Phiên sáng 31/10: VN-Index hãm phanh sau cú rơi sốc đầu phiên

Phiên sáng 31/10: VN-Index hãm phanh sau cú rơi sốc đầu phiên

(ĐTCK) Trụ đỡ VN30 đồng loạt giảm điểm, đặc biệt là ROS giảm sát xuống giá sàn, cùng với lực bán ồ ạt ở nhóm cổ phiếu thị trường khiến VN-Index lao dốc, có lúc đã mất 7,41 điểm.

Trong phiên sáng hôm qua, cả 2 sàn đều mở cửa trong sắc xanh và nhanh chóng nới rộng đà tăng sau đó với thanh khoản khá tốt.

Tuy nhiên, số mã giảm vẫn chiếm thế áp đảo và đà tăng có được chủ yếu đến từ nhóm VN30.

Trong phiên chiều, trong khi VN-Index được kéo mạnh lên đầu phiên, tiến sát 850 điểm, thì HNX-Index lại nhanh chóng quay đầu và xuống dưới tham chiếu sau hơn 20 phút giao dịch.

Khi VN-Index tiến sát ngưỡng 850 điểm, áp lực bán diễn ra mạnh, đẩy chỉ số này thoái lui.

Dù vậy, với việc 6/10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh, đặc biệt là ROS được kéo lên mức trần trong những phút cuối phiên, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh và đóng cửa trên 845 điểm.

Tuy nhiên, lực bán mạnh vào cuối phiên đã khiến nhiều mã cổ phiếu lớn không còn giữ được đà tăng, thậm chí còn quay đầu giảm điểm điển hình như HPG, HBC, VCB, MBB…

Theo nhận xét của BSC, thị trường tuy vẫn tiếp tục đà tăng, nhưng đà tăng đã thu hẹp lại, chỉ còn lại ở một số cổ phiếu có vốn hóa lớn, điều này tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh khi các mã cổ phiếu không còn giữ được đà tăng như các phiên trước đây.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay (31/10), dường như điều gì đến rồi sẽ phải đến, lệnh bán ồ ạt gần như ngay từ khi mở cửa, sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, VN30 KHÔNG có mất cứ mã nào tăng vào thời điểm 10h00’.

Trong đó, ROS giảm mạnh 6,5% xuống 196.000 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 400.000 đơn vị, thậm chí đã có lúc xuống mức giá sàn 195.100 đồng/cổ phiếu.

MBB dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,8 triệu đơn vị và giảm 0,2%.

Cặp đôi ngành thép HSG, HPG đứng ngay sau MBB về khối lượng giao dịch với 1,5 triệu và 1,06 triệu đơn vị và giảm lần lượt 1,3% và 0,7%.

Đóng góp vào đà giảm còn cò CTD mất 1,1%, BVH mất 3,7%, DHG mất 1,9%...

SAB rung lắc mạnh quanh mốc tham chiếu và chỉ có vài trăm cổ phiếu được sang tay.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng chỉ le lói vài cổ phiếu với KSA, FCN, CEE cùng cặp đôi HAG và HNG, còn lại cũng đều là một màu đỏ.

Trong đó, KSA nổi sóng, tăng trần lên 1.930 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đứng thứ 3 trên sàn với hơn 2,84 triệu đơn vị được khớp.

HAG tăng nhẹ 0,4% và khớp 2,2 triệu đơn vị, HNG tăng 0,3% và khớp hơn 570.000 đơn vị.

2 mã thanh khoản cao nhất vẫn là FLC và HQC với lần lượt 7,11 triệu đơn vị và 5,6 triệu đơn vị được sang tay...

Trên sàn HNX, diễn biến tuy không xấu như HOSE, nhưng chỉ số cũng đang giao dịch dưới tham chiếu với lực bán mạnh từ KLF, VCG, SHB, PVX.

Sắc xanh chỉ còn hiện diện trên mã đứng đầu thanh khoản là CEO với hơn 3,2 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, KLF giảm 2,6% và khớp lệnh đứng thứ 2 sàn với hơn 2,55 triệu đơn vị.

Các mã khác như SHB, PVX đứng tham chiếu.  VCG, HUT, ACB giảm.

