Phiên sáng 30/5: Lực bán lan rộng, VN-Index quay đầu giảm mạnh

Phiên sáng 30/5: Lực bán lan rộng, VN-Index quay đầu giảm mạnh

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, đẩy VN-Index quay đầu giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 745 điểm . Tuy nhiên, thị trường cũng có một số điểm nóng trong phiên sáng nay.

Thị trường vẫn có những bước đi cuối tháng 5 khả quan. Sau một tuần giao dịch hưng phấn và lần lượt tạo đỉnh mới, các chỉ số chính tiếp tục leo cao trong phiên đầu tuần ngày 29/5 nhờ dòng tiền chảy mạnh. Mặc dù áp lực bán xuất hiện và tăng về cuối phiên đã hãm đà tăng mạnh của thị trường khiến HNX-Index “lỗi hẹn” với mốc 94 điểm, nhưng VN-Index vẫn giữ vững ngưỡng 745 điểm.

Chính diễn biến trên khiến một số công ty chứng khoán dự báo áp lực chốt lời có khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên gây áp lực cho chỉ số trong phiên 30/5, tuy nhiên xu hướng phục hồi vẫn được duy trì.

Không nằm ngoài khả năng trên, bước vào phiên giao dịch sáng 30/5, lực bán vẫn duy trì khá mạnh khiến nhiều cổ phiếu bluechip quay đầu giảm điểm và sự phân hóa tiếp tục diễn ra khá mạnh. VN-Index chỉ còn nhích nhẹ trên mốc tham chiếu với đà tăng kém bền vững.

Rủi ro càng tăng cao hơn khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục. Lực bán gia tăng và lan rộng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, cả 2 chỉ số chính đều quay đầu đi xuống.

Sau hơn 40 phút giao dịch, chỉ còn lác đác vài mã bluechip điểm xanh, còn lại đã chuyển đỏ với 23 mã giảm và chỉ 4 mã tăng. Trong đó, bộ tứ trụ cột là VIC, VNM, MSN, GAS cùng một số mã lớn đều lui về dưới mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, trong khi VCB và STB tăng nhẹ, đóng vai trò là lực đỡ chính thì ác mã khác như BID, CTG, MBB đang nới rộng đà giảm, cũng góp phần đẩy thị trường đi xuống, VN-Index nhanh chóng mất mốc 745 điểm.

Sau khoảng 1 giờ giao dịch thiếu tích cực và thận trọng, dòng tiền chảy mạnh tiếp tục quay trở lại với tâm điểm là các cổ phiếu trong nhóm bank, giúp thị trường đảo chiều tăng điểm.

Sau ít phút nỗ lực, cuối cùng VN-Index cũng “đầu hàng” trước áp lực bán quá mạnh và diễn ra trên diện rộng. Chỉ số đảo chiều và lao thẳng xuống dưới mốc 745 điểm, đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.

Cụ thể, VN-Index giảm 3,8 điểm (-0,51%), xuống 742,45 điểm với 81 mã tăng và 171 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 136,35 triệu đơn vị, giá trị 2.649,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,22 triệu đơn vị, giá trị 87,3 tỷ đồng.

HNX-Index dù diễn biến có chút tích cực hơn, nhưng cũng không thể giữ nổi sắc xanh khi chốt phiên sáng nay khi đóng cửa giảm nhẹ 0,16 điểm (-0,17%), xuống 93,65 điểm với 57 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 44,58 triệu đơn vị, giá trị 455,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá ảm đạm với chỉ gần 0,34 triệu đơn vị, giá trị 3,53 tỷ đồng.

Tương tự, UPCoM-Index cũng giảm 0,12 điểm (-0,2%), xuống 57,93 điểm với 34 mã tăng và 43 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,14 triệu đơn vị, giá trị 44,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,76 triệu đơn vị, giá trị 22 tỷ đồng.

Trên HOSE, lực bán xuất hiện mạnh vào nửa cuối phiên ở một số mã nhỏ, sau đó lan rộng dần ra khắp bảng điện tử, ngay cả nhóm ngân hàng, bất động sản chứng khoán cũng đồng loạt bị bán mạnh.

