Phiên sáng 30/11: Nhiều bluechip phục hồi, VN-Index vẫn chưa đủ sức gượng dậy

Phiên sáng 30/11: Nhiều bluechip phục hồi, VN-Index vẫn chưa đủ sức gượng dậy

(ĐTCK) Dù nhiều mã bluechip phục hồi trở lại trong phiên sáng nay, nhưng lực cầu dè dặt khiến VN-Index chưa thể gượng dậy sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần.

Đã hơn nửa tháng qua, khối ngoại liên tục xả mạnh cổ phiếu, không chỉ tại các mã bluechips, mà còn ở các cổ phiếu nhỏ khác. Thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chỉ từ ngày 14/11 đến nay, tức thời điểm bắt đầu bán ra, khối ngoại đã rút ròng tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất là VNM, với tổng giá trị bán ròng lên tới hơn 900 tỷ đồng.

Các nguyên nhân khiến VNM bị bán mạnh cũng đã được chỉ ra, một phần là để phòng ngừa rủi ro tỷ giá USD/VND khi USD tăng mạnh, phần khác là nhằm “ép giá” cổ phiếu VNM để có thể mua được giá rẻ 9% cổ phần VNM mà SCIC sắp bán ra.

Tuy nhiên, sau khi SCIC công bố mức giá khởi điểm trong đợt chào bán lượng cổ phiếu VNM vào ngày 12/12 tới là 144.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu VNM đã phục hồi mạnh trở lại trong phiên hôm qua và tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên sáng nay..

Việc khối ngoại ròng rã xả cổ phiếu đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường trong thời gian qua. Thị trường liên tục giảm điểm, đáng chú nhất là 2 phiên giảm rất mạnh đầu tuần này đã lấy đi tới hơn 17 điểm và kéo VN-Index rời khỏi mốc 660 điểm.

Điểm tích cực là mỗi khi thị trường sụt giảm mạnh, lực cầu bắt đáy đều hoạt động khá mạnh, thể hiện dòng tiền vẫn luôn hiện hữu. Mặc dù vậy, theo các công ty chứng khoán, việc thị trường giảm mạnh sẽ kéo nhiều mặt giá cổ phiếu về mức hợp lý hơn, song nhà đầu tư không vì thế mà vội vàng giải ngân mạnh, mà chỉ nên mang tính chất thăm dò.

Trở lại thị trường phiên giao dịch sáng nay, sau 2 phiên giảm mạnh trước đó, thị trường đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục.

Rõ ràng nhất là tại nhóm cổ phiếu bluechips, khi nhóm này đồng loạt tăng điểm. Nhiều mã lớn như VNM, MSN, VCB, MWG, BVH, BID, HPG, NTP, VND, VC3, PGD… đều giữ sắc xanh ngay khi mở cửa, giúp các chỉ số tăng điểm.

VNM tiếp tục duy trì được đà tăng tốt dù áp lực bán từ khối ngoại vẫn đang chiếm ưu thế, hiện đang tăng 0,9% lên 135.500 đồng/CP. Còn MSN và NTP cùng tăng 2,7%...

ROS cũng đang tăng tốt với mức tăng 2,2% lên 121.100 đồng/CP.

Các cổ phiếu nhỏ, nhất là các mã đầu cơ như FLC, GTN, HAR, VHG, HQC, OGC,… cũng đều tăng điểm. Nhóm khoáng sản duy trì sắc tím khá đậm.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đang tạo lực cản cho thị trường khi đồng loạt yếu đà. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu thô đã giảm mạnh hơn 4% trước thêm cuộc họp của OPEC.

Mặc dù thị trường có sự hồi phục, song thanh khoản lại đang là điểm trừ lớn khi dòng tiền vào thị trường vô cùng yếu. Sau hơn 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ nhỉnh hơn 370 tỷ đồng.

Cả thị trường chỉ duy nhất KLF là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Hiện KLF khớp hơn 5,58 triệu đơn vị, trong khi còn dư mua giá trần 3.300 đồng/CP là 4,776 triệu đơn vị.

Việc sức cầu quá dè dặt khiến áp lực bán tăng trở lại trong thời gian còn lại của phiên, do đó VN-Index đã quay đầu giảm điểm. Trong khi trên sàn HNX, việc các mã vốn hóa lớn cũng như nhóm dầu khí hãm bớt đà giảm đã giúp HNX-Index hồi nhẹ trở lại

Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường lại được cải thiện đáng kể trong thời gian này, khi cầu giá đỏ hoạt động khá tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 30/11, với 136 mã giảm và 88 mã tăng, VN-Index giảm 2,08 điểm (-0,43%) xuống 655,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,42 triệu đơn vị, giá trị 973,75 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,9 tỷ đồng.

Còn  với 74 mã giảm và 49 mã tăng, HNX-Index tăng 0,15 điểm (-0,18%) lên 80,15 điểm. Tổng khối lượng giaod dịch đạt 20,36 triệu đơn vị, giá trị 158,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,65 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng khiến lực đỡ của nhóm bleuchips đã tăng ở đầu phiên bị ảnh hưởng đáng kể.

VNM rất cố gắng mới về được tham chiếu 134.300 đồng/CP và khớp xấp xỉ 0,7 triệu đơn vị, HPG cũng lùi về tham chiếu 40.350 đồng/CP và khớp 1,15 triệu đơn vị, cho dù áp lực bán từ khối ngoại đã suy giảm đáng kể.

SSI bị khối ngoại bán mạnh nhất trong nhóm với hơn 0,32 triệu đơn vị, song nhờ cầu nội mạnh mẽ nên vẫn tăng 1,5% lên 19.900 đồng/CP và khớp 1,16 triệu đơn vị.

Ngược lại, dù được khối ngoại gom mạnh với hơn 0,675 triệu đơn vị, nhưng vì lượng cung giá đỏ vẫn khá lớn nên VCB chưa thể tăng, kết phiên giảm 0,3% về 34.900 đồng/CP và khớp 1,152 triệu đơn vị.

Áp lực chốt lời còn diễn ra mạnh hơn tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, khiên hầu hết các mã tăng ở phiên sáng quay đầu giảm điểm.

FLC giảm 3,1% về 5.970 đồng/CP và khớp 9,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. FIT, ITA, HAG cùng khớp trên 2 triệu đơn vị và đều giảm điểm, song không mạnh.

Nhóm khoáng sản chỉ còn KSA, KSK, KHB giữ sắc tím, còn lại đều giảm điểm, trong đó KSH, LBM, DHM giảm sàn.

Tương tự, nhóm cổ phiếu dầu khí, nhất là các mã lớn, đa phần là không tăng.

KLF vẫn là điểm sáng duy nhất trên HNX khi giữ nguyên sắc tím, khớp lệnh 5,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần 4,77 triệu đơn vị.

Ngoài KLF, khớp lệnh cao trên HNX chỉ còn SHN với 1,4 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,9% về 10.400 đồng/CP.

DST cũng tăng trần lên 27.900 đồng, góp phần giữ sắc xanh cho HNX-Index.

Tin bài liên quan