Trên sàn UpCoM, hôm nay không có mã nào đáng chú ý, nhưng cũng giống như HOSE và HNX, sắc đỏ đang lan tỏa, với DVN, HVN, SBS, ART, LPB…

Sau khi VN-Index rơi xuống vùng dưới 838 điểm, lực mua kỹ thuật đã trở lại tương đối mạnh, cùng với đó là một số mã trong nhóm VN30 hồi trở lại sắc xanh đã giúp chỉ số nhanh chóng đi lên.

Tuy nhiên, với việc các cổ phiếu trụ đỡ gần đây của thị trường như ROS, GAS, SAB đồng loạt mất điểm, và các mã thị trường vẫn bị bán mạnh đã không kịp đưa chỉ số về được tham chiếu khi kết thúc phiên giao dịch sáng nay.

Cụ thể, một số mã tăng trở lại như MBB, VIC, PVD, GMD, BID, CII cùng cặp đôi HSG và HPG.

Trong đó, HSG tăng 2,6% và khớp 2,85 triệu đơn vị, dẫn đầu nhóm vốn hóa lớn. HPG tăng 0,3% và khớp 2,03 triệu đơn vị.

FPT cũng tăng khá tốt, cộng thêm 1,8% và khớp 1,1 triệu đơn vị. PVD tăng 0,7% và khớp 2,17 triệu đơn vị.

MBB tăng 0,4% và khớp 2,71 triệu đơn vị, BID tăng 0,5% và khớp 1,5 triệu đơn vị, đây cũng là 2 trong 3 mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng, cùng với EIB, còn lại đều giảm.

Trong khi đó, ROS sau khi giảm xuống sát giá sàn đã quay đầu đi lên, nhưng chốt phiên vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 2,1% xuống 205.200 đồng/cổ phiếu và khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Các mã có thị giá cao nhất nhóm đều giảm trong phiên này, bao gồm SAB, VNM, MWG, DHG, CTD, BMP, NVL...

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý có cặp đôi anh em HAG và HNG sau khoảng thời gian đầu giao dịch dưới tham chiếu, đã cùng nhau bật tăng. Trong đó, HAG tăng 1,7% và khớp 3,61 triệu đơn vị, HNG tăng 0,1% và khớp hơn 600.000 đơn vị.

KSA vẫn giữ được sắc tím cho đến cuối phiên với thanh khoản đột biến so với một số phiên gần nhất, và đã chuyển nhượng thành công hơn 2,85 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, gần như tất cả các mã khác đều đóng cửa giảm điểm, như FLC, HQC, OGC, SCR, ASM, AMD, FIT, HHS, HAR, HAI, TSC…

Trong đó, FLC, HQC và OGC chia nhau 3 vị trí dẫn đầu thanh khoản với lần lượt 10,4 triệu đơn vị, 7,06 triệu đơn vị và 3,65 triệu đơn vị.

SCR, AMD, ASM cũng có từ 2,2 đến 2,6 triệu đơn vị được khớp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 74 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index giảm 2,65 điểm (-0,31%) xuống 842,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 105,48 triệu đơn vị, giá trị 2.090,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,01 triệu đơn vị, giá trị 344,91 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index diễn biến khá tương đồng với Vn-Index, khi đã có thời điểm giảm sâu, sau đó hồi nhẹ, nhưng đóng cửa vẫn dưới tham chiếu.

Trong top 5 thanh khoản với trên 1 triệu cổ phiếu, chỉ còn duy nhất CEO tăng 1,9% và khớp lệnh đứng đầu với 3,96 triệu đơn vị.

KLF và ACB giảm và lần lượt khớp 3,7 triệu và 1,02 triệu đơn vị.

2 mã đứng giá là SHB và PVX với 1,7 triệu đơn vị và 2,21 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Chốt phiên, sàn có 35 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,38%) xuống 105,58  điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 25,95 triệu đơn vị, giá trị hơn 282,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chưa đến 100.000 đơn vị, giá trị hơn 4,3 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, thanh khoản khá kém, khi mã LPB có khớp lệnh lớn nhất sàn cũng chỉ hơn 450.000 đơn vị và giảm 1,5%.

Các mã giảm khác với 200.000 – 300.000 đơn vị được khớp lênh còn có DVN, HNV, ART, SBS.

Chỉ có TOP tăng mạnh 5,9% và khớp gần 400.000 đơn vị.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm(-0,36%) xuống 52,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch 3,41 triệu đơn vị, giá trị 65,03 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng không đáng kể.

Tin bài liên quan