Phiên sáng 3/4: STB nổi sóng, VN-Index hồi nhẹ

Phiên sáng 3/4: STB nổi sóng, VN-Index hồi nhẹ

(ĐTCK) Sau phiên đảo chiều đáng tiếc cuối tuần qua, thị trường đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay nhờ sự hỗ trợ của một vài cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, tâm điểm của phiên sáng nay là sự khởi sắc cả về giá và thanh khoản của STB.

Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index đã có những phút bứt mạnh vượt qua hẳn mốc 725 điểm để hướng tới ngưỡng 730 điểm trong nửa đầu phiên sáng. Tuy nhiên, dường như đây vẫn là ngưỡng cản khó chịu trên con đường chinh phục các đỉnh cao mới cửa VN-Index, nên lực bán gia tăng mạnh, đẩy VN-Index thoái lui trở lại.

Trong phiên giao dịch chiều, chỉ số này một lần nữa thử sức với ngưỡng cản 725 điểm, nhưng cũng giống như nhiều lần trước, VN-Index lại bị đẩy ngược trở lại và lần này áp lực gia tăng mạnh tại một số mã lớn đã đẩy lùi VN-Index xuống hẳn dưới mốc tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Sau phiên đảo chiều đáng tiếc này, VN-Index đã lấy lại sắc xanh trong phiên sáng nay và sự hỗ trợ vẫn đến từ những cái tên quen thuộc như VNM, ROS, MSN. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh và chỉ số này quay đầu giảm khi chưa kịp trở lai ngưỡng 725 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,37 điểm (+0,19%), lên 723,68 điểm với 117 mã tăng, trong khi có 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 104,36 tỷ đồng, giá trị 2.135 tỷ đồng, trong, đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,57 triệu đơn vị, giá trị 75,9 tỷ đồng.

Như đã đề cập, đà tăng của VN-Index có được nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn như VNM, SAB, ROS, MSN, NVL. Cụ thể, VNM tăng 0,49%, lên 144.000 đồng, SAB tăng 0,5%, lên 201.000 đồng, ROS tăng 0,85%, lên 165.500 đồng, MSN tăng 1,81%, lên 47.900 đồng, NVL tăng 0,87%, lên 69.800 đồng. Trong đó, ROS có thanh khoản tốt nhất với 2,72 triệu đơn vị được khớp, còn VNM được khối ngoại mua ròng mạnh với 267.630 đơn vị.

Trong khi đó, sắc đỏ tại VJC, BVH, DPM, BHN, PVD, FPT cản bước tiến của VN-Index.

Trong nhóm ngân hàng, 2 mã lớn là VCB và BID, cùng MBB giảm giá, cũng gây áp lực lên thị trường; CTG may mắn giữ được tham chiếu, còn EIB tăng nhẹ 1,29%, lên 11.800 đồng. Tuy nhiên, tâm điểm là STB khi mã này nhận được lực cầu khủng trong phiên sáng nay để bứt lên mức trần 12.250 đồng với 14,85 triệu đơn vị được khớp, vượt qua FLC để dẫn đầu về thanh khoản. Chốt phiên, STB vẫn còn dư mua giá trần, dù khối lượng không nhiều.

Việc cổ phiếu này giao dịch đột biến và trở thành tâm điểm chú ý của thị trường trong thời gian qua, không riêng gì sáng nay có thể xuất phát từ những thông tin xung quanh câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng này với những đồn đoán về những cái tên xuất hiện.

Những cái tên được đề cập tới trong câu chuyện tái cơ cấu Sacombank gồm có NovaGroup và cả người cũ, ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng.

Trở lại diễn biến ở các mã khác, trong khi ROS không còn giữ được sự sôi động như đầu phiên, thì FLC vẫn là mã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi được khớp gần 13 triệu cổ phiếu, đóng cửa tăng 2,33%, lên 8.350 đồng.

Hai mã có thanh khoản tiếp theo là ITA và HQC đều đứng ở tham chiếu, dù có lúc cả 2 chớm sắc đỏ. Một số mã thị trường khác như FIT, TSC, SCR, HHS, QCG đều tăng giá, trong khi các mã khác như DLG, HAG, HNG, OGC, KBC lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong khi đó, trên HNX, sau ít phút đầu phiên tăng nhẹ, HNX-Index nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại khi ACB lùi xuống dưới tham chiếu, VCS, NTP giảm mạnh. Cụ thể, ACB giảm 0,4%, xuống 24.400 đồng với hơn 2 triệu đơn vị được khớp, trong khi NTP giảm 2,7%, xuống 75.900 đồng, VCS giảm 1,07%, xuống 167.200 đồng.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,36%), xuống 90,49 điểm với 57 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 19,66 triệu đơn vị, giá trị 239,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,16 triệu đơn vị, giá trị 19,75 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch 580.000 cổ phiếu HJS, giá trị 17,55 tỷ đồng.

Trong khi đó, SHB cầm cự tại ngưỡng tham chiếu 5.700 đồng với hơn 2,08 triệu đơn vị được khớp. Đứng sau SHB và ACB là SHN với hơn 2 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,77%, lên 11.000 đồng.

HKB đang có sắc tím tốt khi đang giao dịch ở mức trần 6.900 đồng với dư mua trần hơn 1,18 triệu đơn vị và được khớp 483.200 đơn vị. Các mã đáng chú ý khác chủ yếu đóng cửa ở tham chiếu, hoặc tăng giảm với biên độ không lớn.

Trên UPCoM, sự trở lại mạnh mẽ của HVN khi tăng 6,45%, lên 29.700 đồng giúp UPCoM-Index đang nới rộng đà tăng. Ngoài ra, chỉ số này còn nhận được sự hỗ trợ từ VIB, MCH, VEF, đặc biệt là SEA lên mức trần 63.300 đồng.  Tuy nhiên, việc SDI quay đầu đảo chiều, cùng sắc đỏ của MSR khiến đà tăng của UPCoM-Index bị hãm lại vào cuối phiên.

Cụ thể, HVN tăng 5,02%, lên 29.300 đồng với 481.800 đơn vị được giao dịch, SDI giảm 0,67%, xuống 58.900 đồng, dù có lúc có sắc xanh nhạt…

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,22%), lên 57,64 điểm với 53 mã tăng và 31 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,67 triệu đơn vị, giá trị 50,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng có thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị 36,68 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch hơn 1,86 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 35,85 tỷ đồng.

SWC sau thông tin sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận cao gấp 7 lần thực hiện năm 2016 và trả cổ tức 50% vẫn chưa thể bứt phá, mà chỉ lình xình dưới ngưỡng 22.000 đồng. Trong phiên sáng nay, SWC cũng chỉ lình xình quanh ngưỡng này trước khi đóng cửa ở mức 22.100 đồng, tăng 0,91%. Tuy nhiên, thanh khoản được cải thiện với 729.700 đơn vị được chuyển nhượng, cao nhất sàn UPCoM và cũng là mức cao nhất kể từ phiên 5/10/2016 của mã này.

Tin bài liên quan