HQC vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE sáng nay với 12 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 5,72%, xuống 3.130 đồng.

HSG sau phiên tăng trần hôm qua, cũng đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên sáng nay sau thông tin ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG đăng ký bán ra gần 10 triệu cổ phiếu. Chôt phiên sáng nay, HSG giảm 3,14%, xuống 30.850 đồng với 4,5 triệu đơn vị được khớp, đứng sau HQC.

Tương tự, sau khi tăng trần hôm qua, KSA cũng bị chốt mạnh sáng nay và đóng cửa ở mức sàn 2.000 đồng với 4,46 triệu đơn vị được khớp.

Những mã bị bán mạnh khác còn có LDG, AAA khi cùng giảm sàn xuống 15.300 đồng và 31.350 đồng với 2,7 triệu đơn vị và 2,3 triệu đơn vị được khớp. Các mã giảm sàn khác còn có CTI, NVT, SGT, SII, TDW…

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn VCB và EIB giữ được sắc xanh nhạt, 4 mã còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm cũng không lớn.

BHS sau 2 phiên tăng trần với thông tin sáp nhập vào SBT với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1 cổ phiếu BHS đổi 1,02 cổ phiếu SBT đã quay đầu điều chỉnh trong phiên sáng nay. Chôt phiên, BHS giảm 1,52%, xuống 22.600 đồng, dù đầu phiên đã tăng lên mức 24.100 đồng (+5%).  SBT cũng quay đầu giảm 3,53%, xuống 30.100 đồng.

Các mã lớn như VNM, GAS, VIC, MSN, VJC, NVL, BVH, KDC, PVD, HPG, REE… cũng đều đồng loạt đóng cửa dưới tham chiếu. Trong khi sắc xanh lại xuất hiện khá tốt tại 2 cổ phiếu bia SAB (+0,42%), BHN (+0,99%), PLX (+2,33%), ROS (+0,46%), hay FPT.

Đặc biệt, QCG sau 2 phiên điều chỉnh, đặc biệt là phiên giảm sàn hôm qua, đã bật tăng trần trở lại trong phiên sáng nay, lên 21.900 đồng với 2,34 triệu đơn vị được khớp.

Hai tân binh trên sàn HOSE là TCD và TNI cũng đều tăng trong phiên sáng nay. Trong đó, TNI sau phiên tăng trần khi chào sàn, đã tiếp tục leo lên mức trần 13.950 đồng trong phiên sáng nay, nhưng sau đó đà tăng hạ nhiệt, đóng cửa ở mức 6,51%, lên 13.900 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp.

Còn TCD sau 2 phiên giảm khá mạnh khi chào sàn, đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay, thậm chí có lúc mã này đã lên mức giá trần 15.500 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 15.100 đồng, tăng 4,14%, nhưng thanh khoản khiêm tốn hơn nhiều.

Trên HNX, SHB nổi bật nhất trên sàn khi được khớp 14,62 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,45%, lên 7.000 đồng, có lúc đã lên mức 7.200 đồng.

ACB giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên sáng nay trước khi đóng cửa ở mức tham chiếu 25.100 đồng với 2,25 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm dầu khí, chứng khoán, bất động sản chính là yếu tố khiến HNX-Index quay đầu giảm điểm trong phiên cuối. Tuy nhiên, nhóm khoáng sản mới là nhóm bị bán mạnh nhất khi đồng loạt đóng cửa ơ mức sàn.

Trên UPCoM, SBS bất ngờ bùng nổ khi được khớp 860.000 đơn vị, dẫn đầu sàn này và đóng cửa ở mức trần 1.400 đồng.

DVN sau chuỗi ngày tăng mạnh khi lên sàn, đã điều chỉnh khá mạnh sáng nay khi mất 12,25%, xuống 26.500 đồng với 542.400 đơn vị được khớp, đứng thứ 3 về thanh khoản sau SBS và TOP.

Nhiều mã lớn khác cũng giảm giá như HVN, VOC, SDI, GEX, ACV, VEF, FOX…, trong khi sắc xanh chỉ le lói ở một số mã như MSR, VGG, MCH, NTC…

Tin bài liên quan