Phiên sáng 28/3: Lực bán gia tăng, thị trường đuối sức

Phiên sáng 28/3: Lực bán gia tăng, thị trường đuối sức

(ĐTCK) Áp lực bán tiếp tục gia tăng khi VN-Index cố thử sức với ngưỡng cản 725 điểm khiến thị trường đuối sức và quay đầu giảm sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp.

Trong phiên giao dịch hôm qua, cả 2 chỉ số chính đều bật tăng mạnh ngay đầu phiên sáng để chinh phục các ngưỡng kháng cự mới là 725 điểm với VN-Index và 92 điểm với HNX-Index. Động lực giúp các chỉ số tăng điểm vẫn đến từ nhóm cổ phiếu lớn với VNM, ROS, ngân hàng, còn trên HNX là SHB. Tuy nhiên, ngay khi chạm các ngưỡng cản này, lực cung gia tăng mạnh, đẩy cả 2 chỉ số thoái lui, trong đó VN-Index may mắn thoát hiểm vào nửa cuối phiên chiều khi SAB, VIC kịp phục hồi về tham chiếu, trong khi HNX-Index vẫn chớm đỏ khi ACB giảm khá mạnh.

Dù các chỉ số phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu lớn, nhưng chính nhóm cổ phiếu nhỏ có tính thị trường mới là tâm điểm chú ý trong thời gian qua. Trong phiên đầu tuần mới, FLC, ITA, KBC, HQC đều có thanh khoản mạnh, nhưng đặc biệt là đợt sóng bất ngờ đến từ HNG và VHG. Trong đó, VHG dù nhận lực cung rất lớn trong phiên chiều, nhưng lượng bán ra bao nhiêu đều được hấp thụ hết, để kéo mã này lên mức giá trần 2.550 đồng khi chốt phiên với hơn 7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần 1,4 triệu đơn vị, chưa kể lượng dư mua ATC không được khớp.

Trong phiên giao dịch sáng nay, diễn biến của VHG vẫn khá giống phiên chiều qua. Tận dụng đà tăng của mã này, rất nhiều nhà đầu tư muốn thoát hàng, nên lực cung rất mạnh. Tuy nhiên, mỗi khi lực cung lớn, đẩy VHG xuống dưới mức trần, ngay lập tức sẽ có một lực cầu lớn được tung vào, hấp thụ hết để đưa mã này trở lại với mức trần 2.720 đồng. Tuy nhiên, trước lực cung lớn, lực cầu không đủ sức để giúp VHG có phiên tăng trần tiếp theo. Chốt phiên, VHG tăng 5,88%, lên 2.700 đồng với 9,25 triệu đơn vị, cao hơn cả phiên giao dịch đầu tuần mới và đứng thứ 4 về thanh khoản trên HOSE sau ITA, FLC và.

Với ITA, mã này cũng là địa chỉ thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư khi thanh khoản luôn giữ ở mức rất cao, dù vậy, diễn biến giá lại không có nhiều đột biến khi chỉ nhích nhẹ từng bước một, kèm với đó cũng có những phiên giảm nhẹ đan xen. Chốt phiên sáng nay, ITA đứng đầu về thanh khoản với 13,58 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 0,47%, xuống 4.220 đồng.

Với FLC, tưởng chừng với thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT mua vào 10 triệu cổ phiếu sẽ giúp mã này có sự đột biến về giá, nhưng dường như đây là lượng quá nhỏ so với thanh khoản của mã này. Do đó, FLC cũng chỉ tăng từ từ và chốt phiên sáng nay ở mức 8.420 đồng, tăng 1,45% với 11,47 triệu đơn vị được khớp và vẫn còn cách đỉnh cũ 8.740 đồng được xác lập ngày 22/3 gần 3,68%.

Trong khi đó, sau những phút đầu giằng co, HAG đã chính thức quay đầu giảm trước áp lực cung lớn. Chốt phiên, HAG giảm 1,52%, xuống 9.750 đồng với hơn 10,9 triệu đơn vị được khớp.

HNG sau thời gian phiên bất ngờ khởi sắc chiều qua và những phút đầu duy trì đà tăng tốt sáng nay, cũng đã quay đầu giảm trở lại. Chốt phiên, HNG giảm 0,4%, xuống 12.500 đồng với 1,98 triệu đơn vị được khớp.

Không có thanh khoản mạnh như các mã trên, nhưng QCG tiếp tục có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp trong sáng nay, lên 6.010 đồng. Nếu không chịu áp lực cuối phiên 22/3, QCG đã có chuỗi 5 liên tăng trần liên tiếp. Chốt phiên, QCG được khớp 0,71 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Sắc tím của HNG và VHG phiên chiều qua đã được TSC thay thế trong sáng nay khi mã này mở cửa nhích nhẹ 1 bước giá, nhưng sau đó đã bứt phá lên thẳng mức giá trần 2.890 đồng với hơn 2,84 triệu đơn vị được khớp. Trong khi “mẹ” FIT lại tăng nhẹ 0,63%, lên 4.750 đồng với 2,65 triệu đơn vị được khớp.

Trở lại với diễn biến của chỉ số. Mở cửa phiên sáng nay, VN-Index tiếp tục thử sức với ngưỡng cản 725 điểm nhờ sự hỗ trợ của VNM, ROS, BVH, VJC, REE, FPT. Tuy nhiên, giống như phiên hôm qua, ngay khi chạm ngưỡng 725 điểm, lực cung gia tăng ở nhiều mã lớn, đẩy VN-Index thoái lui trở lại. Sau 75 phút cầm cự, VN-Index đã tỏ ra đuối sức khi và chịu khuất phục trước lực cung lớn, nên quay đầu giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,51 điểm (-0,21%), xuống 722,01 điểm với 104 mã tăng, 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 140,68 triệu đơn vị, giá trị 2.041,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,23 triệu đơn vị, giá trị 105 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX có sắc đỏ ngay khi mở cửa phiên sáng và sau nỗ lực hồi phục theo ACB, chỉ số này cũng đã đuối sức giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 91 điểm.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,67%), xuống 90,77 điểm với 49 mã tăng, trong khi có tới 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 26,85 triệu đơn vị, giá trị 314,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có 1,1 triệu đơn vị, giá trị 13,69 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sau 2 phiên tăng trần bất ngờ với thanh khoản lớn, SHB đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong phiên sáng nay khi lực cầu không còn mạnh. Thậm chí, SHB còn mở cửa ở mức sàn 5.500 đồng, sau đó dù được kéo trở lại mức tham chiếu 6.100 đồng, nhưng lực cầu yếu khiến SHB giảm 3,28%, xuống 5.900 với tổng khớp 4,43 triệu đơn vị.

ACB sau nỗ lực phục hồi đã bất thành khi đóng cửa giảm 1,19%, xuống 24.900 đồng với 1,92 triệu đơn vị được khớp.

HUT cũng giảm 2,74%, xuống 14.200 đồng với 2,66 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 về thanh khoản sản SHB.

Tuy nhiên, một số bluechip khác có sắc xanh như VCG, LAS, NTP, VGC, một số mã dầu khí, giúp hãm đà giảm của HNX-Index.

Trong đó, PVC sau thông tin bị vào diện cảnh báo chỉ giảm nhẹ và đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên sáng nay theo nhóm dầu khí. Chốt phiên, PVC tăng 1,28%, lên 7.900 đồng, nhưng thanh khoản thấp.

Trong khi đó, sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp, UPCoM-Index đã phục hồi trở lại trong phiên sáng nay khi đóng cửa tăng 0,1 điểm (+0,18%), lên 57,31 điểm với 39 mã tăng và 49 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2 triệu đơn vị, giá trị 36,78 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thêm hơn 232.000 đơn vị, giá trị 11,32 tỷ đồng được sang tay trong phiên thỏa thuận, chủ yếu đến từ 200.000 cổ phiếu ACV, giá trị 10,2 tỷ đồng.

Đà tăng của UPCoM-Index nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn trên sàn này như VIB, SDI, VOC, VEF, SAS, FOX, MSR, trong khi cổ phiếu lớn HVN vẫn giảm nhẹ 0,66%, xuống 29.900 đồng với 306.400 đơn vị được chuyển nhượng, đứng thứ 2 sau mã tý hon TOP. Chốt phiên sáng nay, TOP được giao dịch 364.200 đơn vị và đóng cửa tăng 5,56%, lên 1.900 đồng.

Tin bài liên quan