Phiên sáng 5/4: Bắt đáy dè dặt, VN-Index thấp thỏm đi lên

Phiên sáng 5/4: Bắt đáy dè dặt, VN-Index thấp thỏm đi lên

(ĐTCK) Dù lực cầu bắt đáy còn khá dè dặt, nhưng nhờ lực cung giá thấp được tiết giảm, cả 2 sàn đã phục hồi khá tốt trong phiên giao dịch sáng nay, nhưng thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.

Với tình hình kinh tế quý I/2016 không mấy khả quan, thị trường đã chịu áp lực chốt lời khá mạnh khi nhiều lần liên tiếp VN-Index không thể chinh phục được ngưỡng cản 580 điểm.

Trong phiên 29/3, sau nhiều nỗ lực cầm cự, VN-Index đã không thể giữ nỗi mốc hỗ trợ 570 điểm, khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh. Áp lực bán tăng mạnh trong phiên cuối cùng của tháng 3 sau phiên thử lại ngưỡng 570 điểm bất thành trước đó.

Phiên giảm điểm ngày 31/3 khiến VN-Index đất mất luôn mốc hỗ trợ được xem là khá cứng 565 điểm, tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư và khiến thị trường có thêm 2 phiên giảm liên tiếp sau đó.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, nhiều công ty chứng khoán nhận định, chuỗi giảm mạnh vừa qua của thị trường, nhất là dấu hiệu kỹ thuật cho thấy, đã xuất hiện bán quá đà, sẽ kích thíc lực cầu bắt đáy ngắn hạn gia tăng, giúp thị trường phục hồi.

Đúng như nhận định này, dù lực cầu bắt đày còn khá dè dặt, nhưng lực cung giá thấp cũng không còn mạnh, giúp VN-Index mở cửa với sắc xanh nhạt.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,16 điểm (+0,03%), lên 555,98 điểm với 3,95 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 56 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, trong nửa thời gian đầu, thị trường không có nhiều đột biến, chỉ số VN-Index chỉ lình xình quanh ngưỡng 556 điểm với giao dịch diễn ra chậm.

Về nửa cuối phiên, nhận thấy lực cung giá thấp đã cạn, bên nắm giữ tiền mặt bắt đầu thăm dò bắt đáy, giúp nhiều mã hồi phục, đà tăng của VN-Index cũng được nới rộng dần về cuối phiên, trong khi HNX-Index cũng đảo chiều và tiến thẳng lên mức 78,8 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 2,35 điểm (+0,42%), lên 558,17 điểm với 122 mã tăng, áp đảo so với 75 mã giảm. Tuy nhiên, do lực cầu bắt đáy còn dè dặt, nên thanh khoản thị trường chưa được cải thiện. Kết thúc phiên sáng, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 71,48 triệu đơn vị, giá trị 842 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 12,66 triệu đơn vị, giá trị 103 tỷ đồng.

HNX-Index cũng tăng 0,33 điểm (+0,42%), lên 78,82 điểm với 100 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24 triệu đơn vị, giá trị 253,85 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Lực cầu bắt đáy dè dặt giúp nhiều mã đảo chiều tăng điểm, nhưng đà tăng của VN-Index chủ yếu dựa vào các mã bluechip, trong đó đáng chú ý là VNM, BID, MSN, BVH, MBB, HPG, SSI, HCM, DPM. Trong khi đó, nhóm dầu khí với 2 đại diện tiêu biểu là PVD và GAS vẫn không thể đảo chiều khi đang chịu sức ép từ việc giá dầu thô phiên đầu tuần giảm hơn 3%.

Dĩ nhiên, tâm điểm của thị trường vẫn là các mã có tính thị trường.

Như ĐTCK đã đưa tinh, ngày 30/3, TSC đã có văn bản thông tin tới nhà đầu tư và cổ đông một số thắc mắc liên quan đến việc cổ phiếu TSC liên tục giảm trong thời gian vừa qua. Trong văn bản này, ngoài việc để cập đến kết quả kinh doanh khả quan của công ty con là CTCP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (West Food), TSC cũng phủ nhận tin đồn về việc công ty mẹ là FIT sẽ thoái vốn khỏi công ty.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch HĐQT TSC, đồng thời là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư F.I.T (FIT)  khẳng định, tại thời điểm này, FIT không có kế hoạch thoái vốn khỏi TSC như tin đồn thất thiệt trên thị trường.

Thông tin này đưa ra tưởng chừng sẽ như “phao cứu sinh” cho cổ phiếu TSC và thực tế, nó đã tạo tâm lý phấn chấn ở một số nhà đầu tư, kích thích họ bắt đáy mạnh cổ phiếu này trong phiên 30/3, giúp TSC tránh khỏi phiên giảm sàn với thanh khoản tăng vọt so với khối lượng khớp trung bình các phiên trước. Điều này tạo kỳ vọng cho nhà nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư đã bắt đáy cổ phiếu này trong phiên 30/3 sẽ có “quả ngọt”.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư nhỡ bắt đáy cổ phiếu này trong phiên 30/3 đã “nhận trái đắng” khi cổ phiếu này liên tiếp giảm sàn trong 3 phiên sau đó, xuống dưới cả mệnh giá.

Trong phiên sáng nay, TSC nửa đầu phiên cũng đã bị kéo xuống mức sàn 8.400 đồng, mức giá thấp nhất kể từ ngày 23/1/2014. Với mức giá này, những nhà đầu tư bắt đáy TSC trong phiên 30/3 ít nhất cũng mất hơn 20%, còn những nhà đầu tư mua vào ở mức tham chiếu 11.300 đồng trong phiên này cũng mất hơn 25%.

Tuy nhiên, cùng với lực cầu bắt đáy chung của thị trường, cũng như lực cầu mua cân bằng giá của những nhà đầu tư vào hàng trước đó, một số nhà đầu tư khác thêm một lần nữa thử vận may bắt đáy với TSC, trong khi số khác cũng không còn muốn bán bằng mọi giá. Động thái này giúp mã này thoát khỏi mức sàn. Đóng cửa, TSC đứng ở mức giá cao nhất phiên 8.800 đồng, giảm 2,22% với 2,63 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, công ty mẹ của TSC là FIT sáng nay lại giao dịch khá tích cực. Sau khi mở cửa với mức tham chiếu 6.800 đồng, FIT sau đó đã được đẩy lên mức trần 7.200 đồng, nhờ lực mua tốt từ khối ngoại. Sau khoảng thời gian rung lắc nhẹ, FIT đã lấy lại sắc tím khi chốt phiên với tổng khớp 2,78 triệu đơn vị.

Ngoài FIT, một số mã thị trường khác cũng giao dịch tích cực sáng nay, như HHS cũng đóng cửa ở mức trần 8.300 đồng với 2,84 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần. Trong khi JVC cũng ở sát mức giá trần, còn HAI do lực bán gia tăng cuối phiên chỉ còn giữ được mức tăng tối thiếu với 4,23 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, sóng tăng ở các mã như TLH, TMS, LCM, BGM dường như đã hết, thậm chí các mã TMS, LCM, BGM còn đang chịu áp lực chốt lời lớn và đều có sắc xanh mắt mèo (giảm sàn). Ngoại trừ ATA vẫn đang vững vàng với đà tăng trần của mình.

Trên HNX, dù không còn nổi sóng lớn như phiên hôm qua, nhưng KLS vẫn duy trì đà tăng khá tốt. Ngoài ra, một số mã chứng khoán khác cũng giao dịch tích cực, hỗ trợ cho HNX-Index sáng nay như VND, BVS, IVS.

Trong khi ACB và nhóm dầu khí như PVB, PVC, PVS giảm giá hãm đà hồi của HNX-Index.

Thanh khoản trên HNX khá đì đẹt, chỉ có 3 mã có khối lượng khớp trên 1 triệu đơn vị là KLS, SCR và VND.

Tin bài liên quan