Phiên sáng 26/7: Cổ phiếu dầu khí đẩy VN-Index vào “vùng nguy hiểm”

Phiên sáng 26/7: Cổ phiếu dầu khí đẩy VN-Index vào “vùng nguy hiểm”

(ĐTCK) Giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất 3 tháng đã kéo nhóm cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là GAS giảm mạnh, khiến mốc hỗ trợ cứng 645 điểm của VN-Index đang trở nên mong manh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. Dù áp lực bán giá thấp được tiết giảm phần nào, nhưng bên mua không dám mạo hiểm khiến thị trường mở giảm nhẹ với thanh khoản thấp.

Kết thúc đợt 1, VN-Index mở cửa giảm 0,72 điểm (-0,11%), xuống 648,58 điểm với 3,6 triệu đơn vị được khớp, tương đương giá trị 42,3 tỷ đồng.

Đà giảm nới rộng dần khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục khi các mã lớn như VCB, VIC, BVH, cũng như nhóm dầu khí đang giảm giá. May mắn cho VN-Index không giảm sâu khi còn nhận được sự hỗ trợ của VNM, CTG.

Tuy nhiên, VN-Index chỉ cầm cự được trong khoảng thời gian ngắn khi đà giảm được nới rộng hơn do áp lực đến từ GAS.

Trong phiên đầu tuần mới, nỗi lo dư cung đã khiến giá dầu thô thế giới giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất gần 3 tháng, kéo cổ phiếu năng lượng trên thị trường toàn cầu sụt giảm mạnh. Điều ngoại lệ đã không xảy ra với nhóm cổ phiếu dầu khí đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau ít phút đầu phiên cầm cự, áp lực bán tại GAS, kéo mã này giảm dần đều và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 59.000 đồng, giảm 4,84%; PVD cũng chỉ may mắn hơn chút ít khi thoát được mức giá thấp nhất phiên đúng 1 bước chân, chốt phiên PVD giảm 3,8%, xuống 25.300 đồng.

Ngoài nhóm dầu khí, một số mã lớn khác như VIC, MSN, BVH, BID… cũng gây tạo sức ép khiến VN-Index có lúc đã xuống dưới mốc hỗ trợ cứng 645 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực của VNM khi đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 156.000 đồng, tăng 1,3% và sự trở lại kịp thời của VCB khi về mức tham chiếu, cũng là mức cao nhất phiên, giúp VN-Index chốt phiên vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ 645 điểm.

Cụ thể, VN-Index giảm 4,04 điểm (-0,62%), xuống 645,26 điểm với 68 mã tăng, trong khi có tới 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,3 triệu đơn vị, giá trị 929 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,2 triệu đơn vị, giá trị 81,3 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,6 điểm (-0,71%), xuống 83,4 điểm với 59 mã tăng và có 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19 triệu đơn vị, giá trị 232 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 10 tỷ đồng.

Về các mã cổ phiếu, chuỗi ngày giảm sàn liên tiếp của DRH và TTF chưa có dấu hiệu dừng lại trong phiên giao dịch sáng nay khi lực bán vẫn mạnh, trong khi bên mua không dám xuống tiền.

Sau thông tin về việc CTCP Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) ngưng lại và không chuyển đổi khoản vay hơn 1.200 tỷ đồng tại TTF được ông Võ Trường Thành đưa ra tại ĐHCĐ bất thường ngày 20/7, cũng như việc cổ đông lớn này yêu cầu TTF phải giải trình, làm rõ một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố và làm cơ sở cho việc xác định mức giá chuyển đổi đã ảnh hưởng tiêu cực tới giá cổ phiếu TTF.

Thực ra, thông tin về việc Tân Liên Phát ngưng lại thương vụ mua cổ phiếu TTF đã rò rỉ ngày trước đó, khiến cổ phiếu TTF từ ngày 19/7 và kéo dài cho tới hôm nay. Trong 5 phiên giảm sàn liên tiếp vừa qua, ngoại trừ phiên 19/7, còn lại 4 phiên, giao dịch của  TTF chỉ có 1 mức giá trong suốt phiên là giá sàn khi không ai đủ dũng cảm bắt dao rơi.

Trong phiên sáng nay, TTF tiếp tục giảm sàn xuống 28.500 đồng ngay từ đầu phiên với lượng dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị, trong khi chỉ một số ít nhà đầu tư ưa thích rủi ro mua vào chưa tới 1.000 đơn vị.

Như vậy, so với giá tham chiếu ngày 19/7, giá cổ phiếu TTF đang giao dịch sáng nay đã giảm hơn 34,6%.

Một mã khác là DRH cũng đang trên đường có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp. Cổ phiếu DRH giảm sàn trong phiên 20/7 sau tin đồn liên quan đến những giao dịch của cá nhân, tổ chức liên quan về cổ phiếu này. Sau đó, DRH đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ những thông tin đồn thổi trên và khẳng định, HĐQT Công ty cũng như các cá nhân và tổ chức liên quan không hề có phát sinh những sự kiện hoặc giao dịch nào gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty cũng như cổ phiếu DRH. Và DRH cũng không có bất cứ liên hệ nào với những thông tin và sự kiện như thông tin đồn thổi thất thiệt và không có cơ sở gần đây.

DRH cũng công bố lãi ròng 12 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bất chấp thông tin chính thức đưa ra từ Công ty, cổ phiếu DRH vẫn bị bán mạnh sau đó và cũng chỉ giao dịch ở mức sàn trong 3 phiên liên tiếp. Sáng nay, DRH giảm sàn xuống 52.000 đồng ngay từ đầu phiên và cũng chỉ được giao dịch nhỏ giọt do bên mua không dám xuống tiền. Cổ phiếu này cũng đã mất gần 29% giá trị sau 5 phiên giảm sàn liên tiếp (tính cả phiên sáng nay).

Trong khi đó, dù không giảm sàn như DRH và TTF, nhưng KSB cũng giảm tới 3,55%, xuống mức thấp nhất phiên 68.000 đồng.

Trong khi đó, đà tăng tăng của cặp đôi HNG - HAG không duy trì được quá 1 phiên, đúng như dự báo của nhiều nhà đầu tư. Trong khi HNG giữ được mức tăng tối thiểu dù mở cửa ở mức giá trần, thì HAG đã đảo chiều giảm trở lại. Cả 2 đều đứng ở mức thấp nhất phiên 7.200 đồng và 6.700 đồng. Thanh khoản của cả 2 đều dưới 1 triệu đơn vị.

Ngoài trừ HNG có được sắc xanh nhạt, cả 3 mã còn lại trong 4 mã mới được vào rổ VN30 là BID, GAS và MWG đều giảm giá trong phiên sáng nay. Trong khi 4 mã bị loại ra là EIB, HHS, EIB và HVG, thì chỉ có HHS đứng ở mức tham chiếu, còn lại 3 mã đều tăng giá, đặc biệt HVG nổi sóng trong phiên sáng nay khi đóng cửa ở mức giá trần 10.900 đồng với 2,76 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HOSE. Tuy nhiên, lượng dư mua trần khá lớn nửa đầu phiên sáng đã không còn khi chốt phiên.

Trên HNX, dù chịu áp lực chốt lời không nhỏ, nhưng lực mua lớn tiếp tục giúp ACM duy trì phiên tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp, lên 2.600 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần nửa triệu đơn vị. Đây cũng là 1 trong 4 mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX sáng nay.

Trong nhóm bluechip, LAS và VCS là những điểm sáng hiếm hoi, trong đó VCS chỉ có mức tăng nhẹ, còn LAS tăng 2,92%, lên 28.200 đồng bất chấp kết quả kinh doanh quý II công bố trước đó không mấy khả quan.

Tin bài liên quan