Phiên sáng 29/11: “Đơn thương độc mã”, VNM không cứu được VN-Index

Phiên sáng 29/11: “Đơn thương độc mã”, VNM không cứu được VN-Index

(ĐTCK) VNM đã có phiên phục hồi tốt sau 4 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ duy nhất VNM có sắc xanh, nên không thể giúp VN-Index tránh khỏi phiên giảm mạnh tiếp theo và chỉ số này chính thức mất mốc 660 điểm trong phiên sáng nay.

Càng về những phiên cuối của tháng 11, thị trường giao dịch có phần tiêu cực hơn bởi áp lực bán gia tăng mạnh ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Sau 2 phiên giảm điểm vào cuối tuần trước, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu lớn VNM, tạo sức ép lớn lên thị trường khiến chỉ số Vn-Index chứng kiến phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần 28/11.

Bên cạnh việc bán ròng hàng trăm tỷ đồng lên cổ phiếu VNM, khối ngoại còn bán khá mạnh các mã bluechip khác như VIC, MSN, HPG, BVH, SSI…, đã đẩy VN-Index có thời điểm mất gần 15 điểm, đe dọa mốc 660 điểm.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, dù vẫn chịu sức ép từ cung ngoại nhưng “ông lớn” VNM đã hồi phục tích cực nhờ lực cầu bắt đáy của nhà đầu tư trong nước.

Hôm qua, SCIC đã chính thức công bố mức giá khởi điểm cổ phần VNM mà tổ chức này thoái vốn là 144.000 đồng/CP. Nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần (đủ điều kiện để giao dịch thỏa thuận theo quy định tại Quy chế giao dịch của HOSE), số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối đa là 39.189.150 cổ phần.

Sau 4 phiên liên tiếp giảm sâu, dòng tiền trong nước đã đẩy mạnh hấp thụ giúp giá cổ phiếu VNM tăng vọt ngay từ đầu phiên, hỗ trợ tốt cho thị trường tăng điểm. Sau hơn 20 phút giao dịch, VNM đã tăng 4.300 đồng (+3,33%) lên mức 133.500 đồng/CP.

Mặc dù nhận được lực đỡ khá tốt từ trụ cột VNM nhưng áp lực bán gia tăng và tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn khiến nhiều mã quay đầu giảm điểm như VIC, VCB, GAS, FPT, HPG, HSG…, đã chặn đứng đà tăng của thị trường. Mốc 665 điểm vẫn đang là thử thách khó khăn của thị trường trong thời điểm dòng tiền suy yếu.

Đáng chú ý, cổ phiếu làm nhiệm vụ nâng đỡ thị trường trong phiên hôm qua là ROS đã trở thành gánh nặng. Áp lực bán khiến ROS ngày càng nới rộng đà giảm. Sau gần 1 giờ giao dịch, ROS đã giảm 5.000 đồng (-3,94%) xuống mức 122.000 đồng/CP, đóng vai trò lực hãm chính của thị trường.

Trái lại, các cổ phiếu lớn như NTP, PVS, DST, PGS… tăng mạnh, đã hỗ trợ giúp HNX-Index đảo chiều thành công sau những phút giảm nhẹ đầu phiên.

Điểm nhấn của thị trường trong những phiên gần đây là KLF vẫn tiếp tục tỏa sáng. Hiện KLF tăng trần lên mức giá 3.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 2,89 triệu đơn vị và dư mua trần 6,15 triệu đơn vị.

Thị trường tiếp tục nới rộng đà giảm về cuối phiên, khi áp lực bán đã lan rộng toàn thị trường, sắc đỏ chiều áp đảo trên bảng điện tử, đẩy chỉ số VN-Index lùi về dưới ngưỡng 660 điểm.

Chốt phiên giao dịch sáng, toàn sàn HOSE có 72 mã tăng và 153 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,89 điểm (-0,89%) xuống mức 659,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,58 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.369 tỷ đồng.

Nhóm bluechip vẫn đóng vai trò là lực hãm chính, với 8 mã tăng, 20 mã giảm và 2 mã đứng giá, chỉ số Vn30-Index giảm 6,31 điểm (-1%) xuống 624,31 điểm.

Trong đó, VNM vẫn giao dịch khá tích cực nhờ dòng tiền trong nước chảy mạnh. Với mức tăng hơn 3%, VNM chốt phiên tại mức giá 133.100 đồng/CP và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng hơn 0,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh VNM, hầu hết các cổ phiếu bluechip khác cũng đều chịu sức ép lớn từ nhà đầu tư nước ngoài và đều tăng tốc giảm về cuối phiên như VIC, VCB, SSI, GAS, MSN, BVH, BID, DPM…

Thêm vào đó, cổ phiếu ROS ngày càng tiêu cực hơn. Tuy đã thoát khỏi mức giá sàn về cuối phiên nhưng ROS vẫn giảm sâu với biên độ giảm 6,61%, chốt phiên tại mức giá 118.600 đồng/CP với khối lượng khớp 2,5 triệu đơn vị.

Trái lại, FLC sau 3 phiên giảm liên tiếp đã hồi phục trong phiên sáng nay. Với mức tăng 1,5%, FLC chốt phiên tại mức giá 6.240 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh cao nhất, đạt 4,84 triệu đơn vị.

Ở sàn HNX, sự suy yếu của các cổ phiếu bluechip về cuối phiên khiến HNX-Index đảo chiều giảm điểm và mất mốc 80 điểm.

Với 43 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,23%), chốt phiên tại mức 79,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,73 triệu đơn vị, giá trị 183,46 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,88 triệu đơn vị, giá trị 45,64 tỷ đồng. HNX30-Index giảm 0,1 điểm xuống mức 142,86 điểm khi có tới 13 mã giảm, chỉ 4 mã tăng và 10 mã đứng giá.

KLF vẫn nóng với sắc tím được duy trì ổn định. Chốt phiên, KLF tăng 7,14% lên mức giá trần 3.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu đơn vị và dư mua trần 4,25 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan