khối lượng khớp 1,88 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC dù có đảo chiều tăng nhẹ ở đầu phiên nhưng áp lực bán vẫn khá lớn khiến cổ phiếu này đảo chiều giảm 1,1%, chốt phiên tại mức giá 8.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.

Người anh em KLF cũng đã lấy lại thăng bằng sau phiên giảm sàn trước đó. Chốt phiên, KLF đứng ở mốc tham chiếu 2.400 đồng/CP và khớp 1,33 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA tiếp tục giữ sắc xanh mắt mèo do bị bán tháo mạnh. Với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, ITA tiếp tục duy trì trạng thái dư bán sàn khủng, đạt 15,12 triệu đơn vị và bên mua vắng bóng.

Trên sàn UPCoM, dù có chút rung lắc đầu phiên do lực bán gia tăng nhưng sắc xanh nhanh chóng quay lại. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,2%) lên 56,87 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,19 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngành hàng không như HVN, NCS, SAS vẫn đứng dưới mốc tham chiếu thì ACV đã đảo chiều thành công, với mức tăng chỉ 0,2%, tạm đứng tại mức giá 50.300 đồng/CP. Ngoài ra, khối ngoại cũng giao dịch khá mạnh cổ phiếu ACV với khối lượng mua vào 328.900 đơn vị và bán ra 310.000 đơn vị.

NTB đang là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn với khối lượng giao dịch đạt 968.400 đơn vị và chốt phiên tại mức giá tham chiếu 900 đồng/CP.

Tiếp đó, GTT có khối lượng giao dịch đạt 862.700 đơn vị và chốt phiên đứng tại mức 400 đồng/CP, tăng 33,33% với lượng dư mua trần 144.600 đơn vị.

Tin bài liên